'Gạo trộn' khiến Việt Nam mất nhiều thị trường?

Nhiều doanh nghiệp ham lợi nhuận nên trộn các loại gạo thơm nhẹ vào Jasmine, khiến chất lượng giảm mạnh, khách hàng mất lòng tin. Gạo Việt Nam mất nhiều thị trường cũng vì “gạo trộn!”.

Bà Đặng Thị Liên - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Long An thẳng thắn thừa nhận những lo ngại trước tình trạng giá gạo thơm Việt Nam luôn thấp hơn các nước. Gạo thơm hiện là sản phẩm được kỳ vọng nhiều nhất trong rổ gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện nay.

Theo bà Liên, nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo Việt Nam hiện nay còn “đấu đá” lẫn nhau, cạnh tranh để tăng lợi nhuận nên ảnh hưởng tới chất lượng gạo bán ra. Nhiều năm qua, Việt Nam không nâng giá các loại gạo thơm lên được do thường xuyên trộn gạo giống thơm nhẹ như OM6976, OM 4900 vào Jasmine nên rất khó bán.

Chưa hết, các loại gạo Nàng Hoa, ST cũng được dùng để trộn vào gạo thơm chất lượng cao nên giá bán của Việt Nam luôn rất thấp. Bà Liên nhấn mạnh, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nên đặt vấn đề chất lượng sản phẩm lên hàng đầu trong chương trình hành động xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam.

“Tôi đi dự hội nghị lúa gạo quốc tế 2 lần thì cả hai lần Campuchia họ đều đạt giải nhất trong cuộc thi chất lượng gạo ngon, còn Việt Nam mình thì không thấy đâu. Đó là chưa kể, dư lượng thuốc BVTV trong gạo còn cao nên nhiều nhà nhập khẩu e ngại”, bà Liên nhấn mạnh.

Gạo trộn đang khiến Việt Nam mất nhiều thị trường xuất khẩu.

Về vấn đề này, ông Huỳnh Thế Năng – Chủ tịch VFA cho rằng, vấn đề dư lượng thuốc BVTV trong gạo đã được Bộ NNPTNT, các ngành cũng như doanh nghiệp nhận ra từ nhiều năm trước. Do đó, Việt Nam đang tiến hành tổ chức lại sản xuất.

“Nhưng phải từ từ mới điều chỉnh được. Hiện tại, nông dân thường bón phân giải đoạn cuối để trừ sâu bệnh nhưng đây là nguy cơ tiềm ẩn tồn dư thuốc BVTV trong gạo”, ông Năng nói.

Ông Năng cho rằng, trước đây có chuyện 40 ngày đầu sau khi xuống giống nông dân không được xịt thuốc nhưng hiện nay, VFA muốn bổ sung thêm việc cấm xịt thuốc, bón phân vào 20 ngày chu kỳ sản xuất, trước khi thu hoạch.

Ông Lê Thanh Tùng – Phó Phòng Cây lương thực, (Cục Trồng trọt), cũng cho biết, Bộ NNPTNT đang xem xét sắp xếp lại mùa vụ, theo hướng chuyển từ mục tiêu tăng năng suất trước đây sang định hướng giảm mùa vụ, tăng chất lượng sản phẩm.

Theo ông Tùng, những năm qua, ĐBSCL đẩy mạnh tăng cơ cấu mùa vụ, chuyển từ sản xuất 1 vụ lúa trước đây sang 3 vụ nhưng vẫn không giúp cho nông dân giàu hơn. Hơn nữa, trước những tác động của biến đổi khí hậu, việc canh tác cũng cần phải thay đổi nhiều.

“Không có chuyện sản xuất an toàn thì bán được giá cao hơn mà phải là sản xuất an toàn thì mình mới bán được gạo trên thị trường quốc tế. Có hiểu như vậy thì mới cải thiện được chất lượng gạo Việt Nam”, ông Tùng giải thích thêm.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/gao-tron-khien-viet-nam-mat-nhieu-thi-truong-692684.html