Gạo đang bị làm giá

(Baodautu.vn) Trong gần hai tuần lễ qua, ở Việt Nam có không ít thông tin cho rằng, Thái Lan đang bán tháo kho gạo dự trữ khổng lồ của mình với giá “bèo” và Ấn Độ còn có kho gạo dự trữ lớn hơn, cho nên nhiều khả năng giá xuất khẩu gạo năm nay sẽ rất thấp.

Thực tế có đúng như vậy?

Tại thời điểm này, ở Đồng bằng sông Cửu Long đang bắt đầu thu hoạch vụ lúa cho sản lượng và chất lượng tốt nhất mỗi năm, nên dù vô tình hay hữu ý, thì thông điệp trên được đưa ra với hàm ý, giá lúa gạo ở đây cần được kéo xuống.

Đến ngày 23/2/2014, Thái Lan mới xuất khẩu được 464.000 tấn gạo trắng

Theo hướng này, một “đại gia” xuất khẩu gạo cho biết, giá vốn xuất khẩu gạo 5% tấm hiện vào khoảng 395 USD/tấn, còn một thương nhân khác thì “bật mí” rằng, dù chấp nhận lỗ với giá chào bán là 375 USD/tấn, nhưng không có người mua, bởi Thái Lan vừa bán ra một lượng lớn gạo cùng loại, với giá chỉ là 370 USD/tấn...

Thế nhưng, rất có thể những suy đoán trên đã dựa vào các căn cứ không đủ độ tin cậy.

Phân tích trường hợp của Thái Lan

Trước hết, đúng là Thái Lan hiện đang có kho gạo dự trữ khổng lồ và các nhà quản lý nước này cũng đứng trước sức ép giải tỏa nhanh chóng lượng gạo tồn kho rất lớn.

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA), trong gần 29 tháng thực hiện chính sách thế chấp lúa gạo vừa qua (từ ngày 1/10/2011 đến ngày 22/2/2014), Chính phủ Thái Lan đã mua hơn 55 triệu tấn lúa (tương ứng gần 36 triệu tấn gạo, trong đó có tới 3/4 là gạo trắng), với giá cao hơn giá thị trường.

Trong khi đó, năm 2013, Thái Lan mới chỉ xuất khẩu được 10,3 triệu tấn gạo trắng, với giá bình quân hơn 540 USD/tấn, tức là chỉ bằng 63 - 67% mức giá kỳ vọng (giá xuất khẩu để không bị lỗ). Như vậy, tính đến thời điểm này, Thái Lan vẫn còn có gần 16,5 triệu tấn gạo trắng tồn kho. Lượng gạo nếp và gạo thơm các loại còn tồn kho của Thái Lan hiện gần 5 triệu tấn.

Đứng trước tình hình này, đầu năm nay, Bộ trưởng Thương mại tạm quyền Thái Lan đã tuyên bố, mỗi tháng trong quý I/2014, nước này sẽ bán ra 1 triệu tấn gạo. Chắc chắn, mục tiêu trước mắt của động thái này không có gì khác ngoài việc thu hồi vốn để trả khoản nợ lớn cho nông dân. Thế nhưng, nói là một chuyện, còn thực hiện được đến đâu lại là chuyện khác.

Theo các báo cáo định kỳ của USDA từ đầu năm đến nay (tính đến ngày 13/2), mới chỉ có 3 cuộc bán đấu giá công khai được tổ chức, với tổng khối lượng gạo chào bán chỉ gần 860.000 tấn.

Thông qua nguồn thông tin trên, có thể biết được ba điều chắc chắn.

Thứ nhất, có tới hơn một nửa trong tổng số 860.000 tấn gạo được chào bán là gạo tồn kho ít nhất hai năm.

Tiếp theo, chỉ có 100.000 tấn gạo được chỉ định cụ thể là dành cho xuất khẩu.

Cuối cùng, mức giá dự thầu đối với gạo trắng thấp hơn so với giá thị trường dao động trong khoảng 12 - 30%, tức là dao động trong khoảng 322 - 405 USD/tấn.

Thế nhưng, hai nội dung cũng quan trọng không kém trong các cuộc đấu giá này hiện còn rất “tù mù”. Đó là, lượng và giá gạo trúng thầu đều không được công bố.

