FICO cổ phần hóa thành công: Đem lại sức sống mới

(Xây dựng) - Cổ phần hóa (CPH) các DNNN là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, TCty FiCO đã triển khai công tác CPH một cách nghiêm túc và quyết liệt. CPH tại FiCO được thực hiện đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định, đảm bảo tính công khai, minh bạch và kết quả thực hiện tuân thủ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án CPH Cty mẹ - TCty Vật liệu xây dựng số 1. Ngày 28/9/2016, FiCO đã tổ chức thành công Đại hội cổ đông lần thứ nhất để chính thức chuyển đổi mô hình hoạt động sang Cty CP.

Hội đồng Quản trị FICO ra mắt đại hội

Triển khai công tác CPH

Để triển khai công tác CPH tại FiCO được thuận lợi và đúng quy định của pháp luật, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 77/QĐ-BXD ngày 17/01/2014 thành lập Ban Chỉ đạo CPH Cty mẹ - TCty Vật liệu xây dựng số 1 và Quyết định số 149/QĐ-BXD ngày 27/01/2014 thành lập Tổ giúp việc Ban chỉ đạo CPH.

Xác định giá trị DN là căn cứ quan trọng để làm cơ sở cho việc triển khai các bước tiếp theo trong quá trình CPH, ngày 25/4/2014 lãnh đạo Bộ xây dựng đã ban hành Văn bản số 790/BXD-KHTC lựa chọn Cty TNHH Kiểm toán Kreston ACA Việt Nam là tổ chức tư vấn xác định giá trị DN. Ngày 06/3/2015, Bộ Xây dựng có Quyết định số 263/QĐ-BXD phê duyệt giá trị DN Cty mẹ - TCty Vật liệu xây dựng số 1 tại thời điểm 01/01/2014 để chuyển TCty thành Cty CP, theo đó tổng giá trị thực tế của DN là hơn 2.209 tỷ đồng; tổng giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại DN là 1.270 tỷ đồng

Quan tâm đến quyền lợi của người lao động

Trên cơ sở giá trị DN đã được phê duyệt, Ban chỉ đạo CPH chỉ đạo Tổ giúp việc dự thảo phương án CPH FiCO để chuyển sang Cty CP và dự thảo điều lệ hoạt động của Cty CP, tiến hành lấy ý kiến đóng góp của toàn thể người lao động tại Hội nghị người lao động ngày 19/3/2015.

Trên cơ sở Tờ trình số 2056/BXD-QLDN của Bộ Xây dựng, ngày 03/11/2015 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1874/QĐ-TTg phê duyệt phương án CPH Cty mẹ - TCty Vật liệu xây dựng số 1; theo đó, vốn điều lệ của FiCO là 1.270 tỷ đồng; mệnh giá cổ phần là 10.000 đ/CP; số lượng CP là 127 triệu CP. Trong đó, CP Nhà nước nắm giữ là 50,8 triệu CP tương ứng với 40% vốn điều lệ; CP bán cho người lao động là 394,2 nghìn CP tương ứng với 0,31% vốn điều lệ; CP chào bán cho nhà đầu tư chiến lược là 50,8 triệu CP tương ứng với 40% vốn điều lệ; CP bán đấu giá ra công chúng hơn 25 triệu CP tương ứng với 19,69% vốn điều lệ.

Thực hiện phương án CP đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ban chỉ đạo CPH FiCO đã tiến hành bán 294,6 nghìn CP cho người lao động, thu về hơn 2 tỷ đồng.

IPO thành công và tìm được đối tác chiến lược tin cậy

Ngày 19/8/2016, TCty phối hợp Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã tổ chức bán đấu giá công khai hơn 25 triệu CP của TCty. Kết quả tổng số CP thực tế bán được trên 25 triệu CP.

Sau khi bán CP công khai trên Sàn Giao dịch chứng khoán thành công, được sự chấp thuận của Bộ Xây dựng tại Văn bản số 1961/BXD-QLDN, HĐTV TCty và Cty CP Đầu tư Xuân Cầu chính thức ký kết hợp đồng mua bán CP theo quy định, tổng số lượng cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là: 50,8 triệu CP; thu về 533,4 tỷ đồng.

Như vậy, thực hiện phương án CPH FiCO theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, CPH tại TCty đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. TCty đã tiến hành thu tiền mua CP tổng cộng hơn 798 tỷ đồng và chuyển vào tài khoản phong tỏa theo đúng quy định. Đây là số tiền CPH lớn nhất mà Nhà nước thu về sau khi CPH một DN trực thuộc Bộ Xây dựng.

Ngày 16/9/2016 Bộ Xây dựng có Quyết định số 919/QĐ-BXD điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ trong phương án CPH TCty như sau: CP Nhà nước nắm giữ hơn 50,9 triệu CP tương ứng với 40,08% vốn điều lệ; CP bán cho người lao động trên 294, 6 nghìn CP tương ứng 0,23% vốn điều lệ; CP chào bán cho nhà đầu tư chiến lược là 50,8 triệu CP tương ứng 40% vốn điều lệ và CP bán đấu giá ra công chúng hơn 25 triệu CP tương ứng với 19,69% vốn điều lệ. Như vậy, cơ cấu vốn điều lệ của TCty FiCO sau khi CPH đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư chiến lược, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của người lao động tâm huyết đã gắn bó với FiCO trong suốt thời gian công tác và các nhà đầu tư khác.

Để hoàn tất quá trình CPH tại FiCO, ngày 28/9/2016, FiCO đã tổ chức thành công Đại hội cổ đông lần thứ nhất chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình Cty CP.

Trong những năm vừa qua dưới sự định hướng chỉ đạo của Bộ Xây dựng; sự nỗ lực, quyết tâm của lãnh đạo và toàn thể CBCNV, FiCO đã hoàn thành tốt nhiệm vụ SXKD và đầu tư phát triển được Bộ Xây dựng giao đồng thời xây dựng nền tảng vững mạnh về thương hiệu, tài chính, nguồn nhân lực và năng lực SXKD đối với ngành nghề cốt lõi là xi măng, khoáng sản và VLXD.

Sau CPH, FiCO tái cơ cấu và tận dụng được nguồn vốn của các nhà đầu tư

Chuyển sang Cty CP với sự cam kết của Nhà đầu tư chiến lược - Cty CP Đầu tư Xuân Cầu gắn bó lâu dài với FiCO và hỗ trợ FiCO sau CPH về chuyền giao công nghệ mới; đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao năng lực tài chính; quản trị DN; cung ứng vật liệu, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm cáo thì đây là những tiền đề cơ bản để FiCO tiếp tục duy trì, phát huy và phát triển bền vững. Đồng thời nhà đầu tư chiến lược đảm bảo sự phát triển ổn định, tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển đến năm 2020 của FiCO đã được Bộ Xây dựng duyệt; sử dụng lao động theo phương án CPH đã được Thủ tướng phê duyệt và cam kết hỗ trợ đào tạo lại người lao động để đáp ứng nhu cầu công việc.

Mô hình hoạt động của TCty FiCO được tổ chức và hoạt động dưới mô hình là một Cty CP. Ban lãnh đạo mới của TCty có sự đồng thuận, đoàn kết cao đã từng bước đưa ra các chiến lược và các giải pháp quản trị, điều hành hiệu quả mang lại kết quả tích cực và đúng định hướng phát triển TCty theo phương án CPH đã được lãnh đạo Bộ Xây dựng thông qua. Doanh thu hợp nhất năm 2016 của toàn TCty ước đạt hơn 6.257 tỷ đồng, lợi nhuận ước tính gần 246 tỷ đồng.

