Facebook và phép thử mang tên bầu cử Pháp

Facebook Inc. cho biết họ sẽ tăng cường những nỗ lực nhằm ngăn chặn thông tin sai sự thật, bao gồm cả việc gỡ bỏ những tài khoản đăng tải, chia sẻ những thông tin này, và đánh giá các bài viết với nhãn tin tức giả.

Tuy nhiên, điều mà nhiều người đang nhìn thấy là những hình ảnh, tin tức giả đang phát triển nhanh hơn những hành động của Facebook.

Hồi đầu tuần qua, Facebook cho biết họ đã sàng lọc hơn 30,000 tài khoản ở Pháp trước kỳ bầu cử diễn ra để xác nhận xem liệu chúng có phải là tài khoản giả hoặc thường xuyên phát tán tin tức giả trên mạng xã hội với mục đích gây nhiễu loạn cuộc bầu cử hay không.

Các tài khoản bị nghi ngờ sẽ trải qua một cuộc kiểm tra bổ sung, với mục tiêu ngăn chặn những kẻ phát tán tin tức giả, người phát ngôn của công ty này cho hay. Tuy nhiên những tin tức này lại đang dấy lên những câu hỏi liên quan tới hiệu quả của những biện pháp này. Alexios Mantzarlis, giám đốc của hệ thống kiểm chứng thông tin toàn cầu, một đối tác của Poynter Institute nhận định rằng: “Những gì Facebook nói vẫn là quá chung chung. Chúng ta cần một phương pháp hoạt động rõ ràng hơn”.

Trước thềm cuộc bầu cử sơ bộ diễn ra hôm 23/4 tới đây, các tin tức giả bắt đầu có xu hướng gia tăng. Theo như thông tin có được từ văn phòng Tổng thống, 30 tin tức giả về cuộc bầu cử này đã được chia sẻ khoảng 900,000 lần trong vòng 2 tháng qua, so với mức 650,000 lần hồi cuối năm ngoái.

30,000 tài khoản bị kiểm tra lần này chỉ là con số nhỏ trong số 25 triệu tài khoản sử dụng hàng ngày tại Pháp. Công ty này cũng không cung cấp thông tin bao nhiêu tài khoản trong số đó là giả mạo cũng như số lượng các tài khoản bị gỡ bỏ hàng năm. Tuy nhiên, những chuyên gia nhận định rằng chỉ cần một lượng rất nhỏ các tài khoản giả mạo, nếu được tổ chức tốt, cũng có thể phát tán rộng rãi các thông tin sai lệch, tăng cường khả năng chúng được chia sẻ.

Chính sự phát triển của thông tin giả trước thềm cuộc bầu cử Pháp cho thấy các công ty công nghệ lớn như Facebook hay Google, những người đang cố gắng loại bỏ thông tin giả khỏi thế giới mạng đang phải chật vật thế nào, khi quan điểm chính trị và hệ thống chính trị của từng nước là rất khác nhau.

Dọc biên giới nước Đức, nơi dự kiến sẽ tổ chức bầu cử vào tháng 9 tới, chính phủ đã đưa ra một dự thảo mới với mức phạt có thể lên tới 50 triệu Euro đối với các mạng xã hội thất bại trong cuộc chiến với tin tức giả.

Đặc biệt, Facebook rất không muốn đảm nhiệm vai trò “người phán xử”. Công ty này đã chịu nhiều chỉ trích sau khi thông tin giả lan truyền một cách chóng mặt trên mạng xã hội này bên thềm cuộc bầu cử Mỹ vào cuối năm ngoái. Chính Mark Zuckerberg, người sáng lập nên công ty đã chối bỏ trách nhiệm của mình với những vấn đề trên, để rồi sau đó lại nhận thức rằng Facebook cần hành động để ngăn chặn thông tin sai sự thật được lan truyền và phát tán.

Rất nhiều tin tức giả được lan truyền tại Pháp liên quan tới vấn đề chống người nhập cư, ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả cuộc bầu cử vốn được dự đoán là sẽ thay đổi đất nước này cũng như Liên minh châu Âu. Hiện hai ứng viên đang được đánh giá cao nhất là ông Emmanuel Macron, người ủng hộ khối EU và bà Marine Le Pen, người muốn nước Pháp rút khỏi EU và loại bỏ đồng euro.

