Eurozone đã thoát khỏi suy thoái?

Số liệu công bố mới nhất cho thấy Eurozone đã chính thức thoát khỏi cuộc suy thoái kinh tế kéo dài những năm qua.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Eurozone tăng 0,3% trong quý II vừa qua, khu vực này đã chính thức thoát khỏi cuộc suy thoái kinh tế kéo dài nhất kể từ năm 1999. Số liệu của Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) cho biết hai nền kinh tế lớn nhất Eurozone là Đức và Pháp đều có tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn mong đợi, với mức tăng lần lượt 0,7% và 0,5%. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Olli Rehn cho rằng các số liệu vừa công bố cho thấy nền kinh tế châu Âu đang dần lấy lại được động lực tăng trưởng.

Cụ thể là trường hợp của Đức. Giới phân tích kinh tế cho rằng sự tăng trưởng ấn tượng của Đức chủ yếu nhờ nhu cầu trong nước tăng khi người tiêu dùng mạnh tay chi tiêu và Chính phủ nới lỏng chính sách kinh tế khắc khổ. Mặt khác, lĩnh vực đầu tư được cải thiện đáng kể so với quý trước, xuất khẩu tăng nhanh hơn nhập khẩu, tính thời vụ...cũng là những yếu tố giúp nền kinh tế số 1 châu Âu đạt được mức tăng trưởng ấn tượng. Còn đối với Pháp, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng hai năm qua, nhờ lĩnh vực tiêu dùng trong nước tăng mạnh, trong khi hoạt động đầu tư vào nền kinh tế vẫn yếu. Hoặc Bồ Đào Nha lại đạt tốc độ tăng trưởng mạnh nhất với 1,1%. Đây cũng là một kết quả ấn tượng bởi Bồ Đào Nha là một trong ba nước thành viên Eurozone phải nhờ đến gói cứu trợ hàng tỷ euro từ các chủ nợ quốc tế. Với những con số trên, đây cũng là lần đầu tiên sản lượng công nghiệp ở các nước châu Âu tăng lên sau nhiều tháng sụt giảm và nó càng làm tăng thêm niềm tin về khả năng phục hồi kinh tế của EU sau thời gian bất ổn vừa qua.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng hiện vẫn còn hai trở ngại lớn mà Eurozone cần phải vượt qua. Một là, tốc độ tăng trưởng còn ở mức thấp trong khi các dấu hiệu tăng trưởng vẫn mong manh. Điểm quan trọng là mặc dù đã có những tín hiệu tích cực, nhưng sự chuyển biến này mới chỉ "dựa” vào chính sách bơm tiền cứu trợ của các định chế tài chính lớn. Giới phân tích cho rằng, việc bơm tiền cứu trợ mới chỉ là giải pháp ban đầu, còn về lâu dài, việc chưa có một chính sách nhất quán, phù hợp và giải quyết tận gốc rễ vấn đề sẽ tiếp tục đặt ra những thách thức lớn đối với Eurozone. Hai là, tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn tăng cao. Tuy thất nghiệp giảm so với trước, nhưng giảm chưa mạnh đến mức kéo được tỷ lệ thất nghiệp trong toàn bộ khu vực Eurozone xuống thấp hơn tỷ lệ 12,1% hiện nay. Hy Lạp và Tây Ban Nha là một ví dụ. Tỷ lệ thất nghiệp ở 2 quốc gia này lần lượt là 26,9% và 26,3%. Trong khi đó, chính sách điều hành kinh tế-vượt qua bão khủng hoảng nợ ở nhiều nước thành viên EU - được đánh giá là chưa rõ ràng. Tại Italia, do những tranh cãi chính trị kéo dài, Roma cũng chưa thể điều chỉnh hoàn toàn chính sách kinh tế ở nước mình dẫn đến tình trạng suy thoái kéo dài.

Yếu tố cốt lõi nhất hiện nay chính là việc tìm ra một giải pháp toàn diện tháo gỡ được những khó khăn cốt lõi của Eurozone. Trong đó, làm sao tạo được một cơ chế hoạt động hiệu quả trong hệ thống liên minh ngân hàng của EU. Đây là câu hỏi lớn mà cho đến nay, cho dù đã áp dụng rất nhiều chính sách, cơ chế, mọi việc vẫn cứ "giẫm chân tại chỗ”.

Nhật Quang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=68187&menu=1440&style=1