Euro 2016 khó thành công khi thiếu vắng công nghệ

Trong thời đại công nghệ, các giải đấu thể thao lớn sẽ khó có được thành công trọn vẹn khi thiếu sự hỗ trợ của các công nghệ tiên tiến. Euro 2016 cũng không ngoại lệ. Với mong muốn có được kỳ Euro thành công, nước Pháp đã ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến trong công tác tổ chức và điều hành giải đấu này.

Ứng dụng chống khủng bố

Trong bối cảnh “bóng ma” khủng bố vẫn bao trùm châu Âu, nhất là sau vụ khủng bố kinh hoàng tại Paris tháng 11/2015, Chính phủ Pháp đã đặt yếu tố an ninh lên hàng đầu. Bên cạnh việc huy động hơn 90 nghìn cảnh sát, nhân viên an ninh, tình báo và lực lượng hiến binh nhằm đảm bảo an toàn cho Euro 2016, Chính phủ Pháp còn tung ra ứng dụng chống khủng bố mang tên SAIP trên smartphone nhằm cảnh báo về khả năng xảy ra các vụ tấn công.

Theo đó, cảnh báo sẽ xuất hiện trên ứng dụng chậm nhất là 15 phút sau khi có xác nhận của các nhà chức trách và được tùy chỉnh theo vị trí chính xác của người dùng. Người dùng có thể giám sát cảnh báo tại 8 khu vực khác nhau và kiểm tra tình trạng của các thành viên gia đình hoặc bạn bè. Ứng dụng đưa ra lời khuyên về cách giữ an toàn, các thông tin phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Người dùng có thể tải miễn phí về smartphone với cả phiên bản tiếng Anh và tiếng Pháp.

Chống thiết bị bay không người lái (drone)

Nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho cầu thủ, ban huấn luyện, nhà tổ chức cũng như cổ động viên, Ban tổ chức quyết định triển khai công nghệ ngăn flycam bay trên 10 sân vận động tổ chức Euro 2016. 24 nhóm hỗ trợ dưới mặt đất đã được tăng cường, sẵn sàng ngăn chặn các vật thể bay không mong muốn này. Nguyên nhân khiến Chính phủ Pháp phải ra lệnh trên do thiết bị này đã gây ra tình trạng lộn xộn tại nhiều trận bóng đá lớn mà điển hình sau trận đấu loại giữa Albania và Serbia trong tháng 5/2014.

Bộ phận an ninh sẵn sàng chiếm quyền kiểm soát Drone ngay chúng xâm phạm vùng cấm bay

Hiện tại, Chính phủ Pháp chưa cho biết các biện pháp chống thiết bị bay không người lái cụ thể mà nước này sẽ tiến hành. Nhưng theo Ziad Khoury - Trưởng bộ phận an ninh của Euro 2016, họ hoàn toàn có khả năng chiếm quyền kiểm soát Drone ngay khi chúng xâm phạm vùng cấm bay. Để tăng cường tính hiệu quả cho các biện pháp này trong trường hợp cần thiết, tháng 4/2016, bộ phận an ninh Euro 2016 đã tổ chức diễn tập với tình huống giả định là vô hiệu hóa Drone mang theo chất hóa học.

Goal-line

Công nghệ được ví như “mắt diều hâu” này không còn xa lạ với giới túc cầu khi đã được sử dụng tại nhiều giải đấu như Premier League (Anh Quốc) hay Bundesliga (Đức) cũng như từng xuất hiện tại World Cup 2014 ở Brazil. Tuy nhiên, Euro 2016 vẫn là giải đấu lớn cấp châu lục đầu tiên ứng dụng công nghệ xác định đường biên ngang nhằm hỗ trợ trọng tài trong việc có công nhận bàn thắng hay không trong những tình huống nhạy cảm.

Hệ thống Hawk-Eye được cho là không thể nhầm lẫn với độ chính xác trong ngưỡng 5 mm

Goal-line sử dụng công nghệ máy tính để xác định bóng đã hoàn toàn vượt qua đường biên ngang hay chưa. Tuy nhiên, công nghệ này không được dùng với mục đích thay thế vai trò của các trọng tài mà chỉ có tác dụng hỗ trợ họ trong những tình huống nhạy cảm mà thôi. Công nghệ Goal-line mà ban tổ chức Euro 2016 sử dụng là Hawk-Eye do Basingstoke cung cấp.

