Gần 15 ngàn tỷ đưa trẻ 5 tuổi đến trường

- "Trẻ khó khăn, con em hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 120.000 đồng/tháng để tổ chức bữa ăn trưa tại trường. Mỗi xã ở vùng khó sẽ có một trường mầm non...". Sáng 25/3, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã cho biết những giải pháp kéo trẻ 5 tuổi ra lớp, hướng đến phổ cập vào năm 2015.

Trẻ 5 tuổi vùng khó được hỗ trợ 120.000 đồng/tháng Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, sắp tới Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị để triển khai Đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi này, phấn đấu đến năm 2015 cả nước sẽ đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Trẻ em tất cả các vùng miền đều được đến trường học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục mầm non mới, để chuẩn bị tri thức, kỹ năng, thể lực và tâm thế để vào học tiểu học. Nguồn kinh phí để thực hiện đề án là hơn 14.660 tỷ, trong đó có ngân sách trung ương, huy động từ thu học phí và có một phần hỗ trợ từ nguồn vốn ODA. - Những giải pháp ưu tiên trước mắt Bộ GD-ĐT hướng tới để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, cụ thể thể nào thưa Thứ trưởng? - Đích đạt phổ cập mầm non 5 tuổi là năm 2015, nhưng năm nay bắt đầu triển khai. Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án, trong đó có đề ra các giải pháp. Trước mắt, cần phải tăng cường tuyên truyền phổ biến, mục đích ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi nhằm để nâng cao chất lượng của các cấp học tiếp theo. Và cũng chính là để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cũng có nhiều ý kiến xác định, cấp học giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên đặt nền móng cho việc hình thành trí tuệ, tình cảm, thể chất để cho các cháu bước vào các cấp học tiếp theo. Những kỹ năng trẻ tiếp thu được ở cấp học mầm non sẽ là nền tảng để trẻ học tiếp các cấp học phổ thông. Mặt khác, tăng cường huy động trẻ đến lớp bằng nhiều giải pháp. Ở đây là vai trò trách nhiệm của địa phương phải huy động các tổ chức đoàn thể để nâng trách nhiệm của gia đình tạo điều kiện cho trẻ đến trường. Giải pháp ưu tiên tiếp theo là tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Đầu tư cơ sở vật chất, phòng học đủ cho trẻ 5 tuổi ra lớp. Phấn đấu đến năm 2015 mỗi lớp học phải có một phòng học để các cháu đưọc học 2 buổi/ngày... Những trẻ khó khăn, con em hộ nghèo thì các em sẽ được hỗ trợ 120.000 đồng/tháng để tổ chức bữa ăn trưa tại trường, vừa tạo điều kiện cho các cháu ra lớp với mong muốn: Tất cả trẻ 5 tuổi ở tất cả các vùng miền đều được chuẩn bị tâm thế 1 năm trước khi vào lớp 1 tốt nhất và có chất lượng nhất. Đủ giáo viên dạy phổ cập? - Thưa Thứ trưởng, tình trạng thiếu giáo viên mầm non được đặt ra ở nhiều nơi, đặc biệt là những vùng khó khăn. Kế hoạch của Bộ GD-ĐT giải quyết thực tế này như thế nào để đặt được mục tiêu "phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi" đúng thời hạn và đảm bảo chất lượng? - Tôi cho rằng, lực lượng quyết định thực hiện thành công đề án này phải là đội ngũ giáo viên. Hiện nay, đội ngũ này về bản đủ số lượng nhưng vẫn hạn chế về chất lượng và trình độ đào tạo. Như vậy, trong thời gian tới chúng tôi sẽ đào tạo làm sao đủ giáo viên dạy trẻ 5 tuổi và đảm bảo nâng chất lượng cho đội ngũ này. Bên cạnh đó, chế độ chính sách cho đội ngũ cũng cần có những thay đổi để động viên thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Trong đề án cũng nêu rất rõ, giáo viên trường công thì hưởng chế độ theo quy định về thang bảng lương. Đối với các trường dân lập thì sắp tới Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ sẽ có văn bản hướng dẫn. Trong đề án cũng nêu các trường dân lập thì Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ một phần ngân sách để đảm bảo lương của giáo viên không thấp hơn mức lương tối thiểu. Và phấn đấu giáo viên trường ngoài công lập cũng được nâng lương theo định kỳ. Trường tư thục cũng phải vận dụng và lương giáo viên không thấp hơn lương của giáo viên trường công. - Cũng có nhiều băn khoăn, để nâng chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên cần phải có sự điều chỉnh chính sách đào tạo... - Hiện nay, có rất nhiều cơ sở đào tạo giáo viên mầm non. Ví như ở các địa phương thì có các trường CĐ Sư phạm đã có khoa Giáo dục mầm non. Ở các trường ĐH (Sư phạm Hà Nội, Sư phạm TP.HCM) cũng đào tạo giáo viên mầm non đến trình độ ĐH, thậm chí thạc sĩ... Tuy nhiên, để thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi cũng cần tăng cường hơn nữa năng lực cho các trường sư phạm. Trước hết là phải đào tạo nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ giảng viên ở các trường CĐ, ĐH. Và tăng cường đào tạo giáo viên đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn cho giáo viên mầm non. Mục tiêu phấn đấu là đến năm 2015 có khoảng có ít nhất 50% giáo viên mầm non đạt trình độ CĐ sư phạm. - Bộ GD-ĐT có định hướng thế nào để phát triển hệ thống trường ngoài công lập trong việc nâng chất trong thời gian tới? - Hiện nay, ở một số nơi cũng có một số cơ sở giáo dục mầm non cũng có những bất cập, hạn chế. Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành quy chế về trường ngoài công lập. Như vậy, việc quản lý cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập thuộc trách nhiệm của địa phương. Bộ GD-ĐT sẽ ban hành những văn bản pháp quy, tạo hành lang pháp quy để các cơ sở hoạt động. Việc hướng dẫn, quản lý hoạt động các cơ sở mầm non ngoài công lập theo đúng hướng là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Bộ cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát. Theo tôi, phát triển song song các loại trường cung ứng dịch vụ chất lượng cao cho phụ huynh lựa chọn thì rất tốt. Và trẻ khó khăn, hộ nghèo nếu vào các trường tư thục cũng sẽ được hỗ trợ như trẻ học trường công lập - tạo môi trường bình đẳng. - Qua báo cáo của 3 địa phương Cao Bằng, Kiên Giang và Đắk Nông cho thấy, việc huy động trẻ ra lớp ở những địa phương này còn rất nhiều khó khăn. Khi triển khai đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi Bộ có lường được những rào cản? - Phải nói là phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi ở vùng thuận như thành phố, thị xã thì không có vấn đề. Bởi tỷ lệ trẻ 5 tuổi đến trường ở những đơn vị này đạt cao rồi và đã duy trì học 2 buổi/ngày ở nhiều nơi. Nhưng cái khó nhất mà Bộ xác định và là rào cản lớn nhất vẫn là các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Vì ở đó thiếu trường, lớp để huy động trẻ ra lớp. Số trẻ em nghèo chiếm nhiều... Một trong những giải pháp Bộ GD-ĐT đã làm là xây dựng trường lớp cho nhưng nơi đặc biệt khó khăn. Sắp tới cũng ưu tiên theo hướng đó để ít nhất mỗi xã phải có một trường mầm non ở vùng trung tâm và quan tâm đến những điểm lẻ, tạo điều kiện tối đa cho trẻ 5 tuổi ra lớp học 2 buổi/ngày theo chương trình Giáo dục mầm non mới. - Cảm ơn Thứ trưởng! Kiều Oanh (thực hiện)

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/giaoduc/201003/Gan-15-ty-dua-tre-5-tuoi-den-truong-900748/