Định hướng sau CPH

Dưới mô hình Cty CP với sự năng động, linh hoạt và tận dụng hỗ trợ tối đa từ các nhà đầu tư, FiCO tiếp tục triển khai các dự án đầu tư mới trong các lĩnh vực thế mạnh của mình. Bên cạnh đó, FiCO tập trung cho việc nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học trong lĩnh vực VLXD để tạo ra các sản phẩm mới có tính năng ưu việt, đồng thời hợp tác cùng phát triển với các đối tác trong và ngoài nước nhằm xây dựng TCty trở thành DN thuộc Top dẫn đầu cả nước về sản xuất VLXD; xi măng; khai thác, chế biến khoáng sản và thương mại, đưa thương hiệu FiCO trở thành thương hiệu mạnh trong nước và khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng bình quân 7 - 9%/năm, phấn đấu đến năm 2020: doanh thu hợp nhất đạt 8.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 300 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế Cty mẹ/vốn chủ sở hữu đạt trên 9% và tỷ lệ cổ tức trên 7%, Ban lãnh đạo TCty sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp như:

Thứ nhất, tiếp tục tái cấu trúc bộ máy quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động Cty mẹ: Thực hiện công tác rà soát, sắp xếp lại bộ máy quản lý, điều hành Cty mẹ đảm bảo tinh gọn, hiệu quả; trên cơ sở đó cơ cấu lại tổ chức, hình thành các đầu mối điều hành đủ mạnh về tài chính và đầu tư để tổ chức thực hiện chiến lược đầu tư phát triển của TCty sau CPH.

Thứ hai, thực hiện chiến lược đầu tư phát triển: Tập trung các nguồn lực để thực hiện đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư trọng điểm của TCty. Đối với lĩnh vực xi măng, song song với triển khai đầu tư dây chuyền 2 - Nhà máy xi măng Tây Ninh, sẽ tiến hành nhanh công tác đầu tư chiều sâu, nâng công suất các trạm nghiền hiện hữu để chủ động về thị trường tiêu thụ sản phẩm; Đầu tư bộ phận Logistics để chủ động điều tiết sản lượng clinker, xi măng đến các hộ tiêu thụ, giảm bớt sự phụ thuộc vào nhà cung cấp dịch vụ bên ngoài, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; Tranh thủ sự ủng hộ của Bộ Xây dựng và các cơ quan hữu quan để triển khai việc đầu tư theo hướng M&A để mở rộng tầm ảnh hưởng trên thị trường xi măng trong nước, giảm bớt áp lực cạnh tranh trong tương lai.

Thứ ba, thực hiện tái cấu trúc về tài chính: Khẩn trương thực hiện công tác thoái vốn tại các hạng mục đã được phê duyệt, để tập trung nguồn tài chính thực hiện chiến lược đầu tư phát triển TCty; Cty mẹ chủ trì kiểm soát dòng tiền, phân phối các nguồn lực có hiệu quả, đồng thời chỉ đạo thường xuyên tái cấu trúc tài chính tại các đơn vị thành viên đảm bảo sử dụng hiệu quả nhất nguồn lực tài chính.

Thứ tư, tập trung phát triển nguồn nhân lực: Thực hiện đánh giá toàn diện chất lượng nguồn nhân lực để xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực dài hạn có chất lượng cao, có tính kế thừa bền vững đáp ứng các mục tiêu phát triển của TCty.

Thứ năm, Văn hóa FiCO được xây dựng dựa trên truyền thống hơn 30 năm xây dựng và trưởng thành, góp phần làm nên thương hiệu FiCO hiện nay, lãnh đạo TCty Vật liệu xây dựng số 1 - CTCP cam kết tiếp tục kế thừa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của FiCO và bổ sung các giá trị mới phù hợp, xây dựng các chuẩn mực văn hóa FiCO để thực hiện và giữ gìn.

Bên cạnh đó, TCty xây dựng chính sách chung về quản trị rủi ro, tạo ra sự nhận thức đầy đủ cũng như trách nhiệm của lãnh đạo, các bộ phận chuyên môn về rủi ro. Đổi mới và nghiêm túc thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ cũng như kiểm tra, kiểm soát đối với các Cty con, Cty liên kết theo các quy định hiện hành.

Van Chu

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/fico-co-phan-hoa-thanh-cong-dem-lai-suc-song-moi.html