G20 xây hay phá thị trường toàn cầu?

Theo đánh giá của nhà đầu tư George Soros, hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nước phát triển và đang phát triển (G20) ở London tuần tới là một sự kiện "xây hoặc phá" đối với các thị trường toàn cầu.

"Nếu như hội nghị không đưa ra được các biện pháp thiết thực để hỗ trợ những nước nằm ở ngoại biên hệ thống tài chính toàn cầu, các thị trường sẽ lại rơi vào tình trạng tụt giảm thảm hại như ngày 10/2/2009, khi các nhà chức trách không đưa ra được các biện pháp thích hợp để tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng Mỹ", ông Soros nói trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ. Soros cho biết, Tổng thống Barack Obama có thể giúp cho hội nghị G20 thành công bằng cách đưa ra một giải pháp có thể, trong đó có việc tăng số tiền mà các quốc gia đang phát triển - từ Đông Âu tới châu Phi - có thể vay được từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Các nước giàu - vốn đã chi hàng tỷ đôla cứu vớt các ngân hàng của họ - yêu cầu các tổ chức tài chính này tập trung vào cho vay nội địa. Và vì thế, các quốc gia đang phát triển bị tách khỏi tài chính thế giới. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington tháng 11/2008, các lãnh đạo G20 nhấn mạnh "tầm quan trọng quyết định của việc phản đối chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch". Tuy nhiên, một thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy, từ đó đến nay có tới 17 trong số 20 nước này đã áp dụng một kiểu chính sách bảo hộ nào đó - từ giảm thuế cho tới hỗ trợ xuất khẩu. Nhóm các nhà lãnh đạo G20 tập trung ở London tháng 4 năm nay không những phải cam kết tránh xa con đường này mà họ còn phải đưa các đề xuất hành động phối hợp cứng rắn. Thế giới cần một cuộc mặc cả mà tất cả các quốc gia đều phải tìm kiếm và đưa ra các giải pháp chung. Cuộc họp lần này có thể sẽ bị phủ bóng đen bởi những bất đồng khó giải quyết. IMF dự đoán rằng, các quốc gia thuộc khu vực đồng Euro sẽ phải chịu một cuộc suy thoái tồi tệ hơn so với Mỹ. Tuy nhiên, đối với người châu Âu, điều này không đáng lo bằng những khoản thâm hụt ngân sách dài hạn tiềm ẩn và suy yếu tiền tệ. Vẫn còn quá nhiều điều cần phải thực hiện để trợ giúp các quốc gia nghèo hơn. Ngân hàng Thế giới đã yêu cầu các quốc gia công nghiệp trích 0,7% số tiền cứu trợ kinh tế cho viện trợ. Họ có thể cũng ủng hộ một lượng phát hành mới Các quyền rút vốn đặc biệt (SDR) - đơn vị tiền tệ quy ước của các thành viên IMF dùng để giúp các nước khó khăn - và hoan nghênh một vai trò lớn hơn của Trung Quốc, nước có thể sử dụng nhiều nguồn lực to lớn của nước này để trợ giúp. Mặc dầu quá muộn để nhất trí phát hành SDR tại hội nghị G20, nhưng "nếu vấn đề này được Tổng thống Obama nêu ra, nó sẽ làm cho các thị trường yên tâm và mang lại thành công rực rỡ cho hội nghị", theo ông Soros. Tuy nhiên, nhà đầu tư này cảnh báo rằng, nếu Mỹ không đảm đương trách nhiệm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, thì nước này "sẽ không còn là một cường quốc tài chính chiếm thế thượng phong nữa". Và nếu hệ thống tài chính toàn cầu tan vỡ, Trung Quốc có khả năng sẽ vượt lên trước. Cho dù Mỹ muốn bơm tiền cho nền kinh tế còn châu Âu muốn điều chỉnh, thì hội nghị "nên tìm ra một điểm chung để bảo vệ các quốc gia ngoại biên khỏi mối tai họa không phải do họ gây ra". "Thực tế, chúng ta cần vừa bơm thêm tiền vừa điều chỉnh, nhưng bơm thêm tiền là cần thiết còn cải cách quy định sẽ cần thời gian để thực thi", ông Soros nhấn mạnh. Thanh Hảo (Theo Reuters, NY Times)

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/thegioi/2009/03/838792/