EVN: “67.000 người đi thu tiền điện là chưa chính xác”

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản đính chính lại số liệu được lãnh đạo tập đoàn này nêu tại cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ với Bộ Công Thương ngày 2.10.

Theo đó, EVN cho biết, hiện tập đoàn có 5 TCty Điện lực gồm: TCty Điện lực Miền Bắc, TCty Điện lực Hà Nội, TCty Điện lực Miền Trung, TCty Điện lực Miền Nam và TCty Điện lực TPHCM. Tổng số cán bộ công nhân viên của 5 TCty nói trên là 67.000 người, làm việc trong tất cả các khâu có liên quan đến kinh doanh, phân phối điện năng.

Số lượng nhân sự nói trên đang hàng ngày, hàng giờ duy trì, đảm bảo công tác cung cấp điện, đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp, quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp phân phối, xử lý sự cố… để điện đến với tất cả khách hàng trên mọi miền đất nước: từ biên giới, hải đảo, vùng núi, vùng sâu đến đồng bằng... Công tác thu tiền điện chỉ là một phần nhỏ trong các công việc của 67.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân viên tại các TCty Điện lực. Vì vậy, thông tin cho rằng có đến 67.000 người đi thu tiền điện là chưa chính xác.

Trước đó, tại cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ, Tổng giám đốc EVN - ông Phạm Lê Thanh thừa nhận: Năng suất lao động của ngành điện đang quá thấp, có nguyên nhân là do phụ thuộc vào trang thiết bị. Trong khi các nước đã chuyển sang sử dụng côngtơ điện tử đo đếm điện năng tiêu thụ từ xa, truyền dữ liệu về trung tâm điều hành và in ra hóa đơn.

Khâu thanh toán cũng thực hiện bằng nhiều hình thức như chuyển khoản ngân hàng, thu qua thẻ tín dụng… thì ngành điện hiện vẫn có tới 67.000 biên chế chỉ làm mỗi việc ghi chỉ số côngtơ và thu tiền điện tại nhà khách hàng. Điều này có nguyên nhân từ việc khách hàng e ngại sử dụng côngtơ điện tử vì lo ngại độ chính xác trong đo đếm điện năng. “Từ thực tế này, khiến năng suất của ngành điện giảm đáng kể so với các nước.

So sánh năng suất lao động trong ngành điện Việt Nam hiện chỉ bằng 40% Thái Lan, bằng 60% Malaysia, 10% Singapore. Dự kiến, phấn đấu đến năm 2020, năng suất lao động của VN mới bằng mức của Malaysia hiện nay" - lãnh đạo EVN cho biết.

Thực tế trên cũng đang là thách thức chung của Việt Nam trong bối cảnh nhân công lao động không còn là lợi thế để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cũng như tạo ra lợi thế cạnh tranh, mà ngành điện là một ví dụ điển hình.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-doanh/evn-67000-nguoi-di-thu-tien-dien-la-chua-chinh-xac-253572.bld