Gần 2.500 xe vi phạm tải trọng

Đây là kết quả của thanh tra các Sở Giao thông Vận tải (GTVT) và công chức thanh tra các Cục Quản lý đường bộ thực hiện trong tháng 8, vừa được Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết.

Một xe quá tải bị lực lượng Thanh tra Giao thông kiểm tra, xử lý tại Thanh Hóa. Ảnh: O.H

Các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, cố định và thanh tra các Sở GTVT sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra 23.115 xe, trong đó có 2.394 xe vi phạm (chiếm tỉ lệ 10,3%), tước 853 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc Nhà nước 23,9 tỷ đồng.

Trong khi đó, lực lượng công chức thanh tra các Cục Quản lý đường bộ đã tiến hành kiểm tra 100 xe, trong đó có 96 xe vi phạm (chiếm tỉ lệ 96%), tước 48 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc Nhà nước 2,25 tỷ đồng.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá, trong tháng 8 năm 2017, lực lượng tThanh tra giao thông đã khắc phục các khó khăn ngoài việc tập trung thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, vẫn tiếp tục duy trì công tác kiểm soát tải trọng xe, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.

Đồng thời, tiếp tục duy trì hoạt động của trạm cân lưu động, cố định, kết hợp cân xách tay, tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát tải trọng xe, đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần ngăn chặn tình trạng xe quá tải tái diễn.

Do lực lượng thanh tra giao thông còn mỏng, các trạm cân lưu động của các địa phương và thanh tra các Sở GTVT vẫn chỉ hoạt động trên đường địa phương và quốc lộ ủy thác; đồng thời, một số địa phương vào cuộc chưa mạnh mẽ nên vẫn còn xe có kích thước thùng hàng vượt quá quy định, chở hàng quá tải lưu thông trên các tuyến đường, tình trạng xe chở hàng quá tải đường dài lưu thông trên quốc lộ 1, đặc biệt vào ban đêm...

Tổng cục Đường bộ chỉ rõ, vẫn còn tình trạng xe cơi nới kích thước thành thùng, chở hàng quá tải, lưu thông trên địa bàn một số địa phương, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường như: xe chở đất, đá, vật liệu xây dựng quá tải lưu thông trên ĐT.508 (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa); xe tải, xe ben chở cát, chở ngô quá tải lưu thông trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua huyện Tân Kỳ, thị xã Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An); xe ben chở cát quá tải từ huyện Lệ Thủy, lưu thông trên quốc lộ 1 ra cảng Thắng Lợi, địa bàn huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình; các xe có kích thước thùng hàng vượt quá quy định tại Đà Nẵng; các xe đầu kéo kéo sơmi rơ moóc hết hạn đăng kiểm, chở hàng quá tải lưu thông trên địa bàn TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang...

Từ khi kết thúc Kế hoạch 12593, đã có hàng loạt trạm cân lưu động tạm dừng hoạt động. Đến nay trên cả nước vẫn còn 8 trạm cân lưu động chưa đưa vào hoạt động tại các tỉnh: Sơn La, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau.

Hữu Oanh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/gan-2500-xe-vi-pham-tai-trong_t114c1059n124257