Từ thực tế trên, có thể suy đoán rằng, mức giá quá “bèo” mà các thương nhân Thái Lan “mặc cả” với Chính phủ của mình chính là dành cho những lô hàng đã có “tuổi thọ” trên dưới hai năm, còn gạo tồn kho càng ngắn ngày hơn chắc chắn phải có giá càng cao hơn.

Một điều cũng khá rõ khác là, đây mới chỉ là giá dự thầu, cũng có thể chính là giá xuất kho của Chính phủ, còn giá xuất khẩu, hoặc giá bán ở thị trường trong nước đương nhiên còn bị “đội lên”, bởi nó còn phải gánh thêm vài khoản chi phí khác, như chi phí bốc xếp, vận chuyển…

Bên cạnh đó, cũng có thể suy đoán rằng, không nhiều trong tổng lượng gạo chào bán đó của Chính phủ Thái Lan được đẩy ra thị trường thế giới. Bởi lẽ, cũng theo nguồn tin của USDA, tính đến ngày 23/2, tổng lượng gạo trắng xuất khẩu của Thái Lan mới đạt 464.000 tấn, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2013.

Có cái nhìn đúng về gạo dự trữ của Ấn Độ

Trong khi không ít thông tin về thị trường gạo của Thái Lan vẫn chỉ là suy đoán như vậy, thì lý do Ấn Độ có kho gạo dự trữ tới 32 triệu tấn để cho rằng, gạo Việt Nam khó cạnh tranh là không có cơ sở.

Bởi lẽ, cũng theo các báo cáo của USDA, ít nhất là kể từ khi Ấn Độ quay trở lại thị trường xuất khẩu gạo trắng từ tháng 9/2011 đến nay, Chính phủ nước này chưa một lần cho bán đấu giá gạo từ kho dự trữ này, trong khi vẫn thường xuyên cho bán đấu giá lúa mỳ.

Thực tế này có nghĩa là, gạo dự trữ của Chính phủ Ấn Độ chỉ dùng để phục vụ chính sách trợ giá cho người tiêu dùng trong nước thông qua hệ thống phân phối công cộng.

Thêm vào đó, USDA hoàn toàn có lý khi dự báo rằng, trong năm nay, nhu cầu tiêu dùng gạo của Ấn Độ sẽ tăng 3 triệu tấn, cho nên xuất khẩu sẽ giảm 2 triệu tấn. Năm nay mới là năm đầu tiên Chính phủ Ấn Độ triển khai thực hiện Luật An ninh lương thực, thực phẩm mà Đảng cầm quyền hiện nay đã hứa với cử tri của mình cách đây 4 năm. Theo đó, có tới khoảng 70% dân cư nông thôn và khoảng 50% dân cư đô thị được trợ giá rất lớn, cho nên lượng lương thực cần huy động để thực hiện ước sẽ lên tới hơn 60 triệu tấn.

Nói cách khác, mục tiêu dự trữ gạo của Chính phủ Ấn Độ hoàn toàn khác với của Thái Lan, cho nên việc đánh đồng hai kho dự trữ này như nhau là một sự hiểu lầm.

Tóm lại, trong khi việc Thái Lan có bán tháo gạo hay không vẫn còn những điều “bí ẩn” cần được các chuyên gia, nhà quản lý làm sáng tỏ, thì một số thương nhân và cả một số tờ báo Việt Nam lại “đồng thanh” phán rằng, giá gạo xuất khẩu sẽ giảm mạnh là không có cơ sở thực tế.

Rõ ràng, chỉ khi các nhà quản lý làm sáng tỏ được những uẩn khúc hiện nay thì nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long mới có cơ hội bán được lúa có lời đáng mừng, bằng không, gần như chắc chắn giá gạo xuất khẩu sẽ tụt dốc. Hệ quả là, nông dân sẽ lại có một vụ được mùa, nhưng rớt giá, cho dù Nhà nước sẽ lại phải chi hàng trăm tỷ đồng để lặp lại “bài tủ” duy nhất là mua tạm trữ một triệu tấn (quy gạo) trong những ngày sắp tới.

Nguyễn Đình Bích

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/gao-dang-bi-lam-gia.html