Gần 100% xã có đường ô tô đến trung tâm

Đó là kết quả sau 5 năm toàn ngành GTVT thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 về Tam nông. Đường sá thuận lợi góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm để bà con nông dân có thêm thu nhập, đời sống dần được nâng cao.

Đường giao thông nông thôn ở Triệu Sơn, Thanh Hóa

Tạo kết nối liên hoàn

Nghị quyết T.Ư 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đề ra 8 nhiệm vụ và giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết, trong đó, Bộ GTVT được giao nhiệm vụ phát triển GTNT bền vững gắn với mạng lưới giao thông quốc gia, bảo đảm thông suốt bốn mùa tới các xã và cơ bản có đường ô tô đến thôn, bản. Ưu tiên phát triển giao thông ở các vùng khó khăn để có điều kiện phát triển KT-XH nhanh hơn. Quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống đường đến các vùng trung du, miền núi và ven biển để phát triển công nghiệp và đô thị. Từng bước nâng cao chất lượng đường nông thôn đồng thời có cơ chế, chính sách đảm bảo duy tu bảo dưỡng thường xuyên. Cần phát triển giao thông thủy, xây dựng các sông, nạo vét luồng lạch và các phương tiện vận tải sông, biển an toàn.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ GTVT đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết do đồng chí Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng làm trưởng ban. Chương trình triển khai tập trung vào 2 định hướng lớn là kết nối đường trung ương với đường địa phương để tăng khả năng tiếp cận cho vùng nông thôn, phát triển mạng lưới giao thông địa phương để phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Để định hướng cho công tác đầu tư phát triển GTNT, Bộ GTVT đã triển khai xây dựng nhiều chương trình, đề án; Nghiên cứu về công tác quản lý, tổ chức bảo trì theo kế hoạch, từ đó hình thành tổ chức và xây dựng chính sách phát triển hài hòa giữa xây dựng và bảo trì... Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã xây dựng và liên tục cập nhật, điều chỉnh, ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy trình, quy phạm trong lĩnh vực GTNT cho phù hợp với thực tế.

Bộ mặt mới của giao thông nông thôn

Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch - Đầu tư, 5 năm qua, ngành GTVT đã cùng với các địa phương trên cả nước hoàn thành dự án nâng cấp 1.660km đường của 18 tỉnh phía Bắc với tổng mức đầu tư 100 triệu USD. Dự kiến đến năm 2014, ngành GTVT sẽ hoàn thành dự án GTNT3 để cải tạo, nâng cấp khoảng 3.500km và bảo trì khoảng 17.000 đường GTNT.

Các địa phương đã huy động được gần 47.000 tỷ đồng vốn xây dựng GTNT. Trong đó, Trung ương hỗ trợ hơn 12.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 19. 000 tỷ đồng và nhân dân đóng góp gần 10.000 tỷ đồng, các nguồn khác hơn 5.300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chương trình cũng huy động được 165,4 triệu ngày công lao động xây dựng GTNT.

Nhờ đó, đã có hơn 15.000km đường được mở mới, 74.000km đường được sửa chữa, nâng cấp. Đã xây được hơn 7.000 cầu bê tông cốt thép và nhiều cầu liên hợp, cầu sắt, cầu treo, cầu gỗ. Và đặc biệt thay thế được 873 cầu khỉ. Hiện cả nước đã có 9.051/9.200 xã có đường ô tô về trung tâm.

Để khắc phục phần nào những hạn chế trong quản lý và bảo trì mạng lưới GTNT, thông qua Dự án GTNT 2 và 3, Bộ GTVT đã chỉ đạo triển khai xây dựng chiến lược thực hiện. Hỗ trợ các sở GTVT, các huyện, xã thực hiện chương trình đào tạo về duy tu bảo dưỡng đường GTNT, tổ chức trên 600 lớp đào tạo cho hơn 7.000 cán bộ quản lý GTNT cấp xã và trên 500 học viên là cán bộ cấp huyện. Ngoài ra, Bộ GTVT đã thực hiện những nghiên cứu phục vụ chương trình bảo trì GTNT như thử nghiệm mặt đường GTNT nhằm tìm ra loại mặt đường phù hợp với điều kiện từng vùng để tăng tuổi thọ và giảm chi phí bảo dưỡng... Bộ GTVT cũng đã và đang hỗ trợ các tỉnh thực hiện bảo trì đối với Dự án GTNT 3 với tổng kinh phí 32 triệu USD giai đoạn 1 và 12 triệu USD giai đoạn 2 cho các tỉnh thực hiện thí điểm phần mềm quản lý đường bộ Promss.

Tăng khả năng tiếp cận của vùng nông thôn

Kết quả thực hiện giai đoạn 2008 - 2012 tuy có bước phát triển đáng kể, tuy nhiên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư Bộ GTVT Trần Đức Hải cho biết, Bộ GTVT vẫn đánh giá hệ thống hạ tầng GTNT nhìn chung còn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nói chung và phát triển nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Đến nay, nhiều tuyến quốc lộ, đường tỉnh chưa được nâng cấp, nhiều dự án phải đình hoãn, đi lại hết sức khó khăn, không đảm bảo ATGT. Các tuyến quốc lộ chính quy mô nhỏ và đang bị xuống cấp gây ùn tắc và gia tăng TNGT. Các tuyến đường sắt lạc hậu, chưa được nâng cấp. Hệ thống sân bay, cảng biển, nhất là tại các địa phương quy mô nhỏ bé, công nghệ lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu đi lại và hàng hóa thông qua...

Trong báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết TW7, Bộ GTVT đã đề ra nhiều giải pháp triển khai trong thời gian tới, trong đó chú trọng tạo được sự kết nối liên hoàn từ T.Ư đến địa phương, từ thành thị, các trung tâm kinh tế lớn đến nông thôn, đến từng xã, thôn bản, làm tăng khả năng tiếp cận của vùng nông thôn rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi trong chuyển dịch, cơ cấu lại kinh tế nông thôn nhằm thực hiện quá trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Cần phát huy hiệu quả đầu tư cho giao thông nông thôn

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Bộ GTVT đang đề xuất xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, nhà tài trợ và các địa phương trong quản lý, đầu tư phát triển GTNT đảm bảo lồng ghép được nguồn lực từ các chương trình mục tiêu Quốc gia, các loại nguồn vốn để phát huy hiệu quả đầu tư.

Nên tập trung nguồn vốn để một cơ quan chủ trì, hạn chế tình trạng như hiện nay là nguồn vốn đầu tư cho phát triển GTNT rất đa dạng, nhiều bộ, ngành đồng chủ trì dẫn đến quản lý, nắm bắt tình hình rất khó khăn. Đồng thời, đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu sớm có phương án kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý GTNT từ Trung ương đến địa phương

Lâm Anh

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/giao-thong-phat-trien/ha-tang/201308/thuc-hien-nghi-quyet-trung-uong-7-ve-tam-nong-gan-100-xa-co-duong-o-to-den-trung-tam-332269/