Gần 74% trẻ từ 2-14 tuổi bị trừng phạt bằng bạo lực

Đây là số liệu được đưa ra tại Hội thảo khởi động Dự án Chấm dứt bạo lực đối với trẻ em (EVAC) tại Hà Nội ngày 6/1.

Gần 74% trẻ em từ 2-14 tuổi bị trừng phạt bằng bạo lực

Ảnh minh họa. Nguồn World Vision Viet Nam.

Chia sẻ về thực trạng bạo lực trẻ em tại Việt Nam, bà Thân Thị Hà, Giám đốc điều hành các chương trình của Tâm nhìn thế giới Việt Nam (TNTGVN) cho biết, có đến 3.000 - 4.000 vụ bạo lực trẻ em hàng năm, trong đó phát hiện khoảng 100 trẻ bị giết hại và 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục.

Bà Hà cũng cho biết, có khoảng 5.600 vụ lạm dụng tình dục trẻ bị phát hiện từ 2006 đến 2011. 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em trên cả nước từ 2011 đến 2015. Độ tuổi trung bình của trẻ em bị xâm hại tình dục là 9 tuổi.

Đáng chú ý, gần 74% trẻ em từ 2-14 tuổi bị cha mẹ/người chăm sóc hay những người khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực; gần 24% số phụ nữ đã lập gia đình và có con dưới 15 tuổi cho biết chồng của họ đã có hành vi bạo lực đối với con cái.

Qua đó, bà Thân Thị Hà nhận định: "Bạo lực trẻ em có rất nhiều hình thức. Việc bảo vệ trẻ em không chỉ là ngăn chặn bạo lực mà còn phải nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển sinh kế và phòng chống thiên tai".

Dự án Chấm dứt bạo lực đối với trẻ em (EVAC)

Trẻ em tại Yên Bái và Điện Biên được hưởng Dự án chấm dứt bạo lực của TNTGVN thực hiện trong thời gian 4 năm (2016 – 2020) với mục tiêu giúp thanh thiếu niên ở 17 xã thuộc 4 huyện của hai tỉnh Yên Bái và Điện Biên tự bảo vệ mình trước các nguy cơ bạo lực.

Lý do Dự án lựa chọn Yên Bái và Điện Biên thực hiện vì đây là hai tỉnh cũng đang nhận được sự hỗ trợ các chương trình phát triển vùng nhằm cải thiện an sinh trẻ em. Cùng với đó, đây là hai tỉnh có báo cáo về các vụ xâm hại, bạo hành trẻ em ngày một gia tăng, những thông tin về trẻ mất tích, nạn mua bán người được phản ánh tại hai tỉnh Yên Bái và Điện Biên.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Nhị Xuân.

Dự án quan trọng này của TNTGVN nhắm đến việc tạo môi trường cho thanh thiếu niên dễ bị tổn thương (trong độ tuổi 12-24) được chăm sóc và bảo vệ khỏi nạn mua bán người, bị xâm hại, xao nhãng, bóc lột và những hình thức bạo lực khác thông qua sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng.

Tại Hội thảo khởi động dự án, bà Trần Thu Huyền, Trưởng Đại diện TNTGVN nhận định bảo vệ trẻ em - một vấn đến xã hội hết sức khó khăn, là nhiệm vụ mà không một tổ chức hay cá nhân nào có thể đơn phương giải quyết. "Đây không phải lần đầu tiên chúng ta bắt tay hợp tác, TNTGVN đã có nhiều cơ hội làm việc với các sở, phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh, huyện, thậm chí đến cấp xã, các tổ chức quốc tế như UNICEF, PLAN International, cũng như các quốc gia trong khu vực", bà Trần Thu Huyền nói.

"Mục tiêu của tất cả chúng ta là tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của trẻ em, ngăn chặn và đẩy lùi những rủi ro dẫn đến sự xâm hại đối với trẻ em, tạo môi trường an toàn để chăm sóc và bảo vệ trẻ em".

Để đối phó thành công với các vấn đề bạo lực phức tạp đang nổi lên đối với trẻ em hiện nay như tảo hôn, bóc lột lao động, buôn bán, bạo hành..., bà Trần Thu Huyền cho rằng tiêu chí quan trọng là thay đổi về tư duy và văn hóa, cũng chính là các rào cản lớn nhất trong hoạt động phát triển nói chung, và phòng chống bạo lực đối với trẻ em nói riêng.

Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Nhị Xuân.

Ông Dương Ngọc Khánh, Quản lý Dự án, nhấn mạnh, các kết quả mong muốn về thay đổi thái độ, hành vi của trẻ em và thanh thiếu niên để tự bảo vệ; tiếp cận dịch vụ phù hợp cho gia đình và người chăm sóc trẻ; xây dựng cộng đồng vững mạnh và làm việc cùng nhau để tạo môi trường an toàn, bảo vệ trẻ; giảm thiểu các rào cản nhằm giải quyết bạo lực trẻ em, bao gồm cả mua bán người.

Dự án sẽ đi vào các hoạt động nâng cao năng lực, trang bị kiến thức, đào tạo nghề và khởi nghiệp, hỗ trợ pháp lý, đối thoại, truyền thông..., trong đó ưu tiên các trẻ em và gia đình dễ bị tổn thương nhất.

Trao đổi tại hội thảo, bà Phạm Mai Hiên, Phó trưởng phòng Phòng 9, Cục Tham mưu cảnh sát, Tổng cục Cảnh sát, bộ Công an, đánh giá cao việc dự án tập trung vào các hoạt động cụ thể và hướng về cơ sở, phù hợp với quyết tâm của Chính phủ trong các chính sách phòng chống mua bán người, trong đó có phòng chống mua bán trẻ em.

Tổng kinh phí dự kiến của dự án là 1,56 triệu USD do Tầm nhìn Thế giới Mỹ tài trợ.

World Vision bắt đầu hoạt động cứu trợ khẩn cấp ở Việt Nam năm 1988 và mở văn phòng đại diện tại Hà Nội năm 1990. Tới nay, World Vision đã hỗ trợ nhiều địa phương thực hiện các chương trình cứu trợ, phát triển và vận động chính sách thông qua mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ và người dân cộng đồng. World Vision hiện đang triển khai dự án phát triển dài hạn tại 39 huyện thuộc 14 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hàng năm, khoảng 3 triệu trẻ em được hưởng lợi từ các chương trình của World Vision tại Việt Nam.

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/gan-74-tre-tu-214-tuoi-bi-trung-phat-bang-bao-luc-224987.html