FDIC: Ngành ngân hàng đang hồi phục

Mặc dù nền kinh tế còn yếu và số lượng các ngân hàng gặp khó khăn ngày một tăng cao nhưng báo cáo quý được công bố vào hôm thứ Ba của Cơ quan bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) cho thấy ngành ngân hàng đang bắt đầu phục hồi.

Các quan chức của FDIC cho biết số lượng các “ngân hàng gặp vấn đề” đã lên tới 829 ngân hàng trong quý II vừa qua, tăng thêm 54 ngân hàng, chủ yếu là các ngân hàng nhỏ, và hiện ở mức cao nhất trong hơn 16 năm qua. Các quan chức của FDIC dự đoán rằng số lượng ngân hàng phá sản sẽ tiếp tục tăng nhẹ và đạt đỉnh vào cuối năm nay. Trong năm nay đã có 118 ngân hàng phá sản, trong đó có 45 ngân hàng đóng cửa vào quý II. Tuy nhiên, lợi nhuận của ngành ngân hàng tiếp tục tăng. Trong quý II/2010, lợi nhuận của ngành ngân hàng đạt 21,6 tỷ đô la, một chuyển biến lớn so với mức thua lỗ 4,4 tỷ đô la của năm 2009. Đây là kết quả khả quan nhất của ngành ngân hàng kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát vào quý III/2007. Kết quả kinh doanh khả quan cho thấy các ngân hàng sẽ dự phòng ít hơn cho các khoản thua lỗ trong tương lai và tận dụng mức lãi suất thấp gần 0% để tăng lợi nhuận. Số lượng người đi vay không có khả năng trả nợ cũng ít hơn. Gần như ở mọi hạng mục, các khoản nợ xấu bắt đầu giảm lần đầu tiên trong hơn 4 năm qua, ngoại trừ các khoản cho vay bất động sản thương mại vẫn tiếp tục cho thấy yếu kém. Tuy nhiên, hơn 7.830 ngân hàng vẫn chịu tác động mạnh mẽ của cuộc khủng hoảng Mặc dù các báo cáo khác của chính phủ cho thấy các ngân hàng đang bắt đầu nới lỏng các tiêu chuẩn cho vay nhưng tỷ lệ thất nghiệp cao và lo ngại về nền kinh tế làm giảm nhu cầu về các khoản vay mới. Chủ tịch FDIC Sheila C. Bair cảnh báo rằng sự suy yếu của nền kinh tế có thể sẽ cản trở sự phục hồi của ngành ngân hàng: “Không còn nghi ngờ gì nữa, ngành ngân hàng tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, ngành ngân hàng cũng đang lấy lại sức mạnh. Số liệu về lợi nhuận, các chỉ số về chất lượng tài sản cũng đang đi đúng hướng.” FDIC cho rằng ngành ngân hàng đang hồi phục với tốc độ chậm. Việc nhiều ngân hàng phá sản đã khiến quỹ bảo hiểm tiền gửi của FDIC bị cạn kiệt nghiêm trọng. Tính tới cuối tháng 6, số dư của quỹ bảo hiểm tiền gửi ở mức âm 15,2 tỷ đô la. Các quan chức của FDIC nhận định rằng các vụ phá sản của các ngân hàng đã làm hao hụt khoảng 100 tỷ đô la của quỹ này từ năm 2009 đến 2013. Trong số đó, khoảng 80 tỷ là của năm 2009 hoặc dự kiến năm 2010. Vì thế, FDIC ước tính rằng trong 3 năm tới, mức thua lỗ mà FDIC phải chịu do các ngân hàng phá sản sẽ chỉ tăng thêm 20 tỷ đô la. FDIC hy vọng sẽ thu hồi lại những khoản tiền này thông qua mức phí cao hơn. Bà Bair cho rằng nguồn lực của FDIC còn rất dồi dào: “Như chúng tôi dự đoán, nhu cầu tiền mặt sẽ tăng trong năm nay. Tuy nhiên các nguồn vốn hiện tại của chúng tôi thừa để giải quyết các vụ phá sản của ngân hàng.” Lan Anh New York Times

Nguồn StoxPlus: http://stox.vn/stox/view_news_detail/69068/1/201/fdic-nganh-ngan-hang-dang-hoi-phuc.stox