Game dưới góc nhìn kinh tế

Với hơn 20 nhà phát hành và cộng đồng game thủ lên đến hàng chục triệu người, Việt Nam đang là thị trường game lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Bước qua hơn 5 năm phát triển với tốc độ chóng mặt, đã đến lúc ngành cần định hình vị trí của mình với những hướng đi phù hợp, để Việt Nam không chỉ là thị trường tiêu thụ lớn, mà còn có thể có một ngành công nghiệp game thực thụ.

Game và giai đoạn phát triển hoàng kim Chính thức thành lập từ tháng 9/2004 với 5 thành viên, đến nay, Công ty Cổ phần dịch vụ phần mềm trò chơi Vina hay vẫn thường được gọi với cái tên quen thuộc Vinagame đã có một đội ngũ nhân lực lên đến trên 1000 người. Từ vai trò nhà phát hành game Võ Lâm Truyền Kỳ tại thị trường Việt Nam, đến nay doanh nghiệp này đã chính thức phân phối 16 tựa game lớn, đồng thời cũng xây dựng 2 trung tâm nghiên cứu phát triển game Việt. Là một trong những doanh nghiệp đi tiên phong, lĩnh vực giải trí trực tuyến này đã mang lại cho Vinagame cơ hội phát triển, trước hết là về doanh thu. Ông Nguyễn Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Vinagame chia sẻ: "Năm đầu tiên chúng tôi gần như chưa có doanh thu, nhưng sau 5 năm, doanh thu của chúng tôi đã lên trên 1000 tỷ đồng chỉ tính riêng lĩnh vực game online và chiếm khoảng 50% thị phần mảng game trên toàn quốc". Hơn 20 nhà phát hành với cộng đồng game thủ đông đảo, Việt Nam được coi là thị trường game lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Với doanh thu hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, game được coi là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp nội dung số. Và với tốc độ phát triển duy trì ở mức 30%, sự phát triển của game được đánh giá là đã kéo theo sự phát triển của nhiều lĩnh vực liên quan khác... Theo ông Ngô Long - Tổng Giám đốc VDC - Net2e: Game online không chỉ giúp tăng doanh thu cho công nghiệp nội dung số mà còn thúc đẩy các ngành khác, kể cả hạ tầng của Việt Nam". Còn theo đại diện Vinagame: "Không chỉ hỗ trợ cho phần cứng mà sự phát triển của game online còn giúp phổ cập tin học và thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ kèm theo". Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở TT - TT TP.HCM cho rằng: "Game là một trong những lĩnh vực cung cấp dịch vụ sử dụng hạ tầng mạng, tăng hiệu quả sử dụng hạ tầng mạng, bước đầu giúp chúng ta xây dựng công nghiệp game. Dịch vụ này đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người". Khoan bàn đến những tác động tích cực và tiêu cực đối với giới trẻ và cộng đồng game thủ, thì rõ ràng, chỉ qua hơn 5 năm chính thức phát triển tại thị trường Việt Nam, game đã trở thành một trong những lĩnh vực đạt được nhiều thành công nhất trong ngành CNTT nói chung và ngành công nghiệp nội dung số nói riêng. Tuy nhiên, thị trường này cũng đang dần trở nên bão hòa và bắt đầu bước vào giai đoạn khó khăn. Đó không chỉ là những khó khăn về mặt thị trường và nhân lực, mà còn là sự thiếu nghiêm trọng những nghiên cứu, báo cáo khoa học chính xác của các chuyên gia trong ngành để có những định hướng dài hơi cho lĩnh vực giải trí được cho là có khả năng hốt bạc này. Ngành công nghiệp Game - Tấm áo có quá rộng? Ngày 19/3 vừa qua, Vinagame đã chính thức giới thiệu trò chơi nhập vai dã sử mang tên Thuận Thiên Kiếm, đây được coi là tựa game online đầu tay do Việt Nam sản xuất... sự kiện này không chỉ là sự khẳng định tên tuổi của Vinagame mà còn được coi là dấu mốc quan trọng đối với công tác nghiên cứu, phát triển game của Việt Nam. Các nhà phát hành khác, tất nhiên, cũng không thể đứng ngoài xu thế chung này. Theo ông Ngô Long, đại diện VDC Net2E: "Đây là tín hiệu đáng mừng không chỉ với Vinagame mà các doanh nghiệp khác cũng đang có kế hoạch phát triển game. Hiện giờ chúng tôi cũng đang xây dựng đội dự án chuyên trách để phát triển những game thuần Việt và có trọng tâm là phản ánh được cái văn hóa nhân sự của dân tộc...". Đến thời điểm hiện tại chưa thể đủ để có những đánh giá về chất lượng của game do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và cũng chưa có bất cứ thăm dò nào về phản ứng của người dùng, tuy nhiên các doanh nghiệp Việt cũng không giấu diếm tham vọng về khả năng xuất khẩu những sản phẩm game "made in Vietnam" ra thị trường nước bạn. Theo ông Nguyễn Hoàng Tuấn Anh, Vinagame: "Chúng tôi mong muốn một ngày nào đó chúng tôi có thể xuất khẩu game Việt Nam để tạo doanh thu cho ngành công nghiệp Việt Nam bằng việc xuất khẩu". Ông Ngô Long cũng bày tỏ: Với những game do VDC