EU chia rẽ trước ngày chia tay Anh

Theo đúng lộ trình, sớm nhất cũng phải tới tháng 3/2019 nước Anh mới chính thức rời Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, tiến trình Brexit đang làm sâu sắc thêm những chia rẽ trong nội bộ khối này, đặc biệt ở hai phía Đông-Tây.

Các thành viên EU tại hội nghị hôm 23/6 ở Brussels, Bỉ. (Ảnh: Reuters)

Hội nghị EU diễn ra trong 2 ngày 22 và 23/6 cuối tuần qua đã kết thúc với kết quả theo mô tả của tờ DW (Đức) là không đem lại được bao nhiêu triển vọng lạc quan. Các nước thành viên vẫn bất đồng, xen lẫn những hoài nghi về cách thức chia tay Anh, bất chấp những cam kết của London, trong đó có việc đảm bảo quyền lợi cho công dân EU. Tuy nhiên, việc Anh rời EU chí ít phải tới tháng 3/2019 mới xảy ra. Trong khi đó, nội bộ khối lại đang chia rẽ với quá nhiều những thách thức trước mắt.

Vô vọng vấn đề người nhập cư

Tại hội nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khiến các nước đông Âu đùng đùng nổi giận khi lên tiếng chỉ trích việc những người này từ chối tiếp nhận người tị nạn từ một số quốc gia trong khối như Ý hay Hy Lạp. Ông Macron cũng phàn nàn rằng các thành viên không phải “đang trong một siêu thị”, và EU không thể cứ chi tiền cho những đối tượng không tôn trọng các quy tắc, giá trị của EU.

Theo mô tả của DW, dù ông Macron không chỉ đích danh nước nào, nhưng Hungary lập tức cảm thấy bị “tấn công”. Lý do bởi Hungary là một trong các thành viên EU phản đối kế hoạch phân bổ người nhập cư do Đức đưa ra trước đây. Thủ tướng Viktor Orban, chả cần giữ phép ngoại giao, đã “dán” cho ông Macron cái mác của một “tay mơ”, và rằng việc ông Macron nắm quyền “chả mấy được chào đón”. Không khí càng nóng thêm khi Thủ tướng Áo Christian Kern lên tiếng ủng hộ ông Macron với tuyên bố, không ai có thể “cứ luôn luôn đòi hỏi, rồi sau đó lại lẩn tránh trách nhiệm”.

Trong nỗ lực làm dịu sự khác biệt giữa các bên, ông Macron sau đó đã có cuộc tiếp xúc với “bộ tứ” của nhóm Visegrad, gồm: Hungary, Ba Lan, Czech và Slovakia. Tuy nhiên, kết quả cuộc làm việc chẳng được bao nhiêu. Các bên hẹn sẽ có thêm một hội nghị khác trong tháng 9 tới để tiếp tục bàn thảo.

Thủ tướng Đức Angela Merkel sau 2 ngày hội nghị cho biết, các thành viên đã “rất, rất đồng tình” về giải pháp cần thiết để giải quyết tận gốc vấn đề người nhập cư. Tuy nhiên, bà Merkel thừa nhận, kế hoạch phân bổ người nhập cư chưa đạt được bước tiến nào. Trong buổi họp báo chung, ông Macron và bà Merkel cùng cho rằng, cuộc khủng hoảng người nhập cư chỉ có thể giải quyết trong dài hạn, bao gồm cả việc ổn định tình hình khu vực Trung Đông, Châu Phi, gốc xuất phát dòng người tị nạn vào châu Âu.

Chia rẽ vì người lao động

Đây là vấn đề không mới giữa các thành viên EU. Ông Emmaneul Macron cho rằng, nếu không có phương sách, toàn bộ EU sẽ bị phá hủy bởi việc lao động ở các nước Tây Âu đang vấp phải cạnh tranh từ lao động Đông Âu, vốn có chi phí thấp hơn. “Brexit đã xảy ra như thế nào? Đấy là vì lao động ở phía đông đã lấy đi việc làm của người Anh”-DW dẫn lại lời ông Macron phát biểu cách đây không lâu.

Ông Macron đã lên tiếng kêu gọi cần có quy định về mức lương cho lao động đến từ Đông Âu, với mức tương tự như ở quốc gia gốc. Giải pháp này nhằm hạn chế luồng di cư lao động từ đông sang tây. Đề xuất trên nhận được sự hưởng ứng từ các nước như Đức, Áo, nhưng lại bị các nước phía đông phản đối.

Về thương mại, EU nhất quán duy trì thị trường tự do trước nỗi lo từ quan điểm bảo hộ mạnh mẽ của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên trong nội bộ EU, Brussels đang tỏ ra lo lắng trước việc một số quốc gia thành viên chiếm lĩnh thị trường chung bằng các hàng hóa giá rẻ. Bên cạnh đấy là nỗi lo các công ty từ nước thứ 3, một mặt mua lại các hãng kinh doanh EU, mặt khác chặn đường làm ăn của những doanh nghiệp EU khác. Nước được lưu ý tới trong trường hợp này là Trung Quốc.

AN QUỐC (Theo DW, Reuters)

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/eu-chia-re-truoc-ngay-chia-tay-anh-post196875.html