Gần chục năm thuê đường vào... nhà mình

Chuyện thực như đùa tồn tại gần chục năm nay: 61 hộ dân sống giữa Hà Nội nhưng không có lối ra, buộc phải "thuê đường" để ra ngoài...

Đã gần chục năm nay, 61 căn hộ cao tầng phải chịu cảnh không có đường ra phố. Để đi lại được, họ phải yêu cầu chủ đầu tư thuê 4,5 m ngõ làm lối đi lại. Và từ đó, rất nhiều chuyện dở khóc dở cười đã nảy sinh xung quanh 61 ngôi nhà thuộc khu vực Hồ Ba Mẫu (quận Đống Đa, Hà Nội) này. 5,5 triệu đồng cho 4,5m ngõ Từ gần chục năm nay, 61 hộ dân tại các khu vực A, B, C, D Hồ Ba Mẫu rất bức xúc vì nhà thì đã bàn giao mà đường theo cam kết vẫn chưa có. Một người dân ở đây cho biết: "Theo sơ đồ ban đầu, chúng tôi sẽ có một con đường giữa dãy nhà B và dãy nhà C cho cả khu 61 căn hộ đi ra vành đai hồ. Tuy nhiên, đang làm dở thì dự án cải tạo hồ Ba Mẫu bỗng dưng bị treo làm con đường trên cũng chỉ còn nằm trên giấy”. Đây là con đường lớn duy nhất để cư dân khu vực này có thể thông ra bên ngoài. Mặc dù xung quanh đó có rất nhiều ngõ nhỏ nhưng chỉ cần 2 xe máy đi ngược chiều là tắc cứng. Phần lớn dân cư sống trong khu vực này lại đều có ôtô nên việc đi lại hết sức khó khăn. Phần đất dành cho việc mở đường hiện đã bị bít kín bởi một bức tường loang lổ. Khu đất phía trước, nhà dân đã phình ra chiếm quá nửa lối đi. Thậm chí, nó còn được trưng dụng làm bãi đậu xe miễn phí. Để giải tỏa, tạo đường đi tạm cho dân cư, chủ đầu tư là Công ty cổ phần xây dựng và phát triển công trình hạ tầng đã phải bỏ tiền thuê đất làm ngõ thông ra phía đường Lê Duẩn, dài chừng 4,5m và chiều rộng đủ cho 1 ôtô lưu thông. Mặc dù vậy, giá thuê cho “mẩu” đường nhỏ không hề rẻ. Bác Đoàn Thị Tuất năm nay 62 tuổi là người đã gắn bó cùng mấy chục hộ dân nơi đây từ những ngày đầu tiên của dự án. Theo bác Tuất, ban đầu giá thuê cho hơn 4m đường vào khu chỉ khoảng 2 triệu đồng. Nhưng cứ vài năm, chủ đất lại đòi tăng giá “ngoảnh đi ngoảnh lại giá thuê đã lên tới 5,5 triệu đồng một tháng cho vài mét đường xập xệ, nát tươm”. Khốn khổ phận “đi nhờ” Trên vài mét ngắn ngủi của con đường "đi nhờ", gạch đá vụn lởm chởm rơi đầy đường. Đã vậy, núi rác “ngự trị” ngay phía đầu đường còn làm cho không khí nơi đây thêm đặc quánh bởi mọi thứ mùi hôi thối. Chỉ tay về phía con đường nhỏ đang bõng nước vì con mưa nhỏ, bác Nguyễn Kim Hằng (Nhà B7, Phương Liên) chán nản nói: “Trời nắng hay mưa thì tất tật dân cư quanh đây đều phải đóng kín cửa bởi ngày nắng thì mù mịt bụi đất còn mưa xuống thì nước với bùn cứ xâm xấp tới tận cửa”. Theo quan sát của phóng viên Vietnam+, liên tục cày xới con đường này là hàng trăm lượt xe cải tiến, xe tải chở vật liệu xây dựng qua lại. “Góp công lớn để phát nát con đường chính là cửa hàng mua bán vật liệu xây dựng ngay đầu đường, hàng ngày gạch đá rơi vãi khắp đường cũng từ những lượt xe này mà ra. Chúng tôi cũng khản tiếng báo cáo lên phường nhưng rồi cũng chả được ích gì”, bác Hằng lắc đầu thở dài. Tuy nhiên, chuyện con đường nhỏ ra vào khu dân cư nơi đây còn phức tạp hơn thế. Vài mét đường đó vẫn là điểm nóng mâu thuẫn giữa Công ty cổ phần xây dựng và phát triển công trình hạ tầng với bà Cả Vàng – chủ mảnh đất này. Theo lời cô Lâm Mai Phương tại số nhà D5, đã không ít lần bà Vàng cho người rào con đường lại bởi không thỏa thuận được với phía công ty về giá cả thuê đất. Cô Phương nhớ lại: “Có lần con đường này đã bị chặn lối đi tới 4 ngày liền chỉ vì phía công ty chậm trả tiền cho bà Vàng. Chỉ khổ dân cư quanh đây, mọi người phải gửi xe tận phía đường Lê Duẩn để đi bộ luồn lách qua mấy ngõ nhỏ về nhà”. Nhiều người còn lo xa đến đoạn: Nếu nhà có đám, lại đúng lúc không thống nhất được về giá lối đi tạm, có lẽ bà con chỉ còn cách “khiêng quan tài” ra tận bên ngoài mới đưa đi được. Trả lời về vấn đề này, ông Bùi Minh Hoàng, chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Phương Liên cho biết: “Đây là hậu quả của việc dự án cải tạo hồ Ba Mẫu suốt 19 năm qua và hiện đang đặt ra bài toán rất khó giải quyết cho chính quyền”. Nguyên nhân chính là do chủ đầu tư xây dựng - Công ty cổ phần xây dựng và phát triển công trình hạ tầng đã bán 61 căn hộ trên trước khi dự án làm đường hoàn thành. Đồng thời, phần diện tích đất hiện đang được thuê để làm đường mặc dù nằm trong diện thu hồi nhưng vẫn chưa được đền bù nên chưa thể tiến hành cải tạo thành đường đi một cách chính thức. Trong khi chờ đợi chính quyền giải quyết những vướng mắc kể trên, ngày ngày hàng trăm cư dân sống trong khu vực này vẫn cứ khốn khổ vì chuyện “đi nhờ” đường về nhà./. Bách Dũng (Vietnam+)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/gan-chuc-nam-thue-duong-vao-nha-minh/200910/21296.vnplus