Falko Goetz với những phát ngôn "gậy ông đập lưng ông"

Có đến 99.9% khả năng Falko Goetz vẫn sẽ tại vị, và vẫn lĩnh đều 25.000 USD/tháng, bất chấp việc ĐT U.23 QG do ông dẫn dắt đã thất bại te tua. Chúng tôi không phân tích chuyên môn của Falko Goetz, mà chỉ xin chắp nối lại những phát ngôn của nhà cầm quân này để cùng bạn đọc suy nghĩ quanh một câu hỏi: Chúng ta liệu có thể kỳ vọng gì vào một HLV như thế?

Phát ngôn thứ nhất: Làm HLV phải biết kiểm soát cảm xúc

Ông Goetz đã nói như thế trong một bài trả lời phỏng vấn khi ĐT U.23 QG đang đá vòng bảng SEA Games. Nhưng ngay ở vòng bảng SEA Games người ta đã sớm nhận ra những gì ông nói đều là… không thật. Bởi nếu là một người biết kiểm soát cảm xúc như mình tuyên bố thì chắc chắn Falko Goetz sẽ không chỉ đạo trận đấu một cách nỏng nảy, bấn loạn tới mức, chính các cầu thủ đã van xin ông không chỉ đạo như vậy nữa.

Nếu biết kiểm soát cảm xúc, chắc chắn ông đã không chắp tay, vái lạy các trợ lý rồi thể hiện hàng loạt những hành động dị kỳ chỉ sau một pha bóng mà cầu thủ chơi không đúng ý ông. Và rõ ràng nhất: nếu biết kiểm soát cảm xúc chắc chắn ông đã không bỏ việc quan sát trận đấu để quay lên khán đài cãi nhau với trợ lý HLV đối phương (trận gặp Myanmar ở vòng đấu bảng) hay liên tục la hét, quát tháo bác sĩ của ĐT khi vị bác sĩ này đang chăm sóc chấn thương của thủ thành Bửu Ngọc (trận gặp Indonesia ở bán kết).

HLV Falko Goetz (giữa) luôn nói theo kiểu "câu trước đá câu sau". Ảnh: An Nhi.

Phát ngôn thứ hai: Tôi không biết - tôi bất ngờ

Trận đấu thứ hai tại VFF Cup 2011 - giải đấu tập huấn cho SEA Games, khi U.23 Việt Nam chơi tưng bừng và hòa trên chân U.23 Uzebekistan, ông Goetz nói rằng ông quá bất ngờ trước phong độ xuất thần của các học trò. Đến trận gặp U.23 Lào tại vòng bảng SEA Games - một trận đấu mà U.23 Việt Nam bị dẫn bàn trước, và chơi tệ hại chưa từng có thì Falko Goetz lại bảo "tôi bất ngờ, thất vọng với những gì các cầu thủ thể hiện".

Đá hay cũng bất ngờ, đá dở cũng bất ngờ - những phát ngôn của Falko Goetz chứng tỏ: Ông dường như không có khả năng kiểm soát đội bóng, không có khả năng tính toán, nhận định về diễn biến phong độ của các cầu thủ. Một HLV ĐTQG mà không có ngay cả cái khả năng tính toán, nhận định hết sức cơ bản như vậy liệu có thể thành công?

Phát ngôn thứ ba: Tôi không cần biết về đối thủ

Trước thềm SEA Games 26, đứng trước câu hỏi: "Có khó khăn gì không khi không có được thông tin nào về các đối thủ?", ông Goetz nói cứng rằng: "Tôi thấy chẳng có khó khăn gì, bởi theo tôi điều quan trọng nhất là U.23 Việt Nam đã tập luyện chu đáo cho SEA Games".

Thế nhưng rất lạ là trở về từ thất bại SEA Games, khi được hỏi "Nguyên nhân thất bại lớn nhất nằm ở đâu?", ông Goetz lại thản nhiên bảo: "Nguyên nhân lớn nhất là tôi đã không biết sức mạnh thật sự về các đối thủ của mình. Ở các giải đấu sau, trước khi vào trận, tôi cần biết rõ đối thủ của mình là ai, thường chơi bóng theo phong cách nào".

Trời đất ơi, "biết mình biết người - trăm trận trăm thắng", đấy là bài học nhãn tiền mà mọi HLV bóng đá trên cõi đời này đều thấm nhuần. Thế mà với Falko Goetz, phải sau một thất bại vùi dập giấc mơ của hàng chục triệu trái tim người hâm mộ, ông mới ngộ ra bài học sơ đẳng ấy sao?

Quá mạo hiểm khi "đánh bạc" với Goetz

PCT VFF Nguyễn Lân Trung (giữa) xuất hiện quá muộn tại SEA Games 26. Ảnh: Q.M..

Chỉ với 3 phát ngôn nói trên có thể thấy rất rõ rằng Falko Goetz thường xuyên làm khác và rất khác so với những điều mình nói, thậm chí ngay trong từng câu nói, nhà cầm quân người Đức cũng thường xuyên nói theo kiểu "câu trước đá câu sau", và ngược lại. Nó cho người ta cái cảm giác: ông không nói theo bất cứ một triết lý, một nguyên tắc rõ ràng nào, mà chỉ nói theo kiểu đối phó với hoàn cảnh, hòng gỡ rối cho bản thân mình.

Quyết định gắn bó với một HLV mà chỉ nhìn qua về phương diện ăn nói đã thấy rất rõ cái hiện tượng "gậy ông đập lưng ông" như thế, rõ ràng BĐVN đang đánh bạc với niềm tin và khát vọng của chính mình.

Còn về việc vì sao người ta lại cố "đánh bạc" tới cùng thì có lẽ phải nhìn vào những điều khoản được "giấu kín như bưng" quanh bản hợp đồng, thậm chí cả những cái phết, phẩy (nếu có) phía sau một hợp đồng tiền tỷ?

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/thethao/2011/11/160632.cand