EVN là quán quân nợ: Hắng giọng để...tăng giá điện?

Vấn đề không còn đơn giản chỉ là vay nợ mà nó còn liên quan tới xếp hạng uy tín quốc gia...

Nghe Tổ công tác của Chính phủ công bố số nợ của EVN hiện là 9,7 tỉ USD, chiếm 37% tổng nợ vay được Chính phủ bảo lãnh, GS Phạm Phố không khỏi ngạc nhiên, lo ngại.

Tăng giá điện vì nợ nhiều?

Một mặt vị GS đề cập tới tính minh bạch trong số nợ của EVN, mặt khác ông lo ngại Chính phủ sẽ phải rút tiền từ ngân khố để trả nợ thay cho EVN.

"Vừa qua, Chính phủ đã thống nhất không tính nợ DNNN vào nợ của Chính phủ, điều này là vô lý.

EVN là một DNNN và được Chính phủ đứng ra bảo lãnh đi vay nợ. Như vậy, vấn đề không còn đơn giản chỉ là tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, hay không trả thì không vay nữa mà nó còn liên quan tới uy tín, mức độ tín nhiệm của chính quốc gia đứng ra bảo lãnh với các nước cho vay.

Nguyên tắc có vay, có trả là đương nhiên, không thể chây ì được. Có thể có nhiều cách thức xử lý như, Chính phủ đứng ra tạm ứng cho EVN vay để trả nợ, sau đó sẽ đòi dần. Nhưng với cách nào, người đứng ra bảo lãnh cũng phải chịu trách nhiệm trả cho chủ nợ đúng hạn khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, mất khả năng chi trả. Việc này là tất yếu, không thể làm khác", vị GS khẳng định.

Trở lại vị trí quán quân vay nợ của EVN, GS Phạm Phố nói ngay, 9,7 tỉ USD là con số rất lớn, với vị thế của một doanh nghiệp bình thường rất khó có cách nào vay nổi.

Vị chuyên gia khuyến cáo, hiện đang có hiện tượng "mượn" sự bảo lãnh của Chính phủ để vay vốn nước ngoài với lãi suất thấp rồi cho vay lại với lãi suất cao hơn để hưởng chênh lệch.

"Từ hàng loạt những dự án nghìn tỉ đắp chiếu bị điểm mặt, cho thấy có hiện tượng DNNN với ngân hàng vẽ lên những "siêu dự án" để nhờ Chính phủ bảo lãnh cho vay vốn. Đáng nói, vốn vay chỉ được đầu tư một phần cho dự án, phần khác lại được cho vay lại để kiếm lợi.

Vì vậy, khi xảy ra sự cố, dự án không chạy, vốn vay bị mất, DNNN lại viện lý do, xin được cứu", vị GS lý giải.

Từ hiện tượng trên, GS Phạm Phố cho rằng các cơ quan quản lý cần hết sức thận trọng để tránh rơi vào bẫy của doanh nghiệp.

Người dân có phải gánh nợ thay?

Về giải thích của EVN cho rằng, số nợ trên là do chi phí tài chính cao đột biến. Đặc biệt, trong năm 2017, EVN cho biết tổng chi phí sản xuất kinh doanh tăng thêm do biến động các yếu tố đầu vào (giá than, khí, dầu…) là hơn 7.200 tỷ đồng.

GS Phạm Phố đưa ra lời cảnh báo cho thấy có dấu hiệu sự "bắt tay" giữa các ông lớn trong ngành năng lượng.

Ông phân tích, giá điện chịu tác động bởi ba yếu tố chính là cơ cấu nguồn điện, giá nhiên liệu đầu vào và tỷ giá. Trong 3 yếu tố này, chỉ có tỷ giá nằm ngoài tầm với của ba tập đoàn nói trên.

Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác chiến lược đã ký, nếu EVN muốn tăng giá bán lẻ điện, chỉ cần "nháy mắt" với hai Tập đoàn còn lại, để PVN tăng giá khí, Vinacomin tăng giá than, như vậy là 2 trong 3 yếu tố chính cấu thành giá điện (cơ cấu nguồn điện và giá nhiên liệu đầu vào) đều đã tăng.

"Cùng với việc EVN vẫn chưa thể trình kịch bản giá điện 2017 vì lý do chưa đủ số liệu đầu vào, cộng thêm những lý giải về chi phí bị đội lên, nợ tăng cao... hoàn toàn có thể xem đây là động thái nhằm thăm dò thái độ của dư luận trước khi tăng giá điện".

"Tuy nhiên, tôi tin, các cơ quan quản lý sẽ xem xét và có đánh giá khách quan. Vì hiện giá dầu mỏ, giá gas, giá khí trên thế giới đang xuống thấp, EVN nói thua lỗ vì giá nguyên liệu tăng là vô lý, không chấp nhận được", GS Phạm Phố chỉ rõ.

Kể cả với giải thích của đại diện Bộ Công thương cho rằng, giá điện của ta hiện nay khoảng 7,38 cent/kWh, thấp hơn khu vực và các nước G7. Vị chuyên gia cho rằng so sánh như vậy là khập khiễng, không phù hợp.

"Có thể giá điện Việt Nam đang thấp hơn nếu so sánh giá với các nước khác trên thế giới. Nhưng nếu so sánh với thu nhập hàng tháng của người dân sẽ là khập khiễng".

Vị GS cho biết, khó có thể đưa ra mức so sánh cao - thấp nếu EVN không công khai chi phí đầu vào, giá thành sản xuất. Trong khi doanh nghiệp này đang có quá nhiều những vấn đề từ quản trị doanh nghiệp, quản lý chi phí, hoạt động đầu tư… thì dư luận lo ngại một kịch bản "mua con tàu chỉ đáng giá có mấy triệu USD nhưng đã khai khống lên tới 83 triệu USD" cũng có thể xảy ra.

Kịch bản tăng giá điện 2017 của EVN: Bổn cũ soạn lại

Vị GS cho biết, ông bất ngờ vì thấy dường như EVN đang bỏ qua hàng loạt các dự án Thủy điện đầu tư nhưng bị đội vốn, chậm tiến độ. Cụ thể là các dự án nằm trong Quy hoạch điện VI (trong đó rất nhiều dự án do các nhà thầu Trung Quốc đảm nhận) như: Hải Phòng 1, 2; Cẩm Phả 1, 2; Quảng Ninh 1, 2; Mạo Khê; Vĩnh Tân 2; Duyên Hải 1… đang bị chậm tiến độ, đội vốn. Cá biệt dự án thủy điện sông Bung 2 (DA TĐ SB 2) ngoài việc bị chậm gần 1 năm thì còn bị điều chỉnh đội vốn tăng gần 40%.

"Tôi cũng không hiểu vì sao những dự án trên chưa được nhắc tới như một trong các nguyên nhân khiến EVN phải gánh nợ cao? Đầu tư không đúng, thua lỗ, đội vốn sẽ phải xem xét trách nhiệm thế nào hay lại được tính vào giá thành bán lẻ để bắt người tiêu dùng phải chịu như họ từng bắt người dân phải gánh chi phí xây biệt thự, làm sân golf...?", vị chuyên gia đặt câu hỏi.

Vì vậy, GS Phạm Phố đề nghị cơ quan có trách nhiệm phải làm rõ để tránh tình trạng quản lý yếu kém, đầu tư thua lỗ lại bắt dân chịu thay.

Hoài An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/evn-la-quan-quan-no-hang-giong-detang-gia-dien-3337973/