F-35 lách qua khe cửa hẹp trước khi ông Trump nhậm chức

Theo Defense News ngày 31/12, nhà sản xuất Lockheed Martin đã lách qua khe cửa hẹp khi tuyên bố tiếp tục mở rộng dây chuyền sản xuất tiêm kích F-35.

Ngay trong đầu năm mới (ngày 2/1/2017), sẽ có thêm khoảng 2.600 kỹ sư và công nhân thực hiện chương trình làm việc 9/80 (làm việc 9 ngày với 80 giờ công cho mỗi 2 tuần) trong dây chuyền lắp ráp máy bay F-35.

Theo kế hoạch, cơ sở của Lockheed Martin tại Fort Worth, nơi chuyên lắp ráp máy bay F-35, sẽ duy trì ở mức 11.000 tới 14.000 làm việc theo ca. Trong đó, trực tiếp tham gia dây chuyền lắp ráp chiến đấu cơ F-35 là trên 8.000 nhân công.

Nhà sản xuất tính toán với tiến độ sản xuất hiện tại, mỗi năm hãng này có thể cho xuất xưởng 50 máy bay F-35 mới và tới năm 2019 sẽ tăng lên 160 máy bay/năm. Giá thành gốc của mỗi máy bay F-35 xuất xưởng rơi vào mức 85 triệu USD/chiếc.

Bên trong nhà máy sản xuất F-35.

Theo nhận định của Defense News, động thái trên của Lockheed Martin là để đáp ứng các đơn hàng chuyển giao máy bay F-35 không chỉ cho Quân đội Mỹ, mà còn nhiều quốc gia đặt hàng khác.

Ngoài ra, việc Lockheed Martin bất ngờ tuyên bố mở rộng dây chuyền sản xuất F-35 cho thấy, nhà sản xuất đã lách qua khe cửa hẹp trước nguy cơ khai tử chương trình F-35 và cho thấy Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump cũng đã ép giá thành công ngay khi ông này chưa nhậm chức.

Cuối tháng 12/2016, Reuters dẫn nguồn tin từ hãng Lockheed Martin cho biết, Giám đốc điều hành, bà Marillyn Hewson đã có cam kết cá nhân với ông Donald Trump về việc hạ giá máy bay chiến đấu F-35 sau khi ông này gây áp lực với hãng này về chi phí để mua chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35.

Trước đó hôm 22/12, vị tổng thống cá tính này tiếp tục lên tiếng chỉ trích chương trình máy bay F-35 là quá đắt đỏ và tuyên bố sẽ hoạch thay thế bằng một loại chiến đấu cơ khác có giá cả phải chăng hơn.

Viết trên trang Twitter, ông Trump khẳng định, 400 tỷ USD ngân sách bỏ ra cho Lockheed Martin để phát triển loại máy bay như F-35 là không thể chấp nhận được.

Ngoài ra, ông này cho biết đã yêu cầu Boeing ra giá cho loại máy bay thay thế, cụ thể là chiếc F/A-18 Super Hornet. Được biết, F/A-18 Super Hornet là thế hệ chiến đấu cơ thế hệ 4 được bắt đầu sử dụng bởi Không - Hải quân Mỹ từ những năm 1990.

Lời chỉ trích ông Trump được coi là động thái ép giá của ông Trump không chỉ với chương trình F-35 nhiều tai tiếng. Giữa tháng 12/2016, ông Trump lần đầu tấn công vào chương trình chiến đấu cơ F-35 của Mỹ cũng trên Twitter khi nói rằng: "Chương trình F-35 và chi phí của nó vượt ngoài tầm kiểm soát. Hàng tỷ USD có thể và sẽ được tiết kiệm cho việc mua sắm quân sự sau ngày 20/1".

Bất chấp tuyên bố của ông Donald Trump về F-35, Lầu Năm Góc vẫn đưa ra những tín hiệu lạc quan về việc tiếp tục thực hiện dự án này.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, lý do chương trình F-35 tiêu tốn nhiều tiên là do trong quá trình thử nghiệm đã phát sinh một số lỗi không mong muốn. Tuy nhiên, khi đi vào trang bị giá thành của F-35 sẽ giảm đi đáng kể trong khi lỗi kỹ thuật sẽ biến mất.

Dù quyết định cuối cùng của Donald Trump về chương trình F-35 vẫn phải chờ đến ngày 20/1 (ngày nhậm chức) mới có câu trả lời nhưng theo nhận định của giới chuyên gia, với thông điệp khá rõ ràng của vị tổng thống quyết đoán này, F-35 muốn tồn tại trong quân đội Mỹ không còn cách nào khác ngoài giảm giá.

Clip pha tiếp dầu cực đỉnh của F-35

Tuấn Hưng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/f-35-lach-qua-khe-cua-hep-truoc-khi-ong-trump-nham-chuc-3326216/