Facebook thách thức website thương mại điện tử

Sau một thời gian chạy thử nghiệm, từ đầu tháng 6-2016, Facebook Việt Nam công bố, tính năng Mua sắm (Shop) miễn phí cho các trang Facebook (Facebook Pages) đã chính thức vận hành tại khu vực Đông Nam Á. Sự nhạy bén của Facebook một mặt cho phép người dùng dễ dàng khám phá và tìm hiểu sản phẩm từ các doanh nghiệp mà họ quan tâm, mặt khác lại thách thức các website thương mại điện tử (TMĐT) ở nước ta.

Một cửa hàng trực tuyến tiện ích và sinh động trên Facebook

Shop - tính năng mua sắm lợi hại

Từ ngày 1-6-2016, Facebook Việt Nam mở các tính năng mới như: Bán hàng (Merchandising) giới thiệu “Sản phẩm đặc trưng”; Mua sắm (Purchase) cùng nút Tin nhắn (Message) đặt bên cạnh sản phẩm cho phép khách hàng liên hệ với người bán để tìm hiểu thêm hay đặt mua; Theo dõi (Subscribe) giúp người dùng có thể đăng ký theo dõi mục mua sắm để nhận những tin cập nhật sản phẩm mới cũng như các thông báo khác từ doanh nghiệp, chủ trang Facebook đó; Quảng cáo (Advertising) cho phép các doanh nghiệp, chủ trang quảng bá sản phẩm của mình.

Sự lợi hại của Shop thể hiện ở chỗ, trước đây, nếu cá nhân hay doanh nghiệp nào muốn quảng cáo, bán sản phẩm của mình trên mạng xã hội thì cần thiết phải đăng hình ảnh kèm thông tin bán hàng lên trang Facebook. Khách hàng sẽ liên hệ theo thông tin hướng dẫn tại đây để được tư vấn, thực hiện mua hàng. Tuy nhiên, tính năng Shop cho phép người dùng, doanh nghiệp tạo nhanh một cửa hàng trực tuyến với hình ảnh, thông tin, giá bán, số lượng, phương thức giao hàng cùng nút liên lạc.

Với sự chuyên nghiệp này, trao đổi giữa người bán và người mua thuận lợi, tiện ích, nhanh gọn và hấp dẫn hơn nhiều. Theo ông Trương Võ Tuấn, CEO sàn thương mại điện tử Muabannhanh.com, tính năng mới của Facebook giúp người bán dễ dàng quản lý sản phẩm và chăm sóc khách hàng. Ngoài gửi E-mail, gọi điện thoại, nhắn tin, người mua còn có thể chat với người bán qua tài khoản Facebook của mình.

Các trang TMĐT không phải xây dựng ứng dụng chat riêng mà có thể tận dụng tính năng này của Facebook để kết nối với khách hàng. Đây thực sự là ứng dụng hữu ích với những doanh nghiệp, cửa hàng nhỏ lẻ để kinh doanh tại Fanpage, vừa hạn chế lệ thuộc vào một website khác, vừa giảm chi phí và thời gian điều hành.

Người phụ trách bán hàng online của một doanh nghiệp điện máy cho biết, Facebook thêm tính năng Shop cho thấy sự nhanh nhạy của họ. “Chiến lược mua bán trực tuyến của các trang web sẽ phải tính đến việc bám chặt vào Facebook. Điều này chắc chắn làm cho các website TMĐT tại Việt Nam đau đầu”, vị đại diện nói.

Website TMĐT “đấu” thế nào với Facebook?

Những năm gần đây, trào lưu lập Fanpage bán hàng trên Facebook phát triển rầm rộ. Bán hàng online qua mạng xã hội này được coi như một nghề hái ra tiền của không ít người chuyên tâm vào công việc kinh doanh hay nghề phụ nhưng đem lại thu nhập chính ổn định cho chị em làm văn phòng. Là nhân viên làm việc tại cơ quan Nhà nước, được bạn bè giới thiệu, chị Quỳnh Mai (Hà Nội) bắt đầu kinh doanh hàng nhập khẩu phục vụ bà bầu và trẻ em qua Facebook gần 2 năm nay.

“Mỗi tháng, doanh thu bán hàng qua mạng xã hội này được khoảng 80 triệu đồng, lợi nhuận 10%, tương đương 8 triệu đồng. Trong khi đó, lương từ cơ quan của tôi chưa đến 4 triệu đồng”, chị Quỳnh Mai cho biết. Bên cạnh việc không phải khai báo, đăng ký hay bị kiểm duyệt về thông tin bán hàng đăng tải trên Facebook như qua các website TMĐT, việc bán hàng qua kênh này còn lợi thế ở chỗ người bán và người mua đa số đã quen biết nhau nên giảm được hoài nghi, lo lắng thường thấy khi mua hàng trực tuyến.

