Gần 3.000 học sinh tham gia

Đại diện hơn 20 trường ĐH, CĐ, TCCN đã giải đáp cặn kẽ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của học sinh muốn tìm hiểu thông tin cho mùa thi sắp tới

Từ 7 giờ ngày 28-2, cổng Trường THPT Marie Curie (TPHCM) đã nhộn nhịp bởi sự có mặt của hàng ngàn học sinh từ các Trường THPT Marie Curie, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Diệu, Trưng Vương, Lê Quý Đôn... háo hức bước vào sân trường – nơi sẽ diễn ra buổi tư vấn tuyển sinh đầu tiên của chương trình “Đưa trường học đến thí sinh năm 2010”. Đại diện hơn 20 trường ĐH, CĐ, TCCN cũng sẵn sàng cho buổi tư vấn tuyển sinh bằng việc trao cho học sinh tờ rơi giới thiệu các ngành nghề. PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Trưởng Ban Đào tạo ĐH và sau ĐH - ĐH Quốc gia TPHCM, giải đáp những thắc mắc của học sinh. Ảnh: N.HỮU Chọn ngành phù hợp sở trường Đúng 7 giờ 30 phút, sau khi MC quen thuộc Trà My tuyên bố chương trình bắt đầu, cả sân trường im lặng nghe TS Nguyễn Kim Quang, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, giới thiệu những nét mới của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010. TS Nguyễn Kim Quang lưu ý, lệ phí nộp hồ sơ, lệ phí dự thi năm nay tăng hơn so với năm ngoái 10.000 đồng mỗi loại. Dù không hạn chế số lượng hồ sơ nhưng mỗi đợt thi, thí sinh chỉ được chọn một trường và một ngành dự thi, do đó thí sinh cần cân nhắc, chọn lựa kỹ, tránh nộp nhiều hồ sơ vừa tốn kém vừa gây tâm lý băn khoăn, lo lắng. Ngoài ra, thí sinh cũng cần bình tĩnh xem xét ngành học có phù hợp với sở trường của mình không, nếu chọn được trường thì phải tìm hiểu thêm cơ sở vật chất, kết quả đào tạo, cơ hội việc làm ra sao để có một quyết định thật chính xác. “Các em cần đầu tư nhiều hơn vào môn thi ở khối thi mình đã chọn. Nếu quyết tâm cao, các em sẽ nhận được kết quả xứng đáng với công sức học tập của mình”- TS Nguyễn Kim Quang nhấn mạnh. Học sinh Nguyễn Lâm Hưng, Trường Marie Curie, đặt một câu hỏi khó cho ban tư vấn: “Cho em hỏi vì sao Trường ĐH Kinh tế TPHCM chỉ thi khối A? Giữa Trường ĐH Kinh tế TPHCM và Khoa Kinh tế - ĐH Quốc gia TPHCM nơi nào đào tạo tốt hơn?”. Thạc sĩ Trần Duy Can, Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cho biết: Trường ĐH Kinh tế TPHCM chỉ thi khối A, không thi các khối khác. Chỉ khi nào có sự điều chỉnh từ thi tuyển sang xét tuyển, trường sẽ bổ sung các yêu cầu về ngoại ngữ, kiến thức xã hội. Trường ĐH Kinh tế TPHCM chỉ lấy một điểm chuẩn duy nhất vào tất cả các ngành, còn Khoa Kinh tế - ĐH Quốc gia TPHCM lấy điểm chuẩn theo từng ngành học. Các trường hiện nay đào tạo theo chương trình khung của Bộ GD-ĐT khoảng 70%, còn lại 30% là tùy thuộc thế mạnh của mỗi trường... “Nóng” ngành du lịch Trong buổi tư vấn, có rất nhiều câu hỏi quan tâm đến ngành quản trị du lịch, nhà hàng - khách sạn và theo các chuyên gia tư vấn, có rất nhiều cơ hội việc làm nếu thí sinh chọn ngành học này. Một học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đặt câu hỏi: “Tại ĐH Quốc gia TPHCM, trường nào đào tạo ngành du lịch?”. PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Trưởng Ban Đào tạo ĐH và sau ĐH - ĐH Quốc gia TPHCM, giải đáp: Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM vừa mở ngành du lịch, thi tuyển khối C, D1 với chỉ tiêu 90. Đây là ngành học có nhiều ưu thế vì trước đây đã có truyền thống đào tạo từ ngành địa lý, năm nay là năm đầu tiên được tổ chức đào tạo thành một ngành độc lập. Em Nguyễn Thanh Mai, Trường THPT Marie Curie, cũng quan tâm đến cơ hội việc làm sau khi học xong ngành quản trị nhà hàng - khách sạn. Đại diện Trường CĐ Nguyễn Tất Thành cho biết đây là một ngành học được coi là “hot”, nếu có trình độ tiếng Anh và khả năng giao tiếp, học sinh có thể chọn ngành học này. Cơ hội việc làm ngành học này rất cao, sinh viên tốt nghiệp có thể làm ở các resort, nhà hàng, khách sạn... Thạc sĩ Hà Thị Thanh Thanh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Tin học Kinh tế Sài Gòn, cho rằng hiện ngành kế toán và ngành khách sạn, nhà hàng là hai ngành sinh viên chưa tốt nghiệp đã có nhiều đơn vị đến liên hệ nhận việc. Học sinh đặt câu hỏi tại chương trình “Đưa trường học đến thí sinh 2010” do Báo NLĐ tổ chức ngày 28-2 tại Trường THPT Marie Curie (TPHCM) Quan tâm ngành “lạ” Rất nhiều học sinh quan tâm đến những ngành học “lạ”. Một học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai hỏi: “Hacker (tin tặc) mũ trắng trường nào đào tạo?”