Gặp người vinh dự được Bác Hồ đeo cho khăn quàng đỏ

Tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1966, bà là một trong 6 học sinh tiêu biểu đại diện cho học sinh cả nước vinh dự được Bác Hồ đeo cho khăn quàng đỏ. Bởi có mối thân tình với con trai bà - vốn là bạn đồng môn, tôi biết cả cuộc đời bà luôn sống giản dị và tận lực, tận tâm với nghề, góp phần nhỏ bé làm lan tỏa tinh thần học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ.

Bà Đinh Thị Lê Kim và tác giả.

Bà Đinh Thị Lê Kim và tác giả.

Cô bé Việt kiều "Hạt Mít"

Bà là Đinh Thị Lê Kim, sinh năm 1951, trú tại quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng. Tôi vốn là bạn học phổ thông với con trai bà. Có lần tôi hỏi, việc bà là một trong những học sinh được Bác Hồ trực tiếp đeo cho khăn quàng đỏ, tặng huy hiệu rồi chụp ảnh cùng... trong một sự kiện lớn của đất nước thực sự là vinh dự đối với không chỉ cá nhân, gia đình bà mà còn với cả ngành Giáo dục và nhân dân thành phố Cảng, vậy sao báo chí ít biết và hầu như không viết về bà. Bà cười bảo, với bà đó thực sự là niềm vinh dự lớn. Cũng có một số nhà báo đến hỏi, nhưng bà ngại nói, vậy thôi!

Bà kể, gia đình bà là Việt kiều sinh sống ở Thái Lan. Những năm 1960, theo tiếng gọi của Đảng, của Bác, Việt kiều về nước nhiều lắm, Nhà nước tổ chức đưa đón chứ không phải về đơn lẻ. Thời gian đó, bố của bà là thầy dạy chữ ở Thái Lan. Ông vốn là bộ đội bị thương trong chiến đấu, được đưa sang một làng người Việt ở nước bạn để chữa bệnh, nhưng cũng được ngầm hiểu là còn để tham gia xây dựng phong trào cách mạng trong cộng đồng Việt kiều nơi đây. Ông tham gia Hội Việt kiều với nhiệm vụ dạy chữ cho con, cháu các thành viên trong hội. Ông là người chồng thứ hai của mẹ bà. Trước khi gặp bố bà, mẹ bà trong cảnh chồng là liệt sĩ, một nách hai con mới sang Thái Lan buôn bán để kiếm sống, ở nhờ nhà thầy giáo. Ông bà nên duyên rồi sinh ra bà...

Những kỷ niệm một thời gian khó cứ thế ùa về trong câu chuyện của bà giáo đôn hậu... Bà Kim cùng bố mẹ được sắp xếp đi về bằng đường biển vào năm 1961. Bố của bà nguyên là học sinh Trường Bách nghệ Pháp nên được đưa về Hải Phòng để tham gia xây dựng ngành Công nghiệp. Trước đó, hai người em của bà đã được đưa về nước. Tới năm 1964, Mỹ ném bom Hải Phòng, cả gia đình phải sơ tán ra ngoại thành ở xã Lê Thiện (huyện An Dương), là xã cuối cùng của Hải Phòng về phía Tây, rồi vừa đi học vừa phải liên tục sơ tán để tránh bom đạn. Cho đến năm 1974, bà tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm I (Hà Nội) và được phân công về Hải Phòng dạy ở Trường cấp 2 Hồng Bàng. Lúc ấy, Trường Hồng Bàng mới bắt đầu tái thành lập sau chiến tranh. Bà dạy ở đó tận cho đến khi về hưu. Cùng học đại học sư phạm với bà, có người được phân về Quảng Trị, người về Đầm Hà (Quảng Ninh)... Thời ấy đi lại vất vả lắm, chỉ di chuyển từ Quảng Ninh về Hải Phòng đã mất tới 3 ngày.

