G20 rốt cục cũng chỉ là 'nói chuyện suông'!

Dù Trung Quốc cố gắng biến G20 thành vũ đài chính trị quan trọng với những tuyên bố hùng hồn nhưng việc thực hiện cam kết đưa ra là điều không hề dễ dàng.

Hội nghị G20 được Trung Quốc kỳ vọng mang lại nhiều hiệu ứng tích cực.

Các lãnh đạo ở hội nghị G20 đưa ra hàng loạt tầm nhìn và lời hứa sau 2 ngày họp căng thẳng ở Hàng Châu, Trung Quốc. Tuy nhiên, G20 sẽ vẫn chỉ là một diễn đàn “nói giỏi hơn làm” nếu những phát ngôn không chuyển biến thành hành động.

Thông cáo báo chí sau hai ngày thảo luận cam kết sẽ cải cách cấu trúc, hệ thống tài chính quốc tế toàn cầu, hợp tác chính sách, tìm kiếm lĩnh vực đầu tư mới như sáng tạo, tài chính xanh. Dù vậy, điều quan trọng nhất vẫn là khả năng thực hiện của các thành viên G20.

“Nếu đã nhất trí, chúng tôi chắc chắn sẽ thực hiện”, thông cáo viết. Tương tự, trong bài diễn văn mở đầu, ông Tập Cận Bình kêu gọi các lãnh đạo G20 “tránh nói chuyện suông”. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định nguyên thủ quốc gia bị gò bó quá chặt bởi vấn đề trong nước để có thể bình tâm xử lý trên bình diện quốc tế.

“Khi Mỹ, châu Âu đang phân tâm với những vấn đề nội tại, Nga quá chú trọng vào chủ nghĩa dân tộc thì chỉ còn Trung Quốc là quốc gia có tầm ảnh hưởng ngoại giao và tiền của để xây dựng liên minh toàn cầu”, Kerry Brown, một chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại đại học King’s College nói.

So với nhóm G7 quá lỗi thời, G20 đại diện chuẩn xác hơn cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nhóm các nền kinh tế mới nổi và giàu có vẫn còn rất lỏng lẻo trong cấu trúc, khác biệt chính trị quá lớn và trình độ phát triển khó đạt được sự đồng thuận chung.

Trung Quốc tận dụng cơ hội này gặp gỡ được nhiều lãnh đạo quan trọng toàn cầu.

“G20 có cùng sai lầm với Hội đồng Bảo an LHQ”, Gordon Chang, giáo sư sử học đại học Stanford, nói. “Hai tổ chức này đều quá đa dạng khiến một hành động hợp nhất thực sự có ý nghĩa là bất khả”.

Các tuyên bố chung và cam kết ở hội nghị G20 chỉ thể hiện khát vọng chứ không ràng buộc pháp lý. Không có hệ thống nào kiểm tra quá trình thực hiện các cam kết hoành tráng đưa ra.

Chẳng hạn với nội dung ngăn ngừa chủ nghĩa bảo hộ, thông cáo báo chí chỉ ra rằng các quốc gia phải liên lạc với nhau về lợi ích của thương mại, mở cửa thị trường và “tạo ra bộ khung chính sách nội địa phù hợp để đảm bảo lợi ích được phân chia công bằng”.

Về tài chính xanh, các quốc gia phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện. Trong khi đó, Chương trình nghị sự Cải cách Cấu trúc tài chính để kết nối các chiến lược vào tăng trưởng và cải tổ kinh tế lại không bắt buộc thực hiện. Những mục tiêu trước đây được G20 đưa ra nhưng không thực hiện đều bị rơi vào quên lãng.

Tại hội nghị G20 ở Brisbane năm 2014, lãnh đạo các quốc gia đồng ý thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu thêm 2 điểm phần trăm vào năm 2018, tuy nhiên báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mới đây cho thấy con số này là không tưởng.

Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ trong cuộc họp báo ở G20 hồi tháng 7 vừa qua nói rằng “thật kì cục” khi các bộ trưởng G20 muốn giám sát quy trình này.

Trung Quốc muốn gửi tới hình ảnh thân thiện, hữu nghị trong G20.

“Cơ sở, tiêu chuẩn kiểm tra là gì? Nếu thang đo thay đổi thì xử lý thế nào?”, ông Lâu đặt câu hỏi.

Hội nghị thượng đỉnh ở Toronto năm 2010 thúc giục các nền kinh tế áp dụng chính sách khắc khổ nhưng sau đó lại bị chỉ trích vì khiến tăng trưởng suy giảm. Chuyên gia Brown nói rằng sau nhiều năm, G20 chỉ đơn giản là hình bóng trên nghị trường chứ không hề mang lại giá trị thực chất.

Jean-Pierre Cabestan, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế ở đại học Tin Lành Hong Kong cảnh báo các nước đã kì vọng quá nhiều thế giới sẽ thay đổi chỉ sau vài cuộc họp.

Jean nói rằng giá trị lớn nhất của hội nghị G20 là cho phép các lãnh đạo toàn cầu gặp nhau thường xuyên hơn, phân loại các vấn đề ở cấp độ song phương thay vì giải quyết bằng cách đưa ra một tuyên bố “vô thưởng vô phạt”.

Steve Tsang, nghiên cứu sinh ở Viện chính sách Trung Quốc thuộc đại học Nottingham nói rằng vấn đề hiện nay là xác định “thành công là gì?”.

Quyền lực mềm được thể hiện qua văn hóa Trung Quốc.

“Tôi không nghĩ rằng G20 tại Hàng Châu có thể thay đổi diện mạo chính trị toàn cầu”, Steve nói. “Tôi không cho rằng hội nghị G20 giải quyết được những vấn đề lớn mà thế giới đang đối mặt như chiến tranh, khủng hoảng người nhập cư, chủ nghĩa khủng bố, thách thức kinh tế toàn cầu vì Anh rời EU và xung đột Biển Đông”.

Trong khi Trung Quốc liên tục nhấn mạnh rằng G20 sẽ khác biệt, sự nghi ngờ vẫn được đặt ra liệu Trung Quốc sẽ thực hiện lời hứa của mình thế nào khi kinh tế nội địa giảm phát, chủ nghĩa dân tộc gia tăng và căng thẳng với quốc gia láng giềng.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/g20-rot-cuc-cung-chi-la-noi-chuyen-suong-706645.html