'Gạn đục, khơi trong'

Làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã có bước tăng trưởng ổn định từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia, về lâu dài, các cơ quan quản lý, các địa phương cần chủ động “gạn đục, khơi trong” để thu hút dòng vốn này.

Sản xuất máy in xuất khẩu tại Công ty Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến hết tháng 8-2017, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư 23,36 tỷ USD, gồm vốn cấp phép mới, vốn tăng thêm và vốn mua cổ phần tại Việt Nam, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng thời gian này, lượng vốn giải ngân đạt 10,3 tỷ USD, tăng 5,1%. Như vậy, các chỉ tiêu về đầu tư nước ngoài tăng khá mạnh. Đáng lưu ý, có khoảng 2/3 số vốn tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo; năng lượng; bất động sản - đô thị và phát triển hạ tầng...

Đạt được những kết quả khả quan nói trên là do tác động tích cực, kịp thời trong việc thực hiện các chính sách nhất quán của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tập trung rà soát, đánh giá những mặt được, mặt tồn tại, đồng thời xác định rõ mục tiêu thu hút, sử dụng nguồn vốn này theo hướng phù hợp với yêu cầu và tình hình mới. Trong đó, đẩy mạnh rà soát, đánh giá và thanh lọc; ưu tiên mời gọi các dự án sử dụng công nghệ cao, sản xuất ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao cũng như tham gia xuất khẩu...

Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố đã chủ động nghiên cứu, xác định mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho chiến lược dài hạn, hoàn thiện danh mục dự án mời gọi đầu tư. Theo định kỳ, chính quyền các địa phương đã gặp gỡ, đối thoại với nhà đầu tư nước ngoài để nắm tình hình, kịp thời tháo gỡ vướng mắc và chủ động tăng cường hợp tác. Điển hình có thể kể đến dự án sản xuất pin năng lượng mặt trời First Solar (Mỹ) trị giá 1,2 tỷ USD tại TP Hồ Chí Minh vừa tái khởi động sau một số năm đình hoãn.

Dự báo, thời gian tới, vốn đầu tư nước ngoài vẫn gia tăng “dòng chảy” vào Việt Nam. Đặc biệt, nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm về sự ra đời của một số đặc khu kinh tế với những ưu đãi và hỗ trợ vượt trội. Theo ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, bên cạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài thuần túy thì cơ quan chức năng cần khuyến khích và tạo điều kiện để khu vực này đóng góp toàn diện hơn nữa. Đặc biệt là đầu tư nước ngoài tham gia phát triển nền kinh tế xanh để bảo đảm phát triển bền vững, khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên kết hợp bảo vệ môi trường, duy trì sự đa dạng sinh học - sinh thái...

Giới chuyên gia cũng đồng thuận với quan điểm, về lâu dài, các cơ quan quản lý, các địa phương cần chủ động “gạn đục, khơi trong” trong thu hút đầu tư nước ngoài; từ đó tận dụng tối đa nguồn vốn, hỗ trợ sức lan tỏa rộng hơn trong phát triển kinh tế và hạn chế những tác hại, hiệu ứng không đáng có từ những dự án đang và sẽ xuất hiện.

Hồng Sơn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/877899/gan-duc-khoi-trong