. Ông Lê Đức Duyên, Trưởng Phòng Tuyển sinh Trường ĐH FPT, cho rằng đây là một phần trong chương trình đào tạo về công nghệ thông tin, học sinh có thể theo học khóa ngắn hạn để được cấp chứng chỉ về lĩnh vực này. Tuy nhiên, học sinh nên học nhiều lĩnh vực khác nữa vì nếu chỉ tập trung vào một lĩnh vực thì cơ hội việc làm sẽ hạn chế hơn. Một học sinh Trường THPT Marie Curie hỏi: “Hiện nay đa số các trường tuyển khối D1, nhưng em học tiếng Pháp, vậy em có thể thi vào ngành nào? Em thích ngành hàng không thì thi vào trường nào?”. PTS-TS Nguyễn Hội Nghĩa thừa nhận hiện đa số các trường tuyển khối D1, nếu giỏi tiếng Pháp, thí sinh có thể thi vào ngành ngữ văn Pháp, ngữ văn Tây Ban Nha của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM. Tại ĐH Bách khoa hiện có ngành kỹ thuật hàng không với nhiều giảng viên trẻ được đào tạo từ nước ngoài, cơ sở vật chất mới được nâng cấp... Hàng trăm câu hỏi của học sinh liên tục được chuyển lên cho ban tư vấn. Tuy nhiên, với thời gian 1 giờ rưỡi tư vấn trực tiếp tại sân trường, ban tư vấn không thể giải đáp hết thắc mắc của học sinh. Do đó, ban tổ chức đã bố trí các phòng tư vấn riêng để học sinh được đại diện các trường tư vấn sâu hơn, cụ thể hơn. Đến 11 giờ, theo quan sát của chúng tôi, tại các phòng tư vấn vẫn đông nghẹt học sinh. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie: Đáp ứng mong mỏi của học sinh Trước mỗi mùa tuyển sinh ĐH, CĐ, nhu cầu tìm hiểu thông tin của học sinh rất lớn. Năm nay, chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” của Báo Người Lao Động tổ chức tại Trường THPT Marie Curie đã đáp ứng đúng nhu cầu, mong mỏi của các em, giúp các em có điều kiện tiếp cận được với các trường để hiểu hơn về trường, ngành mà các em mong muốn theo học. Hơn 20 trường từ ĐH đến TCCN, từ trường công, trường tư đã đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các em, điều này thể hiện ở chỗ sau khi kết thúc phần tư vấn chung, rất nhiều học sinh đã đến phòng riêng của các trường ĐH, CĐ để được tư vấn thêm, sâu hơn. Tôi đánh giá chương trình đã rất thành công và mong muốn năm sau chương trình tiếp tục được tổ chức tại trường và có thêm nhiều trường ĐH, CĐ tham gia hơn nữa. Học sinh Bảo Trân, lớp 12 Trường THPT Marie Curie: Tiếp thêm niềm đam mê Gia đình thích em vào ngành sư phạm nhưng em lại thích ngành điều dưỡng hơn. Rất may, trong chương trình tư vấn này em có dịp tiếp xúc với hai trường có ngành điều dưỡng. Được các thầy cô tư vấn, em đã hiểu hơn về ngành này, từ đặc trưng nghề nghiệp cho đến cơ hội việc làm sau khi ra trường... điều đó đã tiếp thêm niềm đam mê và cho em thêm quyết tâm. Học sinh Trương Thiên Thanh, Trường THPT Marie Curie: Giúp em giải tỏa băn khoăn Mong muốn của em là sẽ thi vào ngành ngoại thương hoặc làm tiếp viên hàng không. Riêng ngành ngoại thương, trước khi đến để được tư vấn, em băn khoăn không biết mình nên thi vào Trường ĐH Ngoại thương hay là thi vào một trường khác có ngành ngoại thương như Trường ĐH Hoa Sen. Qua chương trình, em được các thầy cô tư vấn, giải tỏa những băn khoăn và giờ thì em đã quyết định được mình sẽ nộp đơn thi vào trường nào rồi. Xin cảm ơn các thầy cô trong ban tư vấn.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20100228102114306p0c1017/gan-3000-hoc-sinh-tham-gia.htm