FDI vào ASEAN sẽ tăng kỷ lục trong những năm tới

Ở tuổi 40, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã trở thành khu vực kinh tế năng động vào bậc nhất châu Á và đang là địa chỉ đầu tư hấp dẫn. Các chuyên gia dự báo, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào đây sẽ tăng mạnh.

small_2623.jpg ASEAN có diện tích hơn 4,5 triệu km2 với khoảng 505 triệu dân, tổng giá trị GDP ước đạt khoảng 731 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất khẩu hằng năm khoảng 339,2 tỷ USD, đang từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh và trở thành khối nam châm hút nguồn vốn đầu tư lớn của thế giới. Triển vọng đạt kỷ lục mới về thu hút đầu tư Nhận định về tình hình thu hút FDI của ASEAN, các chuyên gia cho rằng, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 1997 - 1998, một loạt các thách thức xảy ra cùng với một số khó khăn nội bộ đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại khu vực này. Tuy nhiên, việc đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh trong thời gian gần đây là dấu hiệu tốt cho khu vực ASEAN. FDI tại khu vực này sẽ duy trì đà tăng trưởng, đạt mức kỷ lục mới trong những năm sau. Trong tình hình luồng vốn đầu tư trên thế giới giảm liên tục từ 1.400 tỷ USD (2001) xuống còn 560 tỷ USD (2004), thu hút đầu tư của ASEAN tăng từ 20,56 tỷ USD (2003) lên 25,6 tỷ USD (2004). Những bước hội nhập có kết quả tăng sức hấp dẫn của ASEAN đối với giới đầu tư quốc tế và những năm gần đây, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực này tăng mạnh, năm 2005 đạt 38,1 tỷ USD, năm 2006 ước đạt hơn 45 tỷ USD. Đáng chú ý, giá trị của các luồng FDI đã gần bằng mức đỉnh cao trước khủng hoảng tài chính 1997. Năm 2006, nguồn FDI đổ mạnh vào các nước có giá nhân công thấp. Vì vậy, Hội đồng đầu tư ASEAN lạc quan rằng, FDI vào ASEAN sẽ đạt kỷ lục mới trong những năm tới. Một trong những lý do khiến ASEAN thu hút nhiều FDI, là do khối này giờ đã được coi như một thị trường chung. Theo các nhà phân tích, nguyên nhân của vốn FDI vào ASEAN tăng còn là nhờ tăng trưởng kinh tế của các nước trong khu vực; môi trường đầu tư của các nước này được cải thiện; nhu cầu linh kiện, thiết bị điện tử trên thế giới tăng; việc tư nhân hóa thành công tài sản Nhà nước ở một số nước; giá dầu tăng. Đẩy mạnh hợp tác nội khối Trên đà phát triển mạnh mẽ sau 40 năm, bên cạnh việc mở rộng quan hệ với các bên đối thoại, ASEAN đang đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội khối. Theo đó, tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư và tăng cường sức mạnh kinh tế của khối. Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hồi tháng 5 năm nay đã nhất trí hoàn tất kế hoạch khung hội nhập kinh tế trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), nhằm thực thi hội nhập sớm hơn dự định, từ năm 2020 lên năm 2015. Một trong những hoạt động chính của quá trình hội nhập là điều chỉnh Hiệp định khung về Khu vực đầu tư ASEAN (AIA) nhằm phối hợp hoạt động đầu tư nội khối, nơi toàn bộ các ngành sẽ mở cửa cho đầu tư từ các nước ASEAN vào năm 2010 và cho tất cả các nhà đầu tư vào năm 2020. Bộ trưởng Thương mại Malaysia thúc giục các nước ASEAN phải tích cực hơn trong việc thúc đẩy khối trở thành khu vực đầu tư duy nhất và đẩy nhanh mở cửa đối với các ngành công nghiệp để đuổi kịp Trung Quốc. Ngoài ra, các nước ASEAN cũng cần chú trọng thúc đẩy đầu tư giữa các thành viên trong khối. Các công ty trong ASEAN chính là đòn bẩy cho mỗi quốc gia thành viên dựa vào, tận dụng hiệp định ưu đãi thuế quan trong khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và sử dụng mạng lưới vùng sản xuất. Sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam đang khiến vấn đề thu hút đầu tư trở nên sôi động hơn. ASEAN đang tăng cường các biện pháp xúc tiến đầu tư, trong đó các vấn đề liên quan đến hội nhập 11 lĩnh vực ưu tiên đang được các thành viên ASEAN khẩn trương triển khai. Những tồn tại trong công tác xúc tiến đầu tư, nhất là những khó khăn trong việc thực hiện cơ chế một cửa về đầu tư đối với các lĩnh vực dịch vụ như y tế, đang được khắc phục. Để tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn vào thị trường hơn 500 triệu dân, các nước ASEAN cần tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh so với Trung Quốc, đẩy nhanh đàm phán khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư.

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/quoc-te/29072-fdi-vao-asean-se-tang-ky-luc-trong-nhung-nam-toi