EURO 2016: Vì sao quá ít? Vì sao quá muộn?

Không cần soi kỹ số liệu thống kê để thấy: Euro 2016 đang có tỷ lệ ghi bàn quá thấp, trong khi số bàn thắng muộn lại quá cao. Cả hai thông số vừa nêu đều đang ở mức kỷ lục, không chỉ là trong lịch sử Euro mà cả trong lịch sử các giải đấu lớn nói chung. Vì sao?

Vì cả lý thuyết lẫn thực tế

Bàn thắng sẽ làm thay đổi thế trận, đấy là vấn đề lý thuyết. Đội thủng lưới trước, bất kể vì lý do gì, sẽ không thể chủ trương chơi an toàn nữa. Họ phải cố gắng tấn công nhiều hơn để san bằng cách biệt, và trận đấu coi như "mở ra". Tấn công nhiều hơn, cố tạo cơ hội ghi bàn nhiều hơn, thì điều tất yếu là chính mình cũng hở lưng nhiều hơn và có nguy cơ thủng lưới cao hơn.

Vậy nên, bàn mở tỷ số diễn ra càng sớm thì khả năng cao là trận đấu sẽ "cởi mở" hơn, có nhiều bàn thắng hơn. Ngược lại, bàn mở tỷ số diễn ra càng muộn thì cục diện "căng như dây đàn" càng được duy trì lâu, sự thận trọng càng phổ biến và số bàn thắng nói chung càng thấp. Đấy chính là tình trạng đang diễn ra tại Euro này. Chưa bao giờ số bàn thắng trong hiệp 1 ở các giải đấu lớn thấp như Euro 2016. Hệ quả tất yếu: tỷ lệ ghi bàn của Euro 2016 đang thấp đến mức không ngờ.

Xin nhắc lại: đấy là lý thuyết. Trên thực tế, đây là lần đầu tiên VCK Euro được mở rộng đến 24 đội. Đương nhiên sự chênh lệch trình độ giữa các đội phải cao hơn trước. Xin đừng nhìn vào các tỷ số thấp và vội kết luận rằng không có sự chênh lệch đáng kể, đại khái như Đức phải đợi đến phút bù giờ để thắng Ukraine 2-0; Bắc Ireland chỉ thua Ba Lan 0-1; hoặc Albania chỉ thua Thụy Sĩ 0-1...

Ít bàn thắng và bàn thắng muộn có sự đóng góp của tuyển Đức

Tuyệt đại đa số các bàn thắng muộn đều thuộc về đội đã ghi bàn trước, hoặc đội được đánh gia cao hơn (nếu lúc ấy chưa có bàn thắng). Đấy chính là khác biệt về đẳng cấp (bàn thắng đến từ lối chơi), về kinh nghiệm (đội bị dẫn điểm tràn lên tấn công, lập tức dính đòn lần nữa), hoặc về thực lực (cầu thủ dự bị không thua gì cầu thủ đá chính, lại có thể lực tốt do mới vào sân). Cào bằng trình độ Euro thế nào được!

Một mặt, Euro lấy kết quả đối đầu trực tiếp làm chỉ số phụ hàng đầu, trái ngược với World Cup vốn luôn xem trọng hiệu số bàn thắng bại. Vậy nên, vấn đề ở Euro là thắng hay thua, chứ không phải thắng bao nhiều bàn mới đủ ganh đua! Mặt khác, vì Euro này có đến 16/24 đội được đi tiếp nên các đội tạm gọi là "chiếu dưới" phải chắt chiu từng điểm một, và phải sống chết cố thủ. Một trận hòa tại Euro này có giá trị đáng kể hơn một trận hòa ở World Cup hoặc các kỳ Euro khác. Trước đây, cứ phải hướng đến chiến thắng - dù đấy là chuyện khó - thì mới lọt vào nửa trên của bảng xếp hạng và đi tiếp. Đấy là khác biệt quan trọng.

Nói thẳng ra thì tâm lý "sợ thua" ở vòng bảng Euro 2016 là có thật. Tâm lý này vừa khác với những giải đấu trước đây (chỉ chọn 2/4 đội mỗi bảng đi tiếp), vừa khác với giai đoạn hai sắp tới. Đã vào vòng knock-out thì "sợ thua" là điều vô nghĩa, bởi có hòa cũng phải đá tiếp. Chính vì điều này, chúng ta có thể chờ đợi tỷ lệ ghi bàn sẽ tăng lên.

Như thế là kém hấp dẫn?

Bóng đá là môn thể thao của những tranh cãi. Và bóng đá là môn thể thao của rất nhiều quan điểm thưởng thức khác nhau. Không phải ai cũng cho rằng tỷ lệ ghi bàn cao thì bóng đá mới hấp dẫn. Dù sao đi nữa, bàn thắng vẫn là yếu tố đáng bàn nhất trong môn bóng đá. Suy cho cùng, người ta phải thay đổi luật chỉ cốt sao cho bóng đá có nhiều bàn thắng hơn, chứ đâu ai hướng môn bóng đá đến chỗ có ít bàn thắng! Câu hỏi đặt ra: có thể cho rằng Euro 2016 là kém hấp dẫn vì có quá ít bàn thắng, vì các bàn thắng diễn ra quá muộn?

