EU trút giận lên 'con cái' trong cuộc 'ly hôn' với Anh

Vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh ở bờ biển Tây Ban Nha vừa trở thành đề tài bàn cãi mới trong quá trình "ly hôn" phức tạp giữa Anh và Liên minh châu Âu.

Cuộc chia tay sóng gió giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) vừa trải qua mâu thuẫn mới. Nguyên nhân bắt nguồn từ hướng dẫn đàm phán Brexit (Anh rời EU) do EU ban hành hôm 31/3.

Hướng dẫn có đoạn viết: "Sau khi Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh, không có thỏa thuận nào giữa EU và Vương quốc Anh có thể áp dụng cho lãnh thổ Gibraltar mà không có sự đồng thuận giữa Vương quốc Tây Ban Nha và Vương quốc Anh".

Vùng đất gây tranh cãi

Hôm 2/4, Cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ Michael Howard nói rằng thủ tướng sẽ bảo vệ Gibraltar giống như người tiền nhiệm của bà từng bảo vệ Falklands trong cuộc chiến năm 1982 với Argentina.

Ông Howard ám chỉ hành động quân sự của cựu Thủ tướng Margaret Thatcher 35 năm trước nhằm đòi lại các đảo bị chiếm đóng ở nam Đại Tây Dương. Ông khẳng định bà May sẽ có cách giải quyết tương tự đối với Gibraltar, lãnh thổ hải ngoại của Anh nằm ở bờ biển phía nam Tây Ban Nha.

Gibraltar nhìn từ trên cao. Dân số của vùng lãnh thổ này là 30.000 người. Ảnh: Getty.

Trên chuyến bay tới Jordan, Thủ tướng Anh Theresa May cười đáp lại câu hỏi về việc liệu Anh có thể tuyên chiến với Tây Ban Nha hay không.

“Những gì chúng tôi đang làm với tất cả quốc gia châu Âu tại Liên minh châu Âu là ngồi xuống và trò chuyện. Chúng tôi sẽ ngồi xuống và đàm phán với họ về thỏa thuận tốt nhất có thể cho Vương quốc Anh và cho các nước này, bao gồm cả Tây Ban Nha”, bà May nói với các phóng viên.

“Chắc chắn là chỉ nói chuyện suông”, bà khẳng định.

Bộ trưởng Gibraltar Fabian Picardo nói: "Gibraltar không phải là vật thương lượng trong các cuộc đàm phán. Gibraltar thuộc về người Gibraltar và chúng tôi muốn ở lại Anh quốc".

Gibraltar nằm ở phía nam Tây Ban Nha. Đồ họa: Daily Mail.

Ông Picardo kêu gọi Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Donald Tusk loại bỏ đoạn chỉ dẫn liên quan đến Gibraltar. “Ông Tusk, người có khuynh hướng lợi dụng cuộc ‘ly hôn’ này, đang hành xử như một ông chồng bị cắm sừng tìm cách trút cơn giận lên con trẻ", ông nói.

Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha nói rằng chính phủ nước này "ngạc nhiên với giọng điệu của các ý kiến đưa ra từ Anh". "Có vẻ như ai đó đang mất bình tĩnh và không cần thiết phải như vậy", Bộ trưởng Alfonso Dastis phát biểu trong một cuộc họp ở Madrid.

Mắc kẹt trong cuộc 'ly hôn' khó khăn

Bà May đã không trực tiếp đề cập tới Gibraltar trong bức thư gửi Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Donald Tusk để kích hoạt các cuộc đàm phán Brexit vào tuần trước.

Trả lời trên Guardian, các quan chức EU cho biết họ đã rất ngạc nhiên vì thủ tướng Anh không đề cập đến vũng lãnh thổ hải ngoại này trong bức thư dài 6 trang chính thức bắt đầu quá trình 2 năm rời khỏi liên minh.

Phát biểu trên BBC hôm 2/4, Picardo phủ nhận chính quyền của ông bị ngưng hoạt động và cho biết ông đã được đảm bảo rằng nước Anh sẽ không bao giờ cho phép Gibraltar bị loại khỏi thỏa thuận thương mại với EU.

Một đồng minh của Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy nhận định thông điệp then chốt cho Gibraltar là "nếu họ muốn tham gia vào thị trường chung thì chỉ có một cách".

“Brexit sẽ rất, rất tệ đối với nền kinh tế của Gibraltar. Tất cả doanh nghiệp đang ở Gibraltar sẽ nhảy sang Andalusia và có lẽ là tới Malta", Esteban Gonzalez Pons, lãnh đạo phái đoàn Tây Ban Nha tại Nghị viện châu Âu, nói với Guardian.

Cờ của Liên minh châu Âu, Gibraltar và Vương quốc Anh. Ảnh: AFP.

Trên đường tới Trung Đông để bắt đầu chuyến công du 3 ngày tại Jordan và Saudi Arabia, bà May nhắc lại cam kết giành được một “thỏa thuận tốt” cho Gibraltar.

"Vị thế của chúng tôi đối với Gibraltar không thay đổi. Chúng tôi sẽ nỗ lực để có hợp đồng thương mại tốt nhất cho Vương quốc Anh và thỏa thuận tốt nhất cho Gibraltar. Chúng tôi đã làm việc với chính quyền Gibraltar trong vài tháng nay để đảm bảo đạt được thỏa thuận tốt nhất cho cả hai ", bà nói.

Bà May cũng khẳng định mình đã không bỏ quên vùng lãnh thổ này. “Tôi đã tuyên bố rõ ràng trước Hạ viện về việc chúng tôi sẽ tiếp tục hậu thuẫn Gibraltar”, bà nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cũng dẫn đầu một phái đoàn thương mại lớn chuẩn bị đến thăm Delhi và Mumbai nhằm thúc đẩy các cơ hội thương mại sau Brexit.

“Khi chúng tôi chuẩn bị rời Liên minh châu Âu, việc tăng cường quan hệ với Ấn Độ, nền kinh tế hàng đầu thế giới, một trong những người bạn và đồng minh lâu đời nhất của chúng tôi, trở nên quan trọng hơn bao giờ hết”, ông Hammond nói.

Mặc dù người Gibraltar là công dân Anh, các công việc của họ do thủ hiến điều hành độc lập.

Vùng lãnh thổ này tự quản lý mọi vấn đề, ngoại trừ chính sách đối ngoại và phòng thủ do chính phủ Anh giải quyết.

Dù có diện tích nhỏ, Gibraltar có vị trí chiến lược quan trọng. Nơi đây có một căn cứ quân sự của Anh, bao gồm cảng và sân bay.

Chủ quyền của Gibraltar là vấn đề tranh chấp trong nhiều năm giữa Anh và Tây Ban Nha. Người dân Gibraltar đã 2 lần bỏ phiếu để duy trì chủ quyền thuộc Anh và phản đối việc Tây Ban Nha đòi lại vùng lãnh thổ này.

Tuyết Mai

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/eu-trut-gian-len-con-cai-trong-cuoc-ly-hon-voi-anh-post734334.html