Gần 500 thầy thuốc Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đăng ký hiến tạng

Chiều 25-8, tại Hà Nội, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia và Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã phát động và trao thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng vì mục đích cứu người nhân đạo trong đội ngũ công chức, viên chức của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương.

Sau gần hai tuần tổ chức phát động, đến nay đã có gần 465 công chức, viên chức của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương hưởng ứng phong trào và đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não.

GS, TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương trao thẻ đăng ký hiến tạng của cán bộ, nhân viên Viện cho GS, TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia.

Phát biểu tại buổi lễ, GS, TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, hiện nay số người đăng ký hiến tặng mô, tạng ở nước ta sau khi qua đời vẫn còn rất ít, vì vậy ngành ghép tạng nước ta hiện nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do khan hiếm nguồn tạng. Bên cạnh đó, công tác vận động hiến mô, tạng còn gặp nhiều khó khăn vì thiếu hệ thống tư vấn, đăng ký hiến tặng mô, tạng tại các bệnh viện ghép tạng, cơ sở y tế trong cả nước.

Cho đến thời điểm hiện tại, ngoài Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, trên cả nước mới chỉ có một cơ sở y tế là Bệnh viện Chợ Rẫy tại TP Hồ Chí Minh có hệ thống truyền thông, tư vấn, đăng ký hiến tạng. Thực trạng này đã hạn chế quyền được đăng ký hiến tặng mô, tạng của công dân cũng như hiệu quả công tác truyền thông, vận động người dân đăng ký hiến tạng sau khi qua đời trên cả nước thời gian qua. Tính đến ngày 23-7-2017, tổng số người đăng ký hiến tạng sau khi qua đời trên cả nước là 7.400 người.

Ông Trần Quốc Hùng, Phó chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao thẻ hiến tạng cho các thầy thuốc, cán bộ của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.

GS, TS Trịnh Hồng Sơn cũng cho biết, 465 thầy thuốc, cán bộ, nhân viên y tế Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đăng ký hiến tạng hôm nay có ý nghĩa trong việc cổ vũ, động viên cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế và mọi người dân tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng để cứu chữa người bệnh và phục vụ nghiên cứu khoa học. Tôi tin rằng, ba năm nữa, phong trào hiến tạng tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh hơn. Lúc đó, những người suy thận, ung thư phổi, đặc biệt người suy gan giai đoạn cuối có cơ hội được cứu sống. Một người hiến tạng, sẽ cứu được 10 người khác”, GS, TS Trịnh Hồng Sơn nhấn mạnh.

GS, TS Trịnh Hồng Sơn cũng hy vọng, thông qua buổi lễ sẽ góp phần truyền thông rộng rãi, kêu gọi cộng đồng xã hội, đặc biệt là các cán bộ, nhân viên ngành y tế cùng quan tâm, tìm hiểu và hưởng ứng phong trào đăng ký hiến đăng ký hiến tặng mô, tạng từ đó nhân rộng ra các cơ sở y tế, các tầng lớp nhân dân trong cả nước, từ đó góp phần hình thành nên một dòng chảy văn hóa thấm đẫm tình người, hành trình tận hiến: Cho đi là mãi mãi.

Còn theo GS, TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, vận động hiến tạng là cuộc cách mạng về nhận thức vì thế vận động thay đổi nhận thức của người dân về hiến mô, tạng không hề đơn giản. Vì vậy muốn phong trào hiến tạng lớn mạnh và phát triển cần đẩy mạnh công tác truyền thông. Cần phải truyền thông để toàn xã hội hiểu: Hiến tạng là một hành động vô cùng nhân đạo. Chúng ta phải vận động từng cán bộ, nhân viên thuộc các cơ quan Nhà nước tham gia hiến, ghép mô tạng. Trước tiên chúng ta nên vận động cán bộ, nhân viên ngành y tế tham gia. GS, TS Nguyễn Anh Trí hy vọng, trong tương lai, công tác vận động hiến mô, tạng sẽ phát triển và cũng sẽ nhận được sự ủng hộ lớn của cộng đồng như hiến máu.

Phát biểu khi nhận thẻ, Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Quang Hưng, Phó trưởng Khoa Điều trị hóa chất, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết, tại Việt Nam hiện có rất nhiều những bệnh nhân bị các bệnh mãn tính, những bệnh nhân suy thận mạn, những bệnh nhân suy tim, xơ gan, những bệnh nhân bị mù... đã điều trị bằng các biện pháp nhưng không mang lại hiệu quả, sức khỏe người bệnh ngày càng suy giảm và chờ chết hoặc mù vĩnh viễn mà chỉ có duy nhất biện pháp ghép mô, tạng mới có hy vọng cứu sống người bệnh. Vì vậy, chúng ta hãy tham gia hiến mô tạng khi chết não để cứu sống những người bị bệnh hiểm nghèo đang hằng ngày hằng giờ phải đối diện với tử thần.

Tin, ảnh: VƯƠNG THÚY

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/gan-500-thay-thuoc-vien-huyet-hoc-truyen-mau-trung-uong-dang-ky-hien-tang-516068