Chị Quỳnh Mai cho biết thêm: “Trước đây tôi phải đăng thông tin, hình ảnh sản phẩm trên trang Facebook của mình. Như vậy vừa tốn thời gian, người xem lại phải di chuyển chuột, kéo xuống từng sản phẩm, cảm giác tìm kiếm thông tin sản phẩm không đơn giản và lẻ tẻ. Với tính năng Shop mà tôi đã tìm hiểu thì sản phẩm được trưng bày như một cửa hàng, sẽ dễ hơn cho cả người mua và người bán, trong khi những ưu điểm bán hàng qua Facebook như trên vẫn giữ được”.

Cùng quan điểm này, chị Nguyễn Minh Thương, kinh doanh thực phẩm đặc sản vùng miền trên Facebook cho biết: “Các website TMĐT khác thường có quá nhiều mặt hàng, nhãn hàng và sản phẩm, mức giá, khiến người mua nhiều khi khó đánh giá được chất lượng. Chúng tôi bán hàng qua Facebook chủ yếu là khách quen, là bạn bè, hoặc được dẫn mối nhờ bạn bè nên thuận tiện hơn nhiều. Facebook càng thêm nhiều tiện ích thì việc kinh doanh của chúng tôi càng thuận lợi”.

Thực tế cho thấy, trong các hình thức của TMĐT thì mua sắm qua website bán hàng vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của hình thức mua sắm này đã chậm lại so với trước đây.

Thống kê mới nhất của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương cho thấy, năm 2015, tỷ lệ người mua sắm qua website bán hàng hóa/dịch vụ là 76%, tăng 5% so với năm 2014; mua sắm qua website khuyến mãi giảm từ 35% năm 2014 xuống còn 28% năm 2015.

Trong khi đó, mua sắm qua các diễn đàn hoặc mạng xã hội tăng mạnh, từ 53% năm 2014 lên 68% năm 2015. Khảo sát này cho thấy mạng xã hội đang góp phần đáng kể trong thúc đẩy TMĐT tại Việt Nam. Năm 2015, 28% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có tiến hành quảng cáo hoặc bán hàng qua mạng xã hội, tăng 4% so với năm trước.

Dự báo, năm 2016, tỷ lệ này tăng lên khoảng 34%. Đáng chú ý, mạng xã hội cũng được sử dụng làm công cụ quảng cáo cho các website TMĐT và được đánh giá là có hiệu quả.

Một nghiên cứu khác do Công ty Nghiên cứu thị trường eMarketer thực hiện cuối năm 2015 cũng cho biết, Việt Nam hiện có hơn 32 triệu người thường xuyên sử dụng mạng xã hội. Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen cũng công bố, hơn 30% người tiêu dùng gắn bó mật thiết với mua sắm trực tuyến và triển khai mạng xã hội để quyết định mua sắm. Điều này đồng nghĩa với việc, Facebook thực sự đang trở thành một kênh mua sắm trực tuyến hữu hiệu, một đối thủ đáng gờm của các hình thức TMĐT khác.

Nan giải vấn đề hàng kém chất lượng

Góp phần phát triển TMĐT tại Việt Nam nhưng kinh doanh qua mạng xã hội có phải đóng thuế không? Kiểm soát chất lượng hàng hóa kinh doanh qua kênh này như thế nào vẫn là một vấn đề đáng được quan tâm.

Vì sự bùng nổ của mua sắm qua mạng xã hội, phổ biến nhất là Facebook mà trong báo cáo mới đây của Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã đưa ra nhận định: “Trong khi việc sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng nhái vẫn diễn biến phức tạp thì gần đây buôn bán hàng giả qua Internet cũng vậy. Có thể thấy được điều này trên mạng xã hội như Facebook, thông qua việc lập các Fanpage bán hàng, trang Facebook cá nhân để bán hàng... Qua đây, hàng lậu, hàng giả được tiêu thụ công khai. Các mặt hàng thường được bán công khai trên các trang mạng xã hội này là tân dược, thực phẩm chức năng xách tay có yếu tố nước ngoài nhưng bị làm giả tem, mẫu mã và vỏ bao bì; hàng điện tử, công nghệ”.

Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết sắp tới lực lượng chức năng sẽ tập trung đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại được kinh doanh trên các mạng xã hội, vì việc kinh doanh này ngày càng phức tạp, công khai, gây ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế và người tiêu dùng.

Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, người tiêu dùng thông thái cần tự nâng cao ý thức bảo vệ chính mình, bởi mua hàng giả, hàng lậu sẽ tiền mất, tật mang.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong lĩnh vực này, việc phát hiện, ngăn chặn các gian hàng ảo trong mua sắm trực tuyến nói chung và Facebook nói riêng là việc không dễ dàng, trừ khi một số sản phẩm có quá nhiều phản hồi phàn nàn, khiến người khác nghi ngờ, tẩy chay… Mặc dù vậy, những phản hồi này đôi khi cũng là con dao hai lưỡi, do đối thủ kinh doanh chơi xấu, cạnh tranh không lành mạnh mà có.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/facebook-thach-thuc-website-thuong-mai-dien-tu/684341.antd