EU tăng sức mạnh hạt nhân dằn mặt Nga hay Mỹ?

Có thể đến lúc các vấn đề của Châu Âu sẽ được phân định bởi các thực thể khác, vì vậy họ sẽ tìm cách nhằm ngăn chặn nguy hại đó...

Đối phó Nga hay để dằn mặt Mỹ?

Gần đây, phát biểu với Frankfurter Allgemeine Zeitung, nhà lãnh đạo của đảng đương quyền ở Ba Lan, Jaroslaw Kaczynski kêu gọi châu Âu cần phải tăng cường cho kho vũ khí hạt nhân của mình để đối phó với Nga.

Mặc dù ông Kaczynski thừa nhận chương trình sẽ rất tốn kém, nhưng đó là điều cần thiết bởi kho vũ khí hạt nhân của EU hiện nay rất nhỏ so với Nga.

Theo trang tin Neweurope.eu, sau khi Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu, kho vũ khí hạt nhân của EU đã giảm đi 215 đầu đạn hạt nhân của Anh, chỉ còn lại 300 đầu đạn hạt nhân của Pháp.

Trong khi đó Nga còn tới 7.000 đầu đạt hạt nhân và số lượng đầu đạn hạt nhân của người đồng minh bên bờ tây Đại Tây Dương cũng tương đương như vậy.

Điều đó cho thấy, dù mang danh nằm trong hàng ngũ “cường quốc vũ khí hạt nhân” song năng lực hạt nhân của Châu Âu quá nhỏ so với Nga và Mỹ. Vì vậy, có thể nhận diện lời kêu gọi của lãnh tụ đảng đương quyền Ba Lan – một người theo chủ nghĩa dân tộc – sẽ có tác động rất lớn tới EU, nhất là tại các quốc gia mà lực lượng dân túy có thể nắm quyền sau các cuộc bầu cử trong năm 2017.

Nhà lãnh đạo của đảng đương quyền ở Ba Lan, Jaroslaw Kaczynski - người đã kêu gọi châu Âu cần phải tăng cường cho kho vũ khí hạt nhân của mình

Chỉ có điều, EU tăng cường năng lực hạt nhân – như lời kêu gọi của ông Kaczynski – chỉ nhằm đối phó với Nga hay còn là nhằm vào Mỹ? Cá nhân người viết cho rằng, việc EU tăng cường năng lực hạt nhân có thể vin vào lý do là sự đe dọa từ Nga, song mục đích sẽ là hướng tới Mỹ - mà cụ thể là dằn mặt Washington dưới thời chính quyền Trump.

Có thể thấy sau khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng rằng NATO đã lỗi thời thì hiện nay trong tổ chức quân sự hùng mạnh dường như đã có sự chia rẽ giữa Mỹ và các thành viên NATO còn lại. Cho dù chưa có dấu hiệu nào cho thấy NATO sẽ chấm dứt sự tồn tại trong thời điểm hiện nay, nhưng việc EU có kế hoạch thành lập quân đội riêng cho thấy nội bộ NATO đã có vấn đề.

Nước Anh đã rời EU và sẽ phát triển quân đội của mình, nếu EU thành lập quân đội riêng nữa, vậy NATO sẽ được tổ chức ra sao và thậm chí có cần thiết tồn tại nữa hay không? Việc EU có kế hoạch thành lập quân đội riêng, dù nhìn dưới bất cứ góc độ nào, thì đó cũng là một bước chuẩn bị cho việc thay đổi cấu trúc an ninh chung Mỹ - Châu Âu.

Sự đe dọa từ Moscow vẫn luôn chỉ tồn tại ở dạng khả năng và nó nguy hiểm phần lớn là do nhìn nhận của phương Tây hơn là bởi chiến lược của Kremlin, song cảnh báo từ Washington thì đang dần trở thành hiện thực với Châu Âu khi Trump bước vào Nhà Trắng. Việc phụ thuộc quá lớn vào sức mạnh Mỹ khiến Châu Âu trở thành hổ giấy và dần lệ thuộc hoàn toàn vào Washington.

Chính vì vậy độc lập với Washington sẽ là một trong những quan điểm nền tảng trong cương lĩnh chính trị của những lực lương chính trị theo chủ nghĩa quốc gia tại Châu Âu. Khi độc lập với Mỹ thì Châu Âu có thể vẫn là đồng minh với Mỹ, song cũng có thể chỉ là đối tác với Mỹ, thậm chí còn là đối thủ của nhau.

Khi không còn nằm trong sự bảo trợ của Mỹ thì Châu Âu sẽ luôn lép vế với người bạn cũ bởi tiềm lực cũng như năng lực của mình. Với vị thế như vậy thì châu Âu luôn phải chịu thua thiệt, do đó yêu cầu đặt ra là tăng cường khả năng để có thể tạo ra vị thế ngang bằng với Washington. Và có lẽ tăng cường năng lực hạt nhân là một trong những nước đi có công hiệu lớn nhất.

Do vậy, có thể nhận diện khi nhà lãnh đạo của đảng đương quyền ở Ba Lan, Jaroslaw Kaczynski kêu gọi tăng cường năng lực hạt nhân cho châu Âu, thực ra là “thay lời muốn nói” của giới lãnh đạo tại lục địa già. Động thái đó chỉ xem đối phó với Nga là cái cớ, còn dằn mặt Mỹ mới là mục đích mà nó hướng tới.

Bài học Ukraine

Nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh xung đột hiện nay cũng như “ước mơ NATO” vẫn luôn là mộng tưởng đã khiến giới lãnh đạo Ukraine cảm thấy nuối tiếc về việc nước này thực hiện phi hạt nhân hóa vào năm 1996. Bởi lẽ, năng lực hạt nhân của Ukraine có thể trở thành bảo bối cho Kiev trong việc làm giá với cả Nga và phương Tây.

Cũng nên nhắc lại rằng, sau khi Liên Xô tan rã, Ukraina thừa hưởng một phần di sản hạt nhân của Liên Xô. Tại thời điểm năm 1992, trên lãnh thổ Ukraina còn lại 1.950 đơn vị vũ khí hạt nhân chiến lược và 1.883 đơn vị vũ khí hạt nhân chiến thuật, trong đó có 176 tên lửa đường đạn xuyên lục địa. Tuy nhiên, sau khi phê chuẩn Thỏa thuận Lisbon năm 1992, Kiev đã chuyển giao toàn bộ vũ khí hạt nhân của mình cho Liên bang Nga.

Việc thủ tiêu và rút các đầu đạn hạt nhân khỏi Ukraina đã hoàn tất vào tháng 6/1996. Theo Thỏa thuận Lisbon và Biên bản Budapest, Ukraina có quy chế quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân. Còn Nga cam kết bảo đảm an ninh cho Ukraina trong trường hợp bị quân đội nước ngoài xâm lược. Tiếc là thực tế lại không diễn ra như các tác giả của Thỏa thuận Lisbon năm nào.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/eu-tang-suc-manh-hat-nhan-dan-mat-nga-hay-my-3328857/