Gặp kinh đô Văn Lang nơi thành phố Ngã ba sông

(ANTĐ) - Tuấn “râu” lâu nay mải mê với công việc ở Bảo tàng tỉnh. Lâu lắm mới có dịp chuyện trò. Bây giờ gặp lại thì Việt Trì của Tuấn đang quy hoạch Thành phố Lễ hội. Mừng cho Việt Trì. Lại nghe tin thành phố Ngã ba sông này sắp được nâng cấp lên đô thị loại Một. Vậy là đất Tổ rồi đến ngày được mở mang đúng tầm là kinh đô một thuở.

Không biết gần năm mươi năm trước, khi thành lập thành phố Việt Trì, các nhà quy hoạch có tra cứu tư liệu lịch sử không, nhưng cái thành phố này lại nằm đúng nơi mảnh đất ngày xưa là Kinh đô Văn Lang… Chỉ sau khi Việt Trì ra đời, người ta đã đào thám sát khảo cổ và phát hiện những di chỉ văn hóa Phùng Nguyên - Đông Sơn trên địa bàn thành phố. Những lần khai quật khảo cổ Gò Mun, Đồng Đậu, Làng Cả đều phát hiện dấu vết văn hóa thời Văn Lang. Lần gặp cách nay chừng mười năm, Tuấn “râu” khi ấy đương làm luận án sử học đã đau đáu chuyện thành phố Việt Trì có nhiều tên đường ít ý nghĩa, trong khi những cái tên đất tên người thời dựng nước gắn với lịch sử dân tộc thì chưa được đặt tên phố tên đường. Tôi đồng cảm. Nhưng ngày tháng trôi, Việt Trì vẫn thế, chỉ ô nhiễm khói bụi ngày một nặng nề bởi thành phố công nghiệp năm nào, giờ không còn thế mạnh công nghiệp nữa, khi các khu dân cư tràn vào mọi địa bàn thành phố, và cư dân Việt Trì, những hậu duệ Vua Hùng chịu cảnh sống chung với…ô nhiễm công nghiệp. Thế rồi hình như người đất Tổ - Việt Trì chợt bừng tỉnh. Những năm đầu thế kỷ XXI người ta bắt đầu nghĩ đến một Thành phố Lễ hội. Hình như người ta muốn thay đổi “cơ cấu kinh tế”, hoặc nôm na là muốn thay đổi chức năng thế mạnh của một thành phố Việt Trì công nghiệp xưa. Tôi đã gặp Kiến trúc sư Nguyễn Thế Khải, người được xem là kiến trúc sư mang tâm hồn Việt đến cho mọi công trình - sản phẩm của mình. Năm đó cách nay chừng bốn năm, ông Khải bảo tôi: Mình được giao làm Đề án quy hoạch thành phố Việt Trì thành phố Festival. Nhưng mình thích chữ Thành phố Lễ hội hơn. Nó là của người Việt mình. Xưa nay người Việt mê hội hè, để hòa mình vào đấy mà sống và vui chơi mà yêu nước và giữ gìn bản sắc dân tộc. - Điểm mới của Việt Trì mới là gì? Ông Nguyễn Thế Khải bảo: “Đó là thành phố Văn Lang mới. Thành phố ấy trên cái nền văn hóa vùng đất Tổ và phát huy thế mạnh du lịch lễ hội nhân văn bên cạnh thế mạnh công nghiệp lâu nay. - Nhưng điểm nhấn? - Điểm nhấn đó là di sản văn hóa. Đó là các di tích khảo cổ nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam, đó là các di sản phi vật thể sẽ thành di sản thế giới như Xoan Ghẹo, như tục cúng Giỗ Tổ và hội Vua Hùng… Rồi ông Khải nói đến ý tưởng về đổi tên thành phố, nên lại về Văn Lang, về việc đặt lại tên đường tên phố để người về đây hành hương như găp lại những tên đất tên người lịch sử gắn với Kinh đô Văn Lang một thuở… Bây giờ năm 2010, ngày Giỗ Tổ tôi có mặt trên cái thành phố Văn Lang như ông KTS Nguyễn Thế Khải đề xuất. Nhưng thành phố thì không trở về tên cũ. Chỉ có tên đường, tên phố đang được đổi lại như đề xuất của những người lập quy hoạch thành phố. Còn nhớ năm 2008 Thường vụ tỉnh ủy Phú Thọ đã ra thông báo xung quanh việc đổi tên phố tên đường. Trong cái đề án ấy, việc đổi tên đường do tỉnh quyết định. Đại lộ Hùng Vương nay đổi thành đường Hùng Vương… Tôi cho văn bản ấy có tính lịch sử, bởi lâu lắm rồi, từ năm 1962 khi manh nha một thành phố công nghiệp, tên phố tên đường chưa có gì, nên chuyện để tên đường tên phố như vậy, âu cũng là chuyện bình thường… Rồi trải ba lần Việt Trì đặt lại tên phố, vẫn chưa được như mong muốn. Những cái tên đường mới nghe như ở đâu cùng có, nào Tiền Phong, Đoàn Kết, Nhi Đồng, Công Nhân, Giấy Nến, Tân Đức, Tân Bình… Nhiều tên đường do nhân dân tự đặt lâu dần được gắn biển… Lại có những danh nhân xa lạ không liên quan gì đến đất này cũng được lấy làm tên đường tên phố… Cái đáng mừng là việc hôm nay người đất Tổ đang làm. Người Việt Trì mấy tháng nay đã làm lại biển tên đường mới. Từ cái cột biển mang hình dáng kiến trúc nghệ thuật có gắn hình chim Lạc đến cái công năng như một trụ đèn đường đã nói với du khách về ý thức văn hóa. Việt Trì xưa là đất Kinh đô Văn Lang thời dựng nước. Tại đây mỗi tên đất tên làng còn mang dấu ấn huyền thoại hay truyền thuyết gắn với di sản vật thể và phi vật thể gợi nhớ thuở Vua Hùng. Những Thậm Thình, Phượng Lâu, Tịch Điền, Làng Cả, Gò Mun Đồng Đậu… gắn với lịch sử cha ông dựng nước vẫn còn gọi đến bây giờ… Bây giờ, trong ngày Giỗ Tổ hướng về Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đi giữa thành phố Việt Trì bỗng thấy như lạc vào Kinh đô Văn Lang cổ. Những cái phố mới hiện đại đã được đặt lại tên gợi nhớ thuở hồng hoang: Những Bạch Hạc, Bến Gót, Lạc Long Quân, Ngọc Hoa, Mỵ Châu, Mai An Tiêm, Âu Cơ, Minh Lang, Minh Nông, Văn Lang, Âu Lạc, Nghĩa Lĩnh, Phùng Nguyên… Bây giờ đền Hùng về với thành phố Việt Trì. Tôi nghĩ những người lập quy hoạch thành phố này đã có được một tầm nhìn chiến lược, khoa học và hoàn toàn mang tính lịch sử. Hy vọng đến một ngày Việt Trì về lại với cái tên xưa vừa ý nghĩa vừa sang trọng: Thành phố Văn Lang. Âu đó là một thái độ ứng xử với lịch sử dân tộc.

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=72241&channelid=8