"Năm dự Đại hội, được Bác trực tiếp đeo cho khăn quàng đỏ, bà bao nhiều tuổi ạ?" - Tôi hỏi bà, với cách xưng hô thay cho con mình. Bà lẩm nhẩm nhớ lại, quãng chừng 15 tuổi, cuối năm 1966, tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Năm đó, Hải Phòng có một anh hùng của Xi măng Hải Phòng, một anh hùng của Cảng Hải Phòng. Bà là đại diện duy nhất của học sinh Hải Phòng. Cả nước chỉ có 6 học sinh góp mặt tại sự kiện này. Trong một căn phòng rất lớn, Bác gọi các học sinh lên, bà bé nhất nên được Bác trìu mến đặt cho cái tên là “Hạt Mít”. Rồi bà được Bác trao quà, tặng Huy hiệu, Giấy khen, chụp ảnh lưu niệm cùng, vui lắm! Nhiều năm trước, một số cán bộ của ngành bảo tàng thành phố đến mượn huy hiệu về trưng bày, sau này bà cũng không hỏi để lấy lại. Chỉ còn một số bức ảnh đã nhuốm màu thời gian, được bà lưu giữ cẩn thận...

Trọn đời tâm huyết với nghề

Câu chuyện đang "đượm" thì bà có khách đến chơi, là hai mẹ con. Người mẹ từng là học sinh cũ của bà, nay đứa con gái lại gửi đến nhờ bà kèm thêm môn toán. Anh Vũ Tiến Dũng, con trai bà đang ngồi tiếp chuyện cùng, bảo: "May mắn, bà còn khỏe và minh mẫn, học sinh chủ yếu là người quen. Ngoài giờ dạy thì bà lại chăm sóc mấy đứa cháu nội, cháu ngoại và chợ búa, cơm nước... Nhiều lúc, con cái khuyên bà dạy ít, dành thời gian để nghỉ ngơi nhưng bà không chịu". "Thấy học sinh tiến bộ từng ngày, tự bà thấy khỏe ra rồi!" - bà Kim cười hồn hậu.

Trong số học sinh đã và đang được bà kèm cặp, có những "gia đình học trò" mấy thế hệ, từ bố mẹ cho đến con, cháu. Ai trong lứa tuổi học sinh cấp THCS đều đến học. Bà về hưu hơn 10 năm rồi, nhưng học trò đến học thêm vẫn khá nhiều. Cháu nào đóng tiền học thì đóng, không đóng bà cũng không để ý. Có những gia đình cho con học cả năm, đến cuối năm mới nhớ gửi tiền cho bà. Bà còn tâm niệm - là trẻ đã đến học ở nhà thì ngoài dạy chữ, bà sẽ còn trông nom, chăm sóc để gia đình yên tâm. Có gia đình đề nghị bà dạy riêng và sẵn sàng trả mức tiền thù lao cao nhưng bà không đồng ý. Gần nhà có cháu là con một cô lao công nghèo, bố bị ung thư xương. Khi cháu nộp tiền, bà bảo chỉ lấy chút tượng trưng bởi nếu không lấy thì sẽ sợ gia đình cháu tủi thân. Lúc bố cháu nguy kịch, không chỉ động viên, sợ cháu đuối kiến thức, bà còn dành thêm thời gian hằng tuần để kèm riêng. Bà luôn sống như vậy, đơn giản và tâm huyết, trách nhiệm hết mình. Trong suốt đời công tác, dù bà rất giỏi chuyên môn và không ít lần được quan tâm cất nhắc làm công tác quản lý nhưng bà bảo, bà chỉ thích làm giáo viên đứng bục giảng.

Sợ bà nói chuyện nhiều sẽ mệt, tôi chào bà để về. Chia tay, bà bảo, giọng ấm mà tự hào: "Cả cuộc đời, bà luôn tâm niệm cố gắng học và làm theo Bác, trước hết là sự giản dị, lấy thiện tâm làm gốc để ứng xử! Con, cháu của bà giờ cũng đang chảy theo đúng cái mạch nguồn ấy!".

Tuấn Lương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Phong-su-Ky-su/869201/gap-nguoi-vinh-du-duoc-bac-ho-deo-cho-khan-quang-do