G.7 lúng túng đối phó với suy thoái kinh tế

Các bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của bảy nước công nghiệp hàng đầu thế giới thuộc nhóm G 7 đã họp tại Tokyo ngày 9/2 để bàn về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong bối cảnh kinh tế Mỹ có nguy cơ bị suy thoái.

lt132 Trong bản thông cáo được công bố sau cuộc họp, các nước trong nhóm G 7 dự đoán là trong ngắn hạn, toàn bộ các nền kinh tế trong nhóm này sẽ tăng trưởng chậm lại. Các bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương nhận định rằng môi trường kinh tế thế giới khó khăn hơn và bấp bênh hơn so với tháng 10, tức là thời điểm cuộc họp lần cuối của nhóm G 7. Đặc biệt, tại Mỹ, mức sản xuất và nhịp độ tạo công ăn việc làm đã giảm đáng kể, còn thị trường nhà đất thì sẽ tiếp tục suy thoái. Tuyên bố cho rằng những nguy cơ như sự suy giảm trên thị trường địa ốc ở Mỹ, điều kiện tín dụng ngày càng bị siết chặt, giá dầu mỏ và hàng hóa cũng như lạm phát tiếp tục tăng sẽ vẫn tồn tại trong thời gian tới. Các tổ chức tài chính cần công khai mức độ thua lỗ và tăng cường cơ sở vốn. Tại hội nghị, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm G-7 cũng kêu gọi các nước xuất khẩu dầu mỏ tăng sản lượng khai thác. Ngoài ra, G-7 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện hành động thống nhất nhằm đối phó với sự biến đổi khí hậu, đồng thời cam kết sớm hoàn tất vòng đàm phán tự do thương mại Doha trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Mặc dù đều thể hiện sự nhất trí, song các đại diện đã rất lúng túng, không đưa ra được những bước đi chung cụ thể mà 7 nền kinh tế có thể thực hiện trong tương lai. Để đối phó với tình hình này, các nước G 7 đã kêu gọi những ngân hàng nào bị ảnh hưởng lây bởi cuộc khủng hoảng tín dụng địa ốc subprime của Mỹ nhanh chóng công bố đầy đủ mức thiệt hại của họ và nói chung là phải tỏ ra minh bạch hơn. Mục đích là nhằm khôi phục lòng tin vào các định chế tài chính và tái lập sự vận hành bình thường của các thị trường vốn đã bị chao đảo trong những tuần qua. Bảy nước công nghiệp hàng đầu thế giới cũng kêu gọi các nước sản xuất dầu hỏa gia tăng sản lượng để ngăn chặn đà leo thang của giá dầu, đang có nguy cơ đẩy nhiều nền kinh tế vào tình trạng suy thoái. Nhóm G7 còn yêu cầu Trung Quốc nhanh chóng tăng hối suất đồng nhân dân tệ trước tình trạng xuất siêu của nước này vẫn còn quá cao. Nhưng đằng sau bản thông cáo có vẻ đồng tâm nhất trí được đưa ra ngày 9/2 ở Tokyo, các nước giàu nhất thế giới vẫn bất đồng với nhau về cách đánh giá tình hình cũng như về giải pháp. Cụ thể Mỹ vẫn muốn các nước khác trong nhóm G7 thi hành các biện pháp như Washington đã làm. Sau khi Ngân hàng Trung ương Mỹ liên tục hạ các lãi suất trong tháng Giêng vừa qua, cách đây hai ngày, Quốc hội Mỹ đã thông qua kế hoạch 152 tỷ USD kích thích kinh tế. Nhưng Nhật Bản và các nước châu Âu lại không muốn làm theo Mỹ, cho rằng kinh tế của họ vững mạnh hơn so với kinh tế Mỹ. Chính vì vậy mà Ngân hàng Trung ương châu Âu cho tới nay vẫn không giảm lãi suất, tức là vẫn duy trì lãi suất chỉ đạo ở mức 4%. Ưu tiên của Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn là duy trì ổn định giá cả trước nguy cơ lạm phát. Một vấn đề khác gây bất đồng trong nội bộ nhóm G7 là vấn đề hối suất. Các nước trong khu vực đồng Euro muốn là trong bản thông cáo đưa ra tại Tokyo ngày 9/2 phải báo động về tình trạng đồng USD tiếp tục sụt giá so với đồng Euro, gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu châu Âu. Nhưng phái đoàn Mỹ lại không muốn đưa vấn đề này vào bản thông cáo. Tóm lại, do những bất đồng nói trên mà các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới chưa thể phối hợp hành động với nhau để đối phó với nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-7) đã thừa nhận rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ trở nên bất ổn hơn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tín dụng ở Mỹ, đồng thời cam kết có hành động cá nhân và tập thể thích hợp để duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/quoc-te/29566-g7-lung-tung-doi-pho-voi-suy-thoai-kinh-te