EU trắc trở kế hoạch đánh thuế ngân hàng

SGTT - Khối EU chính thức loan báo một kế hoạch đánh thuế các ngân hàng của riêng EU để thành lập mạng lưới “quỹ giải pháp ngân hàng”, nhằm ngăn ngừa các ngân hàng sụp đổ hàng loạt như đợt khủng hoảng vừa qua.

Năm ngoái, các nước EU và Mỹ đề cập đến việc đánh thuế lên các giao dịch của các ngân hàng để hình thành một quỹ phòng ngừa những rủi ro có thể xảy ra như cơn khủng hoảng tài chính vừa qua, nhưng EU và Mỹ có một điểm bất đồng. Trong khi Mỹ muốn nguồn quỹ từ việc đánh thuế trên sẽ được chi trả trở lại cho phần ngân sách đã được trích ra để cứu giúp các đại gia tài chính, EU lại muốn dùng quỹ trên cho dự phòng tương lai và để giải cứu các ngân hàng, công ty tài chính nếu một cuộc khủng hoảng tương tự xảy ra. Ủy viên hội đồng châu Âu phụ trách cải tổ ngành tài chính Michel Barnier, hôm qua (27.5), tuyên bố các nước châu Âu có thể hành động một mình trong việc đánh thuế ngân hàng. Nước nào đánh thuế ngân hàng nước đó rồi lập ra các quỹ giải pháp. Các quỹ này hình thành một mạng lưới quỹ của toàn khối EU, để xử lý các ngân hàng khi vừa chớm nguy cơ phá sản, chứ không chờ đến khi phá sản. Ông Barnier nói: “Về vấn đề này, chúng ta có thể tự tiến hành. Không cần phải nhờ Mỹ lo cho sự ổn định tài chính của EU”. Ông Barnier nói việc đánh thuế sẽ được áp dụng rộng rãi trên khắp châu Âu vào năm 2011, EU sẽ đánh thuế các ngân hàng theo tài sản, nợ phải trả hoặc lợi nhuận. Ông Barnier nói, mạng lưới quỹ này cần thiết vì: “Không thể chấp nhận để người đóng thuế phải chi trả cho những khoản đáng lẽ phải do các ngân hàng gánh chịu. Không thể bắt người đóng thuế chi trả cho sai lầm của các ngân hàng”. Hiện tại, Thụy Điển đề xuất đánh thuế mức 0,036% trên số dư cân đối tài sản cuối cùng hàng năm của các ngân hàng. Nước này cũng đề nghị EU áp dụng phương án trên cho cả khối. Đức cũng đang chuẩn bị một quỹ trị giá 1 tỉ USD mỗi năm do các ngân hàng đóng góp. Tuy hầu hết khối EU đang ủng hộ cho kế hoạch trên, nhưng vẫn còn những ý kiến lo ngại nó sẽ trở thành một thứ “thuế liên bang”, vốn là một điều xem là không thể thỏa hiệp trong EU vì các nước thành viên luôn quyết liệt bảo vệ quyền quyết định các loại thuế của mình. Bà Angela Knight, giám đốc điều hành hiệp hội Ngân hàng Anh, phản đối: “Tại sao các ngân hàng của nước này phải chi trả cho vấn đề của ngân hàng nước khác? Ông Barnier cũng cho biết thêm sẽ đề xuất thêm các ý tưởng mới về việc đánh thuế các giao dịch chứng khoán phái sinh vốn bị quy kết là nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng tài chính. Ngày 17.6 tới, ông Barnier phải vận động sự ủng hộ của các vị lãnh đạo trong khối EU, trước khi soạn thảo chi tiết luật thuế mới này. Trước mắt, liên đoàn Ngân hàng châu Âu, đại diện cho hơn 5.000 ngân hàng ở khối này nói các thành viên của liên đoàn chưa thống nhất cách thành lập và vận hành quỹ nói trên.

Nguồn SGTT: http://sgtt.com.vn/quoc-te/122975/eu-trac-tro-ke-hoach-danh-thue-ngan-hang.html