Tùy quan điểm thôi, nhưng có lẽ phải nhắc một điều: Euro khác hẳn Champions League hoặc Premier League, La Liga. Thậm chí, trong những giải đấu dành cho các ĐTQG thì Euro cũng khác hẳn World Cup. Nói tóm lại, trước khi tranh cãi Euro 2016 hấp dẫn hay không, cứ phải nhớ rằng kết luận phải được đặt trên những đặc điểm riêng của đấu trường Euro.

Hỏi có vẻ lạ: thử nhìn vào đội hình chính của 3 ứng cử viên vô địch sáng giá nhất giải (TBN, Pháp, Đức), xem có bao nhiêu cầu thủ đủ sức đá chính trong trong hàng ngũ các đội thường xuyên lọt vào bán kết hoặc chung kết Champions League? Mustafi, Draxler, Hoewedes, Hector (Đức), hay Kante, Evra, Rami (Pháp), hoặc Nolito, Morata (TBN)? Ngay cả Dimitri Payet, đáng gọi là ngôi sao của vòng đấu bảng, e rằng cũng chưa đạt đến đẳng cấp ngôi sao của Champions League!

Liệu Payet đã đạt đến trình độ của một ngôi sao Champions League?

Tốt nhất là hãy thưởng lãm Euro trên tinh thần: đấy là một loại hình bóng đá khác. Các đội đáng xem nhất tại Euro đều không thể nhuần nhuyễn như các CLB mạnh, không xuất sắc, đồng đều về thực lực như các CLB mạnh, mục tiêu thi đấu cũng khác hẳn đấu trường của các CLB mạnh.

Ở Euro, các đội như Iceland hoặc Albania không hề ra sân để thể hiện hình ảnh, vẻ đẹp. Các đội như Pháp hoặc Đức cũng không băn khoăn nếu như đội hình khập khiễng, không đồng đều. Trong mỗi hoàn cảnh, tình huống cụ thể, mỗi đội có một nhiệm vụ cụ thể và họ chỉ phải tập trung toàn lực để giải quyết rốt ráo nhiệm vụ riêng của mình. Trong nhiều trường hợp, chiến thắng trong những tình huống như thế, hoàn cảnh như thế, chẳng liên quan gì đến chuyện ghi bàn nhiều hay ít, chơi thiên về tấn công hay phòng ngự, cách đá có nhuần nhuyễn, đáng xem hay không.

Với các ứng cử viên vô địch, hành trình chinh phục Euro đơn giản là còn ba, hai, hay một rào cản nữa. Đấy là rào cản gì và làm sao để vượt qua rào cản ấy, thế thôi. Cho dù phân tích chiến thuật, vẫn phải lưu ý: chiến thuật của các nhà cầm quân tại Euro không hướng đến giá trị lâu dài, sẽ dùng cho cả mùa bóng. Tùy trường hợp, cuộc chơi sẽ thú vị theo cái cách riêng của nó. Chúng ta không thể quy các loại hình bóng đá khác nhau về một mối và đánh giá sức hấp dẫn của Euro 2016 qua việc có nhiều hay ít bàn thắng.

Chỉ sau 2/3 vòng bảng, Euro 2016 đã có đến 13 bàn diễn ra sau phút 85 - nhiều hơn so với bất cứ kỳ Euro nào trước đây và cao hơn gần 3 lần so với Euro 2012. Nói luôn: đây chắc chắn là kỳ Euro lập kỷ lục mới về số bàn thắng sau phút 85 - kỷ lục sẽ vượt rất xa so với các giải đấu trước.

Có quá nhiều bàn thắng muộn, nhưng lại có quá ít bàn thắng... sớm. Tổng số bàn thắng được ghi trong hiệp 1 của 24 trận đầu tiên chỉ là 14 bàn, chỉ hơn đúng 1 bàn so với số bàn thắng ghi sau phút 85 (cũng ghi nhận ở cột mốc 2/3 vòng bảng)!

Tỷ lệ ghi bàn bình quân của Euro này thấp đến mức kỳ lạ: 1,96 bàn/trận (sau 2/3 vòng bảng). Tỷ lệ này thấp hơn mọi kỳ World Cup và mọi kỳ Euro từ khi có vòng đấu bảng. Cũng ở cột mốc này, Euro 2012 có tỷ lệ bình quân 2,88 bàn/trận.

Hệ quả tất yếu: tỷ lệ bàn thắng muộn (sau phút 85) cao đến không ngờ: 27,7%. Nếu chia trận đấu thành 6 phần 15 phút thì - tính đến 24 trận đầu tiên - số bàn thắng diễn ra trong 15 phút cuối cao gấp 8 lần số bàn thắng trong 15 phút đầu.

Tân Gia
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Nguồn TT&VH: http://euro.thethaovanhoa.vn/euro-2016/euro-2016-vi-sao-qua-it-vi-sao-qua-muon-n20160625093302215.htm