Gần 20% cơ sở bán thức ăn đường phố ở Hà Nội không an toàn

Tại Hà Nội hiện có trên 5.200 cơ sở bán thức ăn đường phố. Qua kiểm tra, khoảng 20% số cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc rất lớn.

Kiểm tra VSATTP tại một cơ sở dịch vụ ăn uống đường phố ở Hà Nội

Kiểm tra VSATTP tại một cơ sở dịch vụ ăn uống đường phố ở Hà Nội

Đáng chú ý, việc xử phạt các cơ sở này rất khó khăn, có quận kiểm tra đến 200 cơ sở nhưng không xử phạt được cơ sở nào... Đây là thông tin tại Hội thảo về quản lý dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố do Sở Y tế Hà Nội phối hợp cùng Báo Kinh tế Đô thị tổ chức chiều 20-9.

Nhìn đã thấy mất an toàn nhưng vẫn… chật cứng

TS Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Ngộ độc thực phẩm, Cục trưởng Cục ATTP - Bộ Y tế cho biết, dịch vụ kinh doanh thức ăn đường phố không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nước trên thế giới cũng rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại là quản lý ATTP tại các cơ sở này không hề dễ dàng. Theo thống kê của Cục ATTP, năm 2016, trong số các vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận trên toàn quốc thì 3,2 - 5,7% tổng số vụ là do thức ăn đường phố, nhiều nơi xảy ra đến 2 - 3 vụ ngộ độc thực phẩm trên cùng một địa bàn.

“Điều đáng cảnh báo nữa là bộ phận rất lớn người dân vẫn có thói quen dễ dãi khi lựa chọn các cơ sở thức ăn đường phố. Thậm chí chúng tôi từng kiểm tra một quán phở ở phường Văn Miếu (quận Đống Đa, Hà Nội), chỉ nhìn bằng mắt thường, cảm quan đã thấy mất ATVSTP nhưng khách ăn uống vẫn chật cứng. Rất nhiều cơ sở chỉ hoạt động ngoài giờ hành chính nên lực lượng chức năng cũng bó tay” - ông Lâm Quốc Hùng phân tích.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) - một phường có số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố rất lớn - thừa nhận, dù chính quyền địa phương rất quan tâm song vấn đề bảo đảm VSATTP ở các cơ sở thức ăn đường phố hoàn toàn phụ thuộc vào… ý thức và lương tâm của người bán hàng.

“Chúng tôi xác định rằng, cách hay nhất và có tính khả thi cao nhất là tuyên truyền, vận động người bán hàng tự giác tuân thủ chặt chẽ các quy trình bảo đảm VSATTP từ khâu lựa chọn, chuẩn bị nguyên liệu đến quá trình chế biến và bày bán trên phố sao cho hợp vệ sinh, góp phần giữ gìn sức khỏe khách hàng” - ông Nguyễn Quyết Thắng chia sẻ.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, hiện toàn thành phố có trên 5.200 cơ sở thức ăn đường phố, trên 26.600 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Qua kiểm tra, giám sát, có hơn 80% cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đạt điều kiện về cơ sở vật chất và đảm bảo các tiêu chí ATTP, khoảng gần 20% số cơ sở chưa đạt. Vi phạm chủ yếu tại các cơ sở này là điều kiện vệ sinh không đảm bảo, chậm thay thế trang thiết bị dụng cụ cũ hỏng, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa kể đến việc lấn chiếm lòng đường vỉa hè, gây mất mỹ quan đô thị…

Còn tình trạng nể nang trong xử lý

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, quản lý ATTP đối với dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố là nội dung trọng tâm trong công tác ATTP của TP Hà Nội trong suốt những năm qua, nhờ đó đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, 99% cơ sở thức ăn đường phố ở Hà Nội đã ký cam kết đảm bảo ATTP.

Dù vậy, gần 20% cơ sở thức ăn đường phố chưa đạt ATTP vẫn là con số gây trăn trở rất lớn. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nêu rõ, có nhiều chủ cơ sở vì lợi nhuận mà thiếu trách nhiệm với sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, chính quyền cơ sở ở nhiều nơi chưa quyết liệt xử lý vi phạm.

Chia sẻ rõ hơn về vấn đề này, từ thực tiễn kiểm tra ATVSTP, ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết, qua giám sát và kiểm tra cho thấy, các quận huyện, xã phường đều ra quân kiểm tra rất tích cực. “Thế nhưng, có những quận, phường đã ra quân kiểm tra đến 200 cơ sở, phát hiện tới 40% số cơ sở vi phạm, song không xử phạt được cơ sở nào. Lý do được đưa ra là các cơ sở thức ăn đường phố chủ yếu là cơ sở nhỏ, tạm bợ, rồi tâm lý ở địa phương còn có sự thân quen, nể nang” - ông Trần Ngọc Tụ nêu.

Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết thêm, khó khăn nữa trong kiểm tra ATTP với các cơ sở thức ăn đường phố là nhiều cơ sở thường xuyên lưu động và đặc biệt ở các khu vực ven đô, khu có đông người lao động thuê trọ, khu có nhiều công trình xây dựng dở dang... thường có nhiều quán ăn bình dân không đảm bảo VSATTP.

Hiện tại, UBND TP Hà Nội đã có quy định giao trách nhiệm cụ thể cho chính quyền các địa phương trong công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn, trong đó Chủ tịch UBND phường phải trực tiếp đi kiểm tra ATTP ít nhất 1 tuần 1 lần, Phó Chủ tịch UBND phường phải trực tiếp đi kiểm tra 2 lần 1 tuần…

Tuy vậy, từ thực tiễn ở cơ sở, ông Nguyễn Đức Viên, Trưởng phòng Y tế quận Cầu Giấy cho rằng, hiện vẫn còn tình trạng phần lớn các phường giao nhiệm vụ đảm bảo ATTP cho Trạm Y tế phường nên dễ dẫn tới quá tải.

Mặt khác, thực tế có không ít cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống quy mô nhỏ như quán trà sữa, cháo dinh dưỡng nhưng đứng tên công ty và do thành phố cấp giấy chứng nhận kinh doanh nên ở cấp xã phường, quận huyện khó vào kiểm tra kịp thời. Do vậy, Trưởng phòng Y tế quận Cầu Giấy kiến nghị thành phố cần hướng dẫn phân cấp quản lý về ATTP triệt để hơn nữa.

Nguyễn Phan

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/gan-20-co-so-ban-thuc-an-duong-pho-o-ha-noi-khong-an-toan/742068.antd