Một trang mang tên “SOS Anti-White Racism” đã đăng tải một đoạn video một người đàn ông tấn công hai phụ nữ tại một bệnh viện. Lời bình luận bằng tiếng Pháp đi kèm ngầm ám chỉ rằng người đàn ông này là một người nhập cư, nói rằng “chúng ta đã chấp nhận họ, để rồi họ biết ơn thế này đây”. Đoạn video nhận được 15 triệu lượt xem này thực chất diễn ra tại một bệnh viện ở Nga hồi tháng 2 và đã được truyền thông Nga đưa tin. Facebook đã gỡ bỏ trang này cách đây không lâu.

Một bài phân tích của tờ Wall Street Journal về những thông tin được truyền thông Pháp kiểm chứng là tin tức giả cho thấy chỉ trong tháng trước, khoảng 1 tá tin tức này đã được chia sẻ ít nhất 487,000 lần trên mạng xã hội, kèm theo đó nó cũng được dẫn lại bởi những trang có lượng người theo dõi cực lớn, tới 930,000 người.

Một trang mang tên “SOS Anti-White Racism” đã đăng tải một đoạn video một người đàn ông tấn công hai phụ nữ tại một bệnh viện. Lời bình luận bằng tiếng Pháp đi kèm ngầm ám chỉ rằng người đàn ông này là một người nhập cư, nói rằng “chúng ta đã chấp nhận họ, để rồi họ biết ơn thế này đây”. Đoạn video nhận được 15 triệu lượt xem này thực chất diễn ra tại một bệnh viện ở Nga hồi tháng 2 và đã được truyền thông Nga đưa tin. Facebook đã gỡ bỏ trang này cách đây không lâu.

Một bài phân tích của tờ Wall Street Journal về những thông tin được truyền thông Pháp kiểm chứng là tin tức giả cho thấy chỉ trong tháng trước, khoảng 1 tá tin tức này đã được chia sẻ ít nhất 487,000 lần trên mạng xã hội, kèm theo việc nó cũng được dẫn lại bởi những trang có lượng người theo dõi cực lớn, tới 930,000 người.

Hồi tháng 12, Facebook nói rằng họ đã nhận diện được một số trang chuyên chia sẻ thông tin giả mạo, và sẽ ngăn chặn chúng xuất hiện trên News feed của người dùng. Công việc này sử dụng thuật toán mà Facebook đang sử dụng để ngăn chặn các tài khoản giả mạo, những tài khoản thường xuyên chia sẻ một nội dung hoặc những tài khoản bỗng hoạt động một cách năng nổ bất thường. Facebook ước tính chỉ dưới 1% trong tổng số 1.86 tỷ người dùng đều đặn của họ là tài khoản giả mạo.

Facebook cũng cho biết họ sẽ outsource công việc kiểm định nguồn tin cho 5 tổ chức độc lập của Mỹ, tất cả đều liên kết với Poynter, những người có thể đánh dấu cảnh báo sau khi kiểm chứng những thông tin bị người dùng báo cáo.

Tới thời điểm này, Facebook đã hợp tác với 11 tổ chức kiểm chứng thông tin tại Pháp, Đức và Hà Lan để hạn chế tốc độ phát triển của tin tức giả trên mạng xã hội này.

Tại Pháp, chỉ duy nhất thời báo Liberation đã nhận được cấp chứng chỉ đánh dấu những tin tức bị nghi ngờ là sai sự thật từ tổ chức Kiểm chứng thông tin toàn cầu.

Facebook cũng quyết định cho phép những tổ chức khác được phép làm điều đó khi mà thủ tục xin giấy chứng nhận có thể kéo dài hơn dự kiến.

Thế nhưng hiện tin tức giả cũng đã phát triển vượt xa ngưỡng chia sẻ link những bài báo như thời kỳ bầu cử Mỹ. Giờ đây, những tin tức này thường sử dụng định dạng video và ảnh để phát tán. Điều này cho phép chúng lách được thuật toán của Facebook, vốn chưa được cập nhật đề dò xét video. Facebook dự kiến đưa vào hoạt động một phần mềm mới dành riêng cho việc này.

“Hình thức truyền bá thông tin giả hữu hiệu nhất là thông qua dạng hình ảnh. Đó là những thứ sẽ được lan truyền nhanh nhất”, Jenni Sargent, giám đốc của First Draft News, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên kiểm chứng thông tin liên quan tới cuộc bầu cử Pháp cho biết.

Hoàng VIệt (Theo Wall Street Journal)

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/facebook-va-phep-thu-mang-ten-bau-cu-phap/