Fukushima - ngày về còn xa

Chuyện xử lý sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản, lại gặp thêm khó khăn khi dự án xây dựng bức tường băng ngầm dưới lòng đất xung quanh nhà máy này bị nhiều chuyên gia hoài nghi về hiệu quả. Bức tường băng này có nhiệm vụ ngăn không cho nước nhiễm xạ từ nhà máy lan ra mạch nước ngầm hay biển.

Dự án xây dựng bức tường băng có kinh phí lên đến 32 tỷ yen (320 tiệu USD) từ vốn của Chính phủ Nhật Bản. Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị quản lý dự án cho biết họ đã thử nghiệm thành công trước khi khởi công xây dựng vào tháng 6. Nhưng với những quan ngại mới từ các chuyên gia, dự án này có thể bị hoãn. Hãng tin AP dẫn lời ông Toyoshi Fuketa, thành viên Cơ quan Quy chế hạt nhân quốc gia Nhật Bản (NRA), nói: “Tôi không rõ rằng liệu bức tường băng này có thật sự hiệu quả hay không và điều quan trọng hơn là chúng ta cần biết bức tường băng có thể gây ra bất kỳ rắc rối nào khác nữa hay không”. Các chuyên gia quốc tế cũng bày tỏ quan ngại tương tự. Dale Klein, cựu Chủ tịch Ủy ban Điều tiết hạt nhân Mỹ, hiện là Trưởng ban giám sát của TEPCO nói rằng ông không tin tường băng là lựa chọn tốt nhất và chi phí của nó lại quá cao. Ông đề nghị Chính phủ Nhật Bản và TEPCO xem xét lại kế hoạch. Chuyên gia Barbara Judge, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng nguyên tử Anh cùng quan điểm khi cho rằng việc xây dựng bức tường băng đồ sộ như vậy trong thời gian vài tháng là điều đáng đặt vấn đề hơn nữa, cũng cần đánh giá lại hiệu quả của bức tường băng trong mùa hè nhiệt độ cao.

Các chuyên gia cho rằng thí nghiệm của TEPCO về tường băng thành công chưa nói lên được điều gì vì kích thước thật của tường băng quá lớn (dài trên 1,4 km) và lần đầu được xây dựng trên thế giới. Cho tới nay, TEPCO vẫn dùng máy bơm bơm nước ngầm ra nơi khác trước khi nước ngầm tiếp xúc các lò phản ứng bị nhiễm xạ. Bằng cách này, TEPCO có thể ngăn chặn nước ngầm làm lây lan nước nhiễm xạ ra ngoài.

Các chuyên gia cũng đang bàn đến khả năng xây dựng đường ống thoát nước ngầm riêng cho các lò phản ứng nhiễm xạ và xem giải pháp này hiệu quả hơn bức tường băng. Cho tới nay, sau hơn 3 năm xảy ra sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, việc bơm nước để làm nguội các lò phản ứng hạt nhân vẫn tiếp diễn và lượng nước nhiễm xạ ngày càng lớn đang là vấn đề nan giải. Lượng nước nhiễm xạ ngày càng nặng là thách thức lớn với môi trường xung quanh.

Thông tin hoài nghi về giải pháp xử lý nhà máy điện hạt nhân Fukushima một lần nữa đã đẩy người dân Nhật Bản thêm ác cảm với nguồn năng lượng này. Đến nay, đa số người dân Nhật Bản vẫn chống đối việc khởi động lại các nhà máy hạt nhân trong khi Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe như đang ngồi trên lửa vì chi phí mua nhiên liệu thay thế để phát điện đang ngốn ngân sách quá lớn. Ngoài ra, khi mà Nhật Bản chưa xử lý xong sự cố Fukushima thì ngành điện hạt nhân nước này sẽ tiếp tục gặp tổn thất từ cả trong nước lẫn thị trường nước ngoài. Mục tiêu mở cửa trở lại hàng chục lò phản ứng hạt nhân khác dự kiến vào tháng 5 hay tháng 6 để giảm bớt áp lực về điện năng tiêu thụ trong mùa hè ngày càng xa vời. Theo Japan Times, ngoài vấn đề nan giải trong việc xử lý 4 lò bị sự cố ở Fukushima, nhiều lò phản ứng hạt nhân khác vẫn chưa đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn mới của NRA. Ngày về của hàng chục ngàn người sống xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima xem ra vẫn còn xa.

KHÁNH MINH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thegioi/cuasothegioi/2014/5/348288/