Gần 500 bác sĩ, cán bộ y tế đăng ký hiến mô tạng sau khi chết

Ngày 25.8, gần 500 bác sĩ, cán bộ của Viện Huyết học truyền máu TƯ đã đăng ký hiến mô tạng sau khi chết, chết não.

Trao thẻ ghi nhận hiến mô tạng sau khi chết, chết não cho các BS (Ảnh: Thùy Linh)

Đây là một sự kiện đánh dấu sự thay đổi tích cực về nhận thức của cán bộ, nhân viên y tế về hiến mô tạng.

Tại buổi lễ trao thẻ ghi nhận, GS.TS Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - cho biết: “Trong khi ngành ghép tạng đang cực kỳ khan hiếm nguồn cung như hiện nay thì con số 465 người đăng ký hiến tạng ngày hôm nay, trong đó hầu hết là đăng ký hiến đa tạng, thực sự có giá trị trong việc cổ vũ, động viên cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế và mọi người dân tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng để cứu chữa người bệnh và phục vụ nghiên cứu khoa học".

Thực trạng hiện nay, ngành ghép tạng nước ta đang khan hiếm nguồn cung, số người đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi qua đời còn rất ít ỏi. Tính đến ngày 23.7.2017, tổng người đăng ký hiến tạng sau khi qua đời trên cả nước là 7.400 người.

Theo GS.TS Trịnh Hồng Sơn, một khó khăn nữa mà Việt Nam đang phải đối mặt là thiếu hệ thống tư vấn, đăng ký hiến tặng mô, tạng tại các bệnh viện ghép tạng, cơ sở y tế trong cả nước.

Cho đến thời điểm hiện tại, ngoài Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, trên cả nước mới chỉ có 1 cơ sở y tế là Bệnh viện Chợ Rẫy tại TPHCM có hệ thống truyền thông, tư vấn, đăng ký hiến tạng. Thực trạng này đã hạn chế quyền được đăng ký hiến tặng mô, tạng của công dân cũng như hiệu quả công tác truyền thông, vận động người dân đăng ký hiến tạng sau khi qua đời trên cả nước thời gian qua.

Tại buổi lễ, GS.TS Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu TƯ - cho biết: “Tôi và nhiều cán bộ công nhân viên của Viện đã đăng ký hiến mô tạng sau khi chết, não chúng tôi nhận thức được ý nghĩa của hành động này.

Tôi nghĩ rằng, việc đăng ký hiến mô tạng chỉ là mặt thủ tục hành chính, vấn đề là chúng ta phải nói với bố mẹ, chồng con và những người trong gia đình của mình để sau này, khi chúng ta không may chết, chết não, gia đình sẽ không phản đối việc hiến tạng để cứu người khác. Việc đó vừa dể vừa thông báo cho gia đình, vừa góp phần thay đổi nhận thức của mọi người trong gia đình về việc hiến tạng cứu người. Vì đây là một việc làm vô cùng ý nghĩa”.

Thùy Linh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/suc-khoe/gan-500-bac-si-can-bo-y-te-dang-ky-hien-mo-tang-sau-khi-chet-551295.ldo