FII - dòng tiền mới trên thị trường tiền tệ

Nguyên nhân nào khiến cho tỷ giá đảo chiều ngay cả khi hàng loạt thông tin kinh tế gây bất lợi cho tiền đồng được công bố? Câu trả lời chính là nguồn vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài (FII).

Tính đến ngày 20-4-2017, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 17.866 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ảnh: MAI LƯƠNG

Tỷ giá đảo chiều bởi dòng vốn FII

Sau khi gần như duy trì sự ổn định trong cả năm 2016, tỷ giá giữa tiền đồng của Việt Nam và đô la Mỹ đã liên tục tăng lên trước và sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất vào ngày 15-12-2016. Diễn biến trên của tỷ giá tiếp tục kéo dài đến ngày 16-3-2017, thời điểm Fed điều chỉnh tăng lãi suất lần thứ hai trong vòng ba tháng. Kỳ vọng của thị trường về khả năng Fed sẽ có thêm 2-3 đợt điều chỉnh tăng lãi suất trong năm 2017 cùng với thâm hụt thương mại ở mức cao, lên tới 1,2 tỉ đô la Mỹ chỉ riêng trong tháng 2-2017, thời điểm mà phần lớn thời gian là nghỉ Tết Nguyên đán, khiến cho thị trường lo ngại về diễn biến xấu của nền kinh tế được cho là hai nguyên nhân chính.

Tuy nhiên, tỷ giá lại đảo chiều giảm giá ngay sau động thái tăng lãi suất lần đầu tiên của Fed trong năm 2017, diễn ra ngày 16-3-2017. Sự sụt giảm liên tục của tỷ giá trên thị trường đã buộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải tăng giá mua vào đồng đô la Mỹ của các ngân hàng, từ mức 22,575 lên 22,675 đồng/đô la Mỹ. Động thái diễn ra ngày 11-4-2017 này của NHNN nhằm mục tiêu chặn đà rơi của tỷ giá. Việc tiền đồng lên giá sẽ làm giảm động lực xuất khẩu của nền kinh tế vốn đang bị đặt dấu hỏi sau khi tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,1% trong quí 1-2017.

Nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) dồi dào là động lực chính giữ cho tỷ giá ổn định trong năm 2016, khi NHNN mua ròng được khoảng trên 10 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, dòng vốn này trong ba tháng đầu năm 2017 đạt mức 3,6 tỉ đô la Mỹ, chỉ tăng 3,4% so với cùng kỳ 2016(*).

Việt Nam đang là điểm sáng của khu vực Đông Nam Á về thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài
(FII và FDI).

Vậy nguyên nhân nào khiến cho tỷ giá đảo chiều ngay cả khi hàng loạt thông tin kinh tế gây bất lợi cho tiền đồng được công bố trong quí 1-2017 như tăng trưởng GDP ở mức thấp nhất trong ba năm (2014-2016), thâm hụt thương mại ở mức cao...? Câu trả lời chính là nguồn vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài (FII).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong ba tháng đầu năm 2017 đã có 1.077 lượt góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) với tổng giá trị là 852,9 triệu đô la Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có trên 19.000 tỉ đồng được bơm ra nền kinh tế. Trong đó, các NĐTNN đã mua ròng khoảng 17.866 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam tính đến ngày 20-4-2017. Khối lượng chứng khoán được mua vào thông qua thị trường niêm yết tập trung, cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX), Hà Nội (HNX) và trên sàn giao dịch UpCom đạt mức 5.411 tỉ đồng, trong khi các NĐTNN đã bán ròng 1.959 tỉ đồng trong cùng kỳ năm 2016; trái phiếu chính phủ (TPCP) trên thị trường thứ cấp là 12.455 tỉ đồng, gấp 2,5 lần so với diễn biến của cùng kỳ năm 2016; và một phần vốn còn lại, khoảng 1.500 tỉ đồng được các NĐTNN đầu tư thông qua các thương vụ mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A).

Vì sao các doanh nghiệp Việt Nam lại đang hấp dẫn các NĐTNN?

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt với nhiều biến động khó lường, nguồn vốn FDI và FII vào các nước đang phát triển như Việt Nam đang có xu hướng sụt giảm. Do vậy, số liệu về dòng vốn FDI và FII vào nước ta trong thời gian vừa qua là rất đáng khích lệ, nhưng cũng không phải ngẫu nhiên.

Để có câu trả lời cho câu hỏi trên, chúng ta sẽ tìm hiểu xem các nhà đầu tư nước ngoài đến từ đâu và ngành nào được họ ưu tiên đầu tư?

Thứ nhất, đối với các giao dịch mua cổ phần trên các sàn giao dịch chứng khoán, rõ ràng mục tiêu đầu tư là sự kỳ vọng cổ phiếu sẽ tăng giá trong tương lai. Dữ liệu thống kê cho thấy, các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống đang thu hút được sự quan tâm rất lớn của các NĐTNN.

Thứ hai, các NĐTNN đang đẩy mạnh mua vào TPCP của Việt Nam. Lợi tức trái phiếu (Yield) của Việt Nam cao hơn so với các nước có cùng mức độ rủi ro như Indonesia và Philippines trong bối cảnh Fed sẽ tiếp tục có thêm các đợt điều chỉnh tăng lãi suất trong năm 2017, cùng với chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt của NHNN trong thời gian qua, là hai động lực chính thu hút sự quan tâm đặc biệt của các NĐTNN.

Ngoài ra, một yếu tố khác cũng cần phải nói tới đó là rủi ro về chính trị trong khu vực Đông Á đang ở mức cao khiến cho các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan có xu hướng tìm đến các quốc gia có sự ổn định như Việt Nam để đầu tư.

Mặc dù hiện tại chưa thể khẳng định về sự tăng trưởng ổn định của dòng vốn FII vào Việt Nam trong dài hạn từ ba đến năm năm tới, nhưng gần như chắc chắn Việt Nam đang là điểm sáng của khu vực Đông Nam Á về thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FII và FDI).

(*) http://gso.gov.vn/default.aspx?tabid=621&ItemID=18343

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/159438/fii---dong-tien-moi-tren-thi-truong-tien-te.html/