EVN sẽ giảm thiểu thiệt hại do thiên tai xuống mức thấp nhất

Năm 2016, 10 cơn bão và nhiều áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến nước ta; cùng với các dạng thiên tai khác như băng tuyết, lốc xoáy..., gây tổng thiệt hại 380 tỷ đồng cho ngành điện.

Rút kinh nghiệm các năm trước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và các địa phương triển khai nhiều phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) hiệu quả.

Đề cao tính chủ động, phối hợp

Năm 2016, thiên tai gây thiệt hại khoảng 380 tỷ đồng cho ngành điện. Điển hình, đợt mưa tuyết cuối tháng 1/2016 ảnh hưởng đến lưới điện các tỉnh phía Bắc, gây thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng. Cơn bão lớn nhất năm 2016 - bão số 1 đổ bộ vào các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ chiều tối 27/7/2016 gây mất điện diện rộng, thiệt hại khoảng 348 tỷ đồng.

Để giảm thiểu thiệt hại do thiên hai, sự chủ động trong công tác PCTT&TKCN luôn được EVN phát huy. Điển hình, cơn bão số 1 năm 2016 gây thiệt hại nặng nề cho lưới điện của Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình. Nhờ chuẩn bị tốt nên chỉ trong thời gian ngắn, các công ty điện lực đã khôi phục lưới điện, cấp điện kịp thời cho các trạm bơm chống úng, góp phần giảm thiểu thiệt hại hoa màu cho người dân.

Để công tác PCTT&TKCN năm 2017 đạt hiệu quả tối đa, nhiều đơn vị thuộc EVN đã chủ động tổ chức diễn tập. Với phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy, lực lượng, phương tiện và vật tư, hậu cần), nhiều buổi diễn tập đã được tổ chức thành công, sát thực tế; các thao tác được thực hiện nhanh, chuẩn xác, đúng quy trình.

Lực lượng cứu hộ diễn tập cứu người dân và tài sản trôi trên sông. Ảnh: evn.com.vn.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Nhà máy Thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) cho biết, những năm trước, công tác diễn tập PCTT được nhà máy tiến hành độc tập. Tuy nhiên, năm nay nhà máy đã chủ động phối hợp với địa phương để nâng cao hiệu quả.

“Sự phối hợp giữa nhà máy và chính quyền địa phương rất quan trọng. Bởi khi điều tiết lũ, chính quyền là cầu nối đưa thông tin sớm nhất tới người dân. Diễn tập không chỉ để các đơn vị thực hiện tốt hơn các phương án ứng khó khi có thiên tai, mà còn góp phần nâng cao nhận thức, chủ động ứng phó với mưa lũ của người dân”, ông Hùng cho biết.

Khẩn trương nhưng không quên chất lượng

Đầu tháng 8, các tỉnh miền núi và trung du Bắc bộ tiếp tục có mưa lớn trên diện rộng; một số địa phương đã xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề. Cụ thể ngày 3/8, mưa to cục bộ kéo dài đã kéo theo hiện tượng lũ quét tại huyện Mường La (Sơn La) và Mù Cang Chải (Yên Bái). Hệ thống lưới điện cũng bị hư hỏng, tổng thiệt hại hơn 20,2 tỷ đồng.

Mưa lũ làm gãy, đổ nhiều cột điện hạ thế tại huyện Mường La. Ảnh: evn.com.vn.

Ngay khi nhận được tin báo, Công ty Điện lực Sơn La đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với Điện lực Mường La thống kê thiệt hại, lập phương án sớm cấp điện trở lại cho khách hàng. Sau 4 ngày khắc phục sự cố, đơn vị này đã cấp điện trở lại cho hơn 6.300 trên tổng số 7.700 khách hàng.

Ngoài ra, Công ty Thủy điện Sơn La đã phối hợp với Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 Sơn La thi công 3 ca liên tục suốt 2 ngày, nhằm lắp đặt 2 dầm cầu Nậm Păm (nối trung tâm huyện Mường La với xã Nặm Păm), tạo điều kiện phục vụ cứu hộ các xã thuộc huyện Mường La bị cô lập do lũ.

Các kỹ sư, công nhân của Công ty Thủy điện Sơn La khắc phục sự cố cầu Nậm Păm. Ảnh: evn.com.vn.

Mới đây, EVN đã ủng hộ 1 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do mưa lũ, sạt lở tại Sơn La và Yên Bái. Số tiền này được trích từ Quỹ tương trợ xã hội do cán bộ, công nhân viên trong toàn tập đoàn đóng góp. Trong thời gian tới, mưa lũ còn diễn biến phức tạp, EVN chủ trương nhanh chóng khắc phục hậu quả, chủ động ứng phó mưa lũ, giúp người dân sớm ổn định đời sống.

Giang Minh Nguyệt

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/evn-se-giam-thieu-thiet-hai-do-thien-tai-xuong-muc-thap-nhat-post771296.html