EU có thể trở thành “kẻ thù” của các công ty công nghệ Mỹ

Trái với Mỹ, các công ty công nghệ khi tới EU sẽ không nhận được ưu đãi và nếu như xảy ra vấn đề gì, cái giành cho họ sẽ là đơn kiện hoặc án phạt.

Ảnh minh họa.

Cách đây vài ngày, EU đã quyết định buộc Apple phải trả khoản tiền 14,5 tỷ USD thuế và lãi suất của khoản này do đã nhận được những ưu đãi thuế bất hợp pháp từ chính phủ Ireland. Cũng theo EU, Ireland đã cho nhiều công ty khác của Mỹ được hưởng ưu đãi thuế trái quy định.

Quyết định này của Liên minh châu Âu có thể là một tín hiệu xấu cho các công ty công nghệ khác như Amazon. Và đây cũng có thể châm ngòi cho căng thẳng giữa những công ty công nghệ của Mỹ với EU.

Đầu năm nay, EU đã nộp đơn khiếu nại về vấn đề độc quyền của Google trên điện thoại Android. Còn năm ngoái là độc quyền của công cụ tìm kiếm google.com. Facebook cũng từng bị EU kiện vì những nguyên tắc chia sẻ dữ liệu.

Lúc này cả Apple và Ireland đều đang phủ nhận tuyên bố của EU và có kế hoạch kháng cáo quyết định này.

EU cáo buộc Ireland cho Apple những ưu đãi thuế bằng cách cho công ty này được áp dụng 2 quy định thuế khác nhau. Phần lớn lợi nhuận của Apple sẽ được chuyển tới một công ty không được đăng ký tại bất kỳ nước nào hay có nhân viên nào. Do đó chỉ có một phần nhỏ lợi nhuận của công ty này nằm lại Ireland và sẽ bị đánh thuế theo đúng những quy định hiện tại.

Dựa vào báo cáo lợi nhuận của Apple tại châu Âu, EU dự đoán hiện nay Apple chỉ phải chịu mức thuế suất tương đương 0,05%.

Mặc dù điều này là không trái với các quy tắc pháp lý của EU nhưng vấn đề ở chỗ Ireland cho Apple đặc quyền mà công ty khác không có. Kết quả Apple buộc phải trả khoản tiền lên đến 14,5 tỷ USD tương đương với tiền thuế mà công ty này lẽ ra phải đóng từ năm 2003 đến 2014 thay vì yêu cầu Ireland thay đổi chính sách thuế.

Tuy nhiên Apple lại lên cho rằng họ không nhận được bất kỳ ưu đãi nào từ chính phủ Ireland. Trang công nghệ Wired dẫn lời đại diện Apple: “Các cáo buộc ngày 30/8 với nội dung Ireland cho Apple một thỏa thuận đặc biệt về thuế là không có cơ sở. Chúng tôi không bao giờ yêu cầu hoặc nhận bất kỳ ưu đãi đặc biệt nào”.

Chính phủ Ireland cũng phủ nhận việc này. Bộ trưởng bộ Tài chính Ireland Michael Noonan phát biểu: “Ireland không bao giờ thỏa thuận với người nộp thuế”.

Không chỉ công nghệ bị “soi”

Trên thực tế việc điều tra thuế của EU không chỉ diễn ra với các công ty công nghệ. EU cũng đang kiểm tra hoạt động nộp thuế của McDonald và trước đó đã từng buộc Starbuck và Fiat nộp hàng triệu USD tiền thuế gian lận tại Bỉ.

Vấn đề ở chỗ những gì EU đang làm lại đang ngược lại hẳn với Mỹ, quốc gia đang cho các doanh nghiệp công nghệ hàng loạt các đặc quyền. Uber đã tìm được cách để thỏa hiệp với chính quyền địa phương. Thung lũng Silicon vốn là “cửa sau” của Nhà Trắng còn Google có mối liên hệ mật thiết với chính phủ Obama.

Khoản tiền thuế mà EU thu lại được sau mỗi vụ việc có thể không lớn nhưng theo trang Wired, những người ủng hộ quyền riêng tư của người dùng cho rằng các nước thành viên EU nên có sự khắt khe hơn với các công ty công nghệ. Tuy nhiên vấn đề lớn hơn sau đó vẫn là liệu chính phủ các nước có cách nào quản lý được những “gã khổng lồ Internet” hay không?

TÙNG LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/cong-nghe/eu-co-the-tro-thanh-ke-thu-cua-cac-cong-ty-cong-nghe-my-1932547.html