Net2E lên kế hoạch sản xuất, chúng tôi không chỉ hướng đến thị trường trong nước mà còn đặt mục tiêu xuất khẩu. Doanh thu của ngành liên tục phát triển nhưng thực chất chỉ dựa trên việc phát hành các game nhập từ nước ngoài. Công nghệ tiên tiến chủ yếu được các doanh nghiệp dùng để gia công cho đối tác nước ngoài... là một trong những nguyên nhân khiến cho ngành game Việt Nam chưa được coi là một ngành công nghiệp hoàn chỉnh. Doanh nghiệp Việt đã có thể sản xuất game, nhưng Việt Nam vẫn chỉ được biết đến là thị trường tiêu thụ các sản phẩm của nước ngoài. Thực tế này đã dẫn đến những ý kiến trái chiều. Trong khi các nhà phát hành khẳng định Việt Nam đã đủ điều kiện để có một ngành công nghiệp game đúng nghĩa, thì nhiều chuyên gia lại tỏ ra khá e dè với thuật ngữ này. Ông Phạm Tấn Công, Tổng Thư ký Vinasa: "Công tác nghiên cứu phát triển còn đang ở mức khởi đầu. Công tác thiết kế, sản xuất ra các game ở Việt Nam còn trong giai đoạn đầu tư. Nếu như nói rằng là một ngành công nghiệp theo nghĩa đầy đủ thì hiện nay chúng ta chưa có một ngành công nghiệp game đầy đủ". Với những thành tựu về tốc độ phát triển, về doanh thu, về những tác động đối với các lĩnh vực liên quan, có lẽ cũng không quá tự tin khi khẳng định: Việt Nam đã bước đầu hội đủ những điều kiện để có ngành công nghiệp game online đúng nghĩa. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là làm thế nào để ngành này phát huy được vai trò của mình khi giai đoạn phát triển nóng đã qua đi, thị trường đang bước vào thời kỳ bão hòa và nguồn nhân lực lúc nào cũng trong tình trạng cầu nhiều hơn cung... Hướng đi nào cho ngành công nghiệp Game Online? Trở lại câu chuyện của Vinagame. Được biết đến là một trong những nhà phát hành đầu tiên và thành công nhất tại thị trường Việt Nam, đến nay, mặc dù game vẫn là nguồn doanh thu lớn nhất, nhưng doanh nghiệp này cũng đang tích cực đầu tư cho các dịch vụ giá trị gia tăng khác trên môi trường internet. Tận dụng hạ tầng hiện có để phát triển đa lĩnh vực, tận dụng nguồn khách hàng đông đảo để đảm bảo sự thành công cho những dịch vụ mới được xem là một trong những sự lựa chọn dành cho tương lai của những doanh nghiệp năng động. Theo ông Nguyễn Hoàng Tuấn Anh, Vinagame: "Các dịch vụ web và các mạng xã hội chúng tôi đã đầu tư và dự định khoảng 3 - 5 năm nữa sẽ có mức doanh thu cạnh tranh được với doanh thu của game". Ông Hoàng Lê Minh, Viện trưởng Viện Công nghiệp phần mềm và Nội dung số: "Game có thị trường, có cơ hội kinh doanh, có mô hình kinh doanh. Doanh nghiệp nào có trình độ quản lý, trình độ tiếp cận thị trường tốt thì sẽ thành công. Nhưng đây cũng là một thị trường đáng kể nhưng nếu nhìn về lâu về dài thì mức độ tăng trưởng thị trường này nó có giới hạn, đến 1 lúc nào đó các doanh nghiệp làm game cũng phải chuyển hướng làm các sản phẩm khác nữa". Trung Quốc và Hàn Quốc hiện đang là nguồn cung lớn nhất của các doanh nghiệp phát hành game tại Việt Nam. Với những yếu tố tương đồng, đây cũng được xem là những mô hình lý tưởng để ngành công nghiệp game Việt Nam tự rút ra bài học và áp dụng vào quá trình phát triển thực tiễn. Ông Ngô Long cho biết: "Hàn Quốc sẽ tập trung vào game mang đậm phong cách châu Âu, trong khi Mỹ và Trung Quốc hướng đến thị trường nội địa. Đây là những bài học rất đáng quý và đằng sau các doanh nghiệp này có mẫu số chung là sự điều hành nhất quán từ chính phủ cũng như các đơn vị quản lý ngạch". Mới trải qua hành trình hơn 5 năm và bước đầu được nhìn nhận như một ngành công nghiệp, đã đến lúc cần có những định hướng rõ ràng và quyết liệt hơn ở tầm vĩ mô để thúc đẩy và phát huy được những thế mạnh của ngành công nghiệp non trẻ này. Sẽ còn nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề quản lý như thế nào để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của game đối với giới trẻ, nhưng không thể phủ nhận, ngành kinh tế này đã và đang có những đóng góp tích cực đối với sự phát triển chung của ngành CNTT Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Nhìn nhận dưới góc độ kinh tế, trong chương trình tuần này Cuộc sống số đã khái quát những nét cơ bản nhất về tiềm năng và cơ hội của ngành công nghiệp game Online tại thị trường Việt Nam. Người Việt Nam đã có thể chơi game của Việt Nam, nhưng câu trả lời cho câu hỏi: Khi nào sản phẩm game của Việt Nam có thể được phát hành tại thị trường nước bạn xin được dành cho các nhà quản lý và các doanh nghiệp phát hành. Tác giả : Bích Nguyễn

Nguồn VTV: http://www.vtv.vn/article/get/game_duoi_goc_nhin_kinh_te_88fa64e21a.html