Gần 12.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong quý I

Con số này tăng khoảng 6% so với 2011 nhưng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Vũ Đức Đam, việc giải thể này sẽ không tác động lớn tới thất nghiệp do trong số đóng cửa có rất nhiều doanh nghiệp 'ảo'.

GDP quý một tăng thấp nhất trong vòng 3 năm

Phát biểu tại phiên Họp báo thường kỳ của Chính phủ sáng 1/4, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết riêng trong quý I/2012, đã có hơn 2.200 doanh nghiệp làm thủ tục giải thể trong cả nước. Cùng với đó là hơn 9.700 đơn vị đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn và dừng nộp thuế. Con số này tuy vẫn thấp hơn so với con số thành lập mới (15.300 doanh nghiệp) nhưng cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp (4%) cho thấy nền kinh tế đang trải qua một giai đoạn khó khăn, mặc dù các yếu tố vĩ mô đã có dấu hiệu ổn định, khởi sắc.

Tuy vậy, trả lời câu hỏi của VnExpress.net xung quanh tác động của tình trạng này tới vấn đề thất nghiệp và việc làm, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng cần có một đánh giá sâu hơn về các doanh nghiệp đã đóng cửa trong thời gian qua. Cụ thể, trong số gần 12.000 doanh nghiệp, Bộ trưởng cho rằng phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ (trong điều kiện của Việt Nam thường là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ).

Trong số này, theo người phát ngôn của Chính phủ, lại có nhiều đơn vị thời gian qua được đăng ký “ảo”, không hoạt động, không phát sinh doanh thu và cũng có rất ít người lao động. Nay do các chính sách điều tiết vĩ mô, cộng với khó khăn chung, các đơn vị này phải chính thức đóng cửa. “Trong trường hợp như vậy, các doanh nghiệp đóng cửa sẽ không tác động nhiều đến vấn đề lao động, việc làm”, Bộ trưởng nhận định.

Ngoài ra, đại diện Chính phủ cũng cho rằng, Việt Nam đang xây dựng một nền kinh tế thị trường, trong đó, việc các doanh nghiệp phá sản là “hoàn toàn bình thường”. “Số lượng doanh nghiệp, do vậy không quan trọng bằng chất lượng”, ông nói thêm.

Về kinh tế vĩ mô, Chính phủ nhận định tình hình quý I có nhiều khởi khởi sắc khi lạm phát tăng thấp, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng. Thanh khoản ngân hàng được cải thiện góp phần vào việc hạ lãi suất. Xuất khẩu tiếp tục tăng cao trong khi nhập siêu ở mức rất thấp. Việc xuất khẩu hạ nhiệt được đánh giá là tích cực nhưng cũng cho thấy doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là tốc độ phát triển xây dựng cơ bản chậm lại khiến tồn kho sắt, thép tăng cao.

Tuy vậy, tình hình kể từ tháng 3 trở đi, theo Chính phủ đã có nhiều tiến bộ rõ rệt. Trong thời gian tới, khi nguồn vốn cho các dự án xây dựng (trong đó có nhiều dự án đường bằng bê tông), được giải ngân thì các khó khăn nêu trên sẽ dần được tháo gỡ. Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, bên cạnh mục tiêu lạm phát một con số, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay của Việt Nam sẽ được điều hành để đạt mục tiêu 6% mà Quốc hội đã thông qua.

Riêng đối với doanh nghiệp, Bộ trưởng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ, trong đó tập trung vào việc giãn giảm thuế. Theo đánh giá, các biện pháp trước đây mới chỉ tập trung cho các doanh nghiệp có phát sinh lợi nhuận, chưa hỗ trợ trúng đối tượng khó khăn. Chính phủ đang giao Bộ Tài chính nghiên cứu để trình các giải pháp khác và sẽ công bố trong thời gian tới.

Nguồn VietStock: http://vietstock.vn/channelid/768/tin-tuc/226054-gan-12000-doanh-nghiep-giai-the-ngung-hoat-dong-trong-quy-i.aspx