Gặp gỡ Việt Nam 2016: Nhà khoa học trẻ thêm tin yêu nghiên cứu cơ bản

Tin tưởng và kỳ vọng là những gì mà nhiều nhà khoa học trẻ đang hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản đang hướng đến “Gặp gỡ Việt Nam" 2016. Đối với họ, đây thực sự là cơ hội để không chỉ xã hội nhìn nhận đúng hơn về vai trò của khoa học cơ bản mà sẽ có nhiều quyết sách được đưa ra nhằm phát triển lĩnh vực khoa học mang tính “xương sống” này.

Nắm chắc kiến thức cơ bản mới làm chủ được công nghệ

Có ý kiến cho rằng nghiên cứu cơ bản gần như không có vai trò gì trong việc phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học trẻ đã không đồng tình với quan điểm này.

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm KHCNVN, một trong những nhà khoa học trẻ khẳng định, nghiên cứu cơ bản không “trực tiếp” làm ra sản phẩm, ra tiền, nhưng kết quả nghiên cứu cơ bản sẽ là tiền đề cho sự cải tiến kỹ thuật, cải tiến công nghệ. Kết quả của nghiên cứu nói chung sẽ làm tăng hiệu suất lao động, giảm tiêu phí năng lượng, cải thiện môi trường…

Nghiên cứu cơ bản đang và đã được nhiều bạn trẻ lựa chọn trên con đường khoa học của mình

TS Hùng lấy ví dụ đơn giản về kết quả nghiên cứu thổ nhưỡng, địa chất ở nước ta sẽ giúp chính phủ có qui hoạch vùng về đất trồng cây công nghiệp; nghiên cứu về địa chấn, thủy văn sẽ giúp có những cảnh báo về thiên tai làm giảm nguy cơ thiệt hại về người và của; tìm ra nhiều loài mới cho khoa học, trong đó phát hiện nhiều loài là thiên địch của các loài sinh vật gây hại cho mùa màng, cho sức khỏe con người… Gần đây nhất là những bằng chứng khoa học về nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung là kết quả của những người làm khoa học, trong đó có nhiều nhà nghiên cứu khoa học cơ bản.

Việt Nam là đất nước đang phát triển, nền kinh tế còn yếu, kém, vì thế nhu cầu bức xúc về “sản phẩm” là điều đương nhiên và dễ hiểu. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, để làm chủ được công nghệ, kỹ thuật mới (đang thay đổi hàng ngày, hàng giờ) thì việc nắm chắc kiến thức cơ bản là rất quan trọng, nghiên cứu Khoa học cơ bản cần tiếp tục được đầu tư và nhà nước, người dân phải nhận thức rõ được vai trò, cũng như sự đóng góp “thầm lặng” của nó.

Đồng tình với quan điểm này, TS Trần Huy Thịnh, Phó trưởng bộ môn hóa sinh, Phó giám đốc Trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học, Đại học Y Hà Nội cũng cho rằng: " Nghiên cứu cơ bản có vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Nghiên cứu cơ bản tạo ra các công nghệ nền để từ đó phát triển các nghiên cứu ứng dụng tạo ra các sản phẩm khoa học công nghệ có chất lượng cao. Thực hiện nghiên cứu cơ bản có thể ví như hoạt động khởi nghiệp trong khoa học, tạo vườn ươm khoa học và công nghệ để phát triển các nghành khoa học mũi nhọn cho mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội. Thế kỷ 21 là thế kỷ của khoa học và công nghệ, chính vì vậy nếu không chú trọng đến nghiên cứu cơ bản thì chúng ta sẽ mãi mãi là những người đi sau trên con đường đổi mới công nghệ và hội nhập toàn cầu".

Nhà khoa học trẻ vừa đoạt giải thưởng Tạ Quang Bửu 2016, TS Phùng Văn Đồng, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam khẳng định, với nghiên cứu cơ bản nếu đòi hỏi ứng dụng ngay thì rất khó, nhưng về lâu dài thì nó như cái móng chắc để phát triển các ứng dụng khoa học khác. Điển hình như nghiên cứu điện từ, lúc đầu không ai biết nó là gì, ứng dụng ra sao nhưng đến nay, ứng dụng của nó thì vô cùng mà hiển thị rõ nhất là điện năng…Nếu có nghiên cứu thì đào tạo mới tốt được, nếu thầy cô hiểu mọi thứ lờ mờ thì làm sao mà giảng dạy tốt được cho học sinh, kích thích sự ham hiểu biết của học sinh.

Mong chờ nhiều chính sách đột phá

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định tại Hội thảo quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội” - sự kiện lớn nhất trong chuỗi các sự kiện khoa học “Gặp gỡ Việt Nam” 2016 rằng "Chính phủ Việt Nam luôn xuyên suốt quan điểm khoa học cơ bản là nền tảng, cần được chú trọng đầu tư. Đầu tư cho nghiên cứu cơ bản là đầu tư chiến lược, đầu tư cho nền móng, cho tăng cường năng lực quốc gia”. Khẳng định này đã củng cố thêm niềm tin của nhiều nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ đang chọn con đường nghiên cứu cơ bản.

TS Trần Huy Thịnh khá lạc quan về tương lai của lĩnh vực khoa học cơ bản. “Tôi tin rằng bản thân tôi và các đồng nghiệp làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản hoàn toàn có thể phát triển và triển khai tốt các nghiên cứu của mình tạo ra các nền tảng, các cơ sở dữ liệu khoa hoc công nghệ và có sự kết hợp chặt chẽ với nghiên cứu ứng dụng để tạo ra các kết quả, sản phẩm có hàm lượng và giá trị khoa học công nghệ cao”, TS Huy Thịnh chia sẻ.

Chúng ta cần chỉ ra những thế mạnh và tiềm năng phát triển của nghiên cứu cơ bản Việt Nam

Còn TS Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định “Tương lai được tạo thành từ kết quả của quá khứ và sự nỗ lực của hiện tại. Tôi hiện vẫn đang làm công việc mà mình yêu thích, tiếp tục hết mình cho niềm đam mê này và đồng thời luôn cập nhật những hiểu biết mới, công nghệ mới, kỹ thuật mới cho việc nghiên cứu cơ bản của mình”.

Ngoài ra, TS Phùng Văn Đồng chia sẻ “Với tôi, thu nhập hiện nay từ lương của cơ quan và thực hiện các đề tài từ Quỹ Phát triển KH&CN là đủ”.

Lạc quan và phấn khởi, song các các nhà khoa học trẻ cũng rất tâm huyết khi đưa ra nhiều đề xuất để khoa học cơ bản thực sự có điều kiện phát triển. Nhà nước cần có chiến lược phát triển lâu dài cùng với những chính sách, kế hoạch đầu tư một cách đồng bộ và bài bản cho nghiên cứu cơ bản. Đồng thời có những cơ chế, giải pháp hỗ trợ để nghiên cứu cơ bản trở về đúng vị trí và phát triển hết tiềm năng của mình.

Liên Cơ

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/gap-go-viet-nam-2016-nha-khoa-hoc-tre-them-tin-yeu-nghien-cuu-co-ban-c7a424226.html