Festival Huế - Thương hiệu, đẳng cấp, hấp dẫn

Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong việc tổ chức một hình thái lễ hội đương đại mang tầm quốc gia, quốc tế. Trải qua hơn 24 năm tồn tại và phát triển, Festival Huế đã trở thành một sự kiện được chú ý trong hệ thống các Festival trên thế giới.

Các đoàn nghệ thuật quốc tế trình diễn trên đường phố tại Festival Huế 2022. Ảnh: Festival Huế

Không ngừng đổi mới

Năm 2000, lần đầu tiên Festival Huế được tổ chức, trở thành một sự kiện văn hóa điển hình tiêu biểu, thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế, cơ hội để giới thiệu và quảng bá hình ảnh, đất nước, con người và văn hóa Việt Nam một cách sinh động, hấp dẫn nhất. Festival Huế tôn vinh các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống và đương đại của Việt Nam, khẳng định được uy tín và thế mạnh của một trung tâm văn hóa có di sản thế giới độc đáo, gắn với hội nhập và phát triển.

Festival Huế là một đại chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, chuyên nghiệp, hoành tráng. Ngoài những chương trình mang đậm dấu ấn cung đình, văn hóa truyền thống Huế như đêm hoàng cung, dạ tiệc cung đình, lễ ban sóc, lễ tế Giao, lễ hội áo dài... Festival Huế còn có nhiều chương trình nghệ thuật mới mẻ, mang hơi thở thời đại do các đoàn nghệ thuật nổi tiếng đến từ nhiều nước tham gia biểu diễn như: Pháp, Anh, Bỉ, Đan Mạch, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Italia, Lào, Mông Cổ, Mehico, Nga, Thái Lan, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Úc... Từ đó đến nay, Festival Huế không ngừng được đổi mới, mỗi kỳ thu hút hàng nghìn diễn viên cùng hàng chục đoàn nghệ thuật quốc tế tham gia biểu diễn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật ngày càng cao của hàng vạn người dân, du khách, cũng như góp phần tăng cường tinh thần đoàn kết, giao lưu giữa các quốc gia.

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc sở Văn hóa và Thể thao, qua 11 kỳ Festival và sau này, từ năm 2022, Festival được đổi mới theo hình thức lễ hội bốn mùa – mỗi mùa một festival để thu hút du khách đến Huế. Có thể nói, văn hóa luôn là yếu tố quan trọng nhất để khai thác và biểu dương thương hiệu của Huế. Slogan xuyên suốt của Festival Huế là “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”. Đặc biệt đối với Huế thì yếu tố quốc tế luôn đóng vai trò quan trọng, nên Festival Huế chính là dịp quảng diễn về văn hóa, hội tụ tinh hoa về văn hóa, để các giá trị văn hóa đó được phát huy, lan tỏa và thể hiện rõ giá trị của mình. Đó là cách mà Huế vừa quảng bá vừa xây dựng thương hiệu. Thương hiệu Huế Festival đã được định hình. Tên gọi Huế - Thành phố Festival không chỉ còn là tên gọi mà đã là một thương hiệu.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, Trưởng ban Tổ chức Festival Huế 2024 cho rằng, thương hiệu, cũng là đặc trưng riêng của Festival Huế là nơi mà văn hóa, nghệ thuật truyền thống trên khắp thế giới và trong nước cùng hội tụ và giao thoa. Vì vậy, Festival Huế tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, nối kết giữa Huế trong lịch sử và Huế hiện tại để khẳng định một Huế tương lai, tôn vinh quảng bá những nét văn hóa đặc thù của vùng đất, khai thác thế mạnh về danh thắng, kiến trúc, du lịch tâm linh, để Huế thực sự trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Thành phố của lễ hội

Năm 2024, Festival Huế định hướng bốn mùa sẽ tiếp tục khai thác các lễ hội trải dài trong năm, như các hình thái lễ hội dân gian, lễ hội cung đình, tôn giáo, lễ hội truyền thống, đồng thời từng bước xây dựng các chương trình lễ hội mới, phù hợp với xu thế, đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của công chúng, phát triển trở thành sản phẩm du lịch định kỳ, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.

Tuần lễ trọng điểm Festival Huế 2024, diễn ra từ 7 - 12/6 sẽ là chuỗi hoạt động Festival nghệ thuật chất lượng cao, quy tụ các nghệ sĩ của Huế, các vùng văn hóa Việt Nam và các đoàn nghệ thuật đặc sắc quốc tế; giới thiệu các chương trình nghệ thuật truyền thống và đương đại chất lượng cao của gần 10 quốc gia đến từ các châu lục.

Chương trình khai mạc Tuần lễ Festival Huế 2024 diễn ra tối 7/6 tại điện Kiến Trung, Đại Nội Huế; lễ hội “Sắc màu văn hóa” vào các ngày 8 - 10/6 trên các trục đường trung tâm thành phố; chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế từ 8 - 11/6 tại các sân khấu ngoài trời; chương trình Âm nhạc “Đối thoại Trịnh Công Sơn – Gửi chút gì rất Huế”; lễ hội Ánh sáng tại Thái Bình Lâu và vườn Thiệu Phương, Đại Nội; chương trình nghệ thuật khép lại Tuần lễ Festival Huế 2024. Ngoài ra, còn có các chương trình, hoạt động đặc sắc khác như lễ hội Hoa đăng; Ngày hội Ẩm thực chay Huế; Ngày hội “Sóng nước Tam Giang”; các cuộc triển lãm, trưng bày, hội thảo khoa học…

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, Festival Huế 2024 có một ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh Thừa Thiên Huế phấn đấu sớm hoàn thiện mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Đây cũng là cơ hội để các di sản văn hóa Huế được tập trung quảng bá giá trị, tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Với mục tiêu về bảo tồn giá trị truyền thống, việc lựa chọn, nghiên cứu và tổ chức phục hồi các di sản kiến trúc cung đình, việc tái hiện một số lễ hội gắn với các di sản kiến trúc ở Huế nhiều năm qua được ghi đậm dấu ấn qua các kỳ Festival Huế đã mang lại nhiều tác động tích cực đối với phát triển văn hóa, du lịch ở địa phương.

“Xây dựng và phát triển thương hiệu Festival Huế là điều mà Ban tổ chức và các cơ quan hữu quan đang tiếp tục duy trì, thông qua những chương trình đậm chất truyền thống và có những không gian sôi động để Festival Huế ngày càng mở rộng khán giả, hướng đến thành phố của lễ hội thật sự”, ông Trung nói.

Từ những thành quả, kinh nghiệm thu được, Festival Huế 2024 - "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển" sẽ tiếp tục đổi mới, hấp dẫn, mời gọi bạn bè gần xa đến Huế và trở lại thăm Huế.

Liên Minh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/festival/festival-hue-thuong-hieu-dang-cap-hap-dan-140255.html