EVFTA: Nhiều cam kết có lợi cho Việt Nam

(HQ Online)-Hiệp định thương mại tự do Việt Nam –EU (EVFTA) đang mở ra cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia vào thị trường rộng lớn này. Tuy nhiên, có thể tận dụng được lợi thế hay không phụ thuộc rất lớn vào các DN. Đó là nội dung của hội thảo Cơ hội từ EV FTA do EUROCHAM tổ chức tại TP.HCM ngày 1-6.

Thuế NK các mặt hàng dệt may vào EU sẽ được xóa bỏ hoàn toàn trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA được kí kết. Ảnh: Nguyễn Huế

Nhận định về cơ hội từ EVFTA, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, ngay khi hiệp định có hiệu lực trên 80% biểu thuế của EU áp dụng cho hàng hóa NK từ Việt Nam được xóa bỏ và trong vòng 7 năm thì 99% biểu thuế của EU được xóa bỏ cho hàng hóa NK từ Việt Nam. Đây là một tỉ lệ xóa bỏ về thuế rất lớn.

Trong các mặt hàng thì XK của Việt Nam có rất nhiều mặt hàng được hưởng lợi khi XK vào EU như dệt may, giày dép, điện thoại, máy tính, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam trong đó có các sản phẩm thủy sản cũng được xóa bỏ thuế NK. Thị trường châu Âu cũng sẽ dành cho Việt Nam những cam kết rất có lợi đối với các mặt hàng quan trọng như mặt hàng gạo, tôm, đồ gỗ. Với các cam kết này của EU khi hiệp định có hiệu lực thì XK của Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng và tăng trưởng với tốc độ nhanh.

Bên cạnh cơ hội EVFTA cũng có một số rào cản, tuy nhiên các rào sản cản này phần lớn là các tiêu chuẩn kĩ thuật và các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm áp dụng có mục đích để bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sống. Mục tiêu của các biện pháp này là chính đáng nên nếu được áp dụng một cách vừa đủ trên cơ sở không phân biệt đối xử thì không có lí do gì để chúng ra yêu cầu EU bãi bỏ.

Mặc dù vậy, nếu các biện pháp này được áp dụng không có lí do chính đáng và vượt quá mức cần thiết thì trong Hiệp định của cũng cơ chế tham vấn thảo luận để chúng ra đề nghị EU điều chỉnh các biện pháp này cho phù hợp. Đặc biệt trong Hiệp định cũng đã tính đến khả năng trong tương lai hai bên sẽ tiến tới công nhận tiêu chuẩn của nhau. Nếu DN đáp ứng được tiêu chuẩn của Việt Nam thì cũng sẽ mặc nhiên đáp ứng được các tiêu chuẩn để NK vào EU.

So với Hiệp định TPP, ông Trần Quốc Khánh cho rằng, EU đã dành cho Việt Nam các cam kết rất hấp dẫn. Điển hình như EU sẵn sàng xóa bỏ hoàn toàn thuế NK đối với hàng dệt may trong vòng 7 năm và không đòi hỏi quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi mà chỉ yêu cầu quy tắc xuất xứ từ vải trở đi. Đối với giày dép cũng sẽ được xóa bỏ thuế hoàn toàn trong vòng 7 năm. Đặc biệt EU dành cho Việt Nam cơ hội tiếp cận thị trường rất tốt đối với các sản phẩm nông nghiệp ví dụ như mặt hàng cá được xóa bỏ thuế trong vòng 3 năm hay sản phẩm đường là một trong những mặt hàng nhạy cảm nhưng EU cũng dành cho Việt Nam một lượng hạn ngạch lên tới 10.000 tấn đường mỗi năm.

Theo ông Mauro Petriccione, Trưởng đoàn đàm phán EU, EVFTA sẽ mang đến cho các DN Việt Nam cơ hội tiếp cận dây chuyền cung ứng vì EU đang muốn xây dựng quan hệ thương mại về cung ứng với một số quốc gia khác ngoài liên minh để tăng sức cạnh tranh và đang cần có sự tham gia của các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, yêu cầu về chất lượng đối với hợp phần của các chuỗi cung ứng là rất cao nên nếu các DN có thể đáp ứng được yêu cầu về chất lượng thì mới có thể tham gia được. Nếu Việt Nam ngày càng cải thiện được năng lực sản xuất đối với các ngành truyền thống như may mặc, da giày điện tử thì sẽ có rất nhiều cơ hội hợp tác.

Liên quan đến chuỗi cung ứng, đại diện tiểu ban dược phẩm của EUROCHAM cho rằng, các DN phải đánh giá được tác động của FTA trên dây chuyền cung ứng để có kế hoạch sản xuất phù hợp, đồng thời nghiên cứu về xuất xứ sản phẩm để tận dụng được các lợi thế từ FTA.

Theo ông Trần Quốc Khánh, nhà nước sẽ tạo ra môi trường thuận lợi để DN nắm bắt được lợi ích nhưng có nắm được hay không còn do DN, vì vậy các DN phải chủ động hơn nữa trong việc tiếp cận thị trường, tiếp cận khách hàng để có thể tận dụng tối đa lợi thế từ EVFTA.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/evfta-nhieu-cam-ket-co-loi-cho-viet-nam.aspx