Đây là hệ thống phức tạp kết hợp dữ liệu từ các máy quay độ nét cao, cảm biến và nhiều máy tính. Hệ thống hoạt động thông qua 6 hoặc 7 máy quay cho mỗi cầu gôn thường được gắn ở mặt dưới của mái các sân vận động để theo dõi bóng ở các góc độ khác nhau. Các video từ các máy ảnh sẽ phối hợp theo hình tam giác đẻ tạo thành quỹ đạo 3 chiều của quả bóng. Các máy quay được sử dụng có độ nét và tốc độ khung hình rất cao. Ngay cả khi một số góc máy bị chặn, phần mềm máy tính vẫn có khả năng tính toán quỹ đạo bóng hoặc vị trí chính xác thông qua các máy quay còn lại. Sau khi hệ thống máy tính xử lý, kết quả sẽ gửi đến trọng tài thông qua thiết bị đeo thông minh.

Thực tế ảo

Thực tế ảo đang trở thành xu hướng mới trên thị trường công nghệ. Đặc biệt, trong năm 2016, các thiết bị, trò chơi ứng dụng công nghệ thực tế ảo được các nhà sản xuất tung ra thị trường ngày càng nhiều. Dĩ nhiên, Euro 2016 cũng không bỏ qua trào lưu này.

Nokia OZO trang bị 8 ống kính, 8 microphone có giá bán 61 nghìn USD

Sau khi thử nghiệm trong trận chung kết Champions League 2016, hãng công nghệ Phần Lan đã quyết định sử dụng camera thực tế ảo Nokia OZO để phát trực tiếp một số trận đấu tại Euro 2016. Theo đó, các trận đấu có đội tuyển Anh tham dự, một số trận đấu của Xứ Wales, Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland sẽ được quay ở định dạng 360 độ.

Thiết bị theo dõi sức khỏe

Bên cạnh các thiết bị thực tế ảo, thiết bị theo dõi sức khỏe thông minh cũng ngày càng được sử dụng rộng rãi. Sau bước đi tiên phong của đội tuyển Đức tại World Cup 2014 với việc sử dụng miCoach của Adidas để theo dõi tốc độ, nhịp tim, khoảng cách chạy của các cầu thủ trong các bài tập, giờ đây, nhiều đội tuyển cũng đã để mắt đến dòng thiết bị này nhằm nâng cao chất lượng tập luyện cho các cầu thủ của họ. Vì thế, các chuyên gia dự đoán thiết bị theo dõi sức khỏe sẽ được sử dụng rộng rãi hơn tại Euro 2016.

Những tiện ích dành cho cổ động viên

Công nghệ không chỉ được sử dụng cho các công tác huấn luận, tổ chức, điều hành giải đấu mà còn đáp ứng nhu cầu đa dạng của người hâm mộ trong mùa Euro này.

Cụ thể: Đến với Euro 2016, fan hâm mộ có thể đặt trước thức ăn và nước uống với các ứng dụng trên smartphone. Nhiều loại đồng hồ đeo tay có thể giúp các cổ động viên thuận tiện hơn trong thanh toán, ngay cả khi không gặp nhân viên bán hàng. Loại đồng hồ này có khả năng kết nối với tài khoản ngân hàng của chủ nhân, trích xuất một số tiền nhất định rồi tự động thực hiện giao dịch mua bán.

Bên cạnh đó, bộ lịch thi đấu thông minh dành cho máy tính (cả Windows và Mac) giúp người hâm mộ không bỏ lỡ những trận đấu hấp dẫn, nhanh chóng cập nhật kết quả, xếp hạng, các đội lọt vòng đấu loại trực tiếp… tự động mà không phải tính toán bằng tay. Nếu người hâm mộ muốn có bộ công cụ giúp theo dõi trực tiếp lịch thi đấu tại Euro 2016 trên smartphone có thể lựa chọn ứng dụng VTVgo để có thể nắm bắt lịch thi đấu của giải đấu mọi lúc, mọi nơi.

Dù không thể phủ nhận những tiện ích cũng như vai trò của công nghệ trong việc góp phần mang lại thành công cho nhiều giải đấu thể thao danh tiếng, nhưng liệu công nghệ có giúp các cuộc chơi trở nên hấp dẫn và công bằng hơn hay không vẫn là đề tài gây nhiều tranh cãi. Đơn cử: Hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc sử dụng công nghệ Goal-line. Bỏ qua yếu tố kinh phí vì quá tốn kém, sự can thiệp của công nghệ thông qua các máy móc được cho là sẽ làm mất đi yếu tố con người, cho dù các nhà tổ chức luôn khẳng định chỉ ứng dụng công nghệ này với mục tiêu hỗ trợ trọng tài đưa ra quyết định trong các tình huống nhạy cảm. Trong khi đó, việc phải dừng trận đấu để xem lại các cảnh quay chậm có thể khiến trận đấu không liền mạch. Thêm nữa, việc không còn những tranh cãi về những tình huống, sai lầm cũng có thể làm mất đi phần nào tính hấp dẫn vốn có của môn thể thao vua

Xem thêm:

Quang Huy

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/cong-nghe-doi-song-nghe-nhin/euro-2016-kho-thanh-cong-khi-thieu-vang-cong-nghe