Gấp rút triển khai hỗ trợ đầu thu số tại 15 tỉnh trước ngày 30/6/2017

Tiến độ triển khai số hóa truyền hình tại 15 tỉnh giai đoạn 2 phụ thuộc rất lớn vào việc hỗ trợ đầu thu cho hộ nghèo, cận nghèo. Nếu việc đấu thầu dự án hỗ trợ đầu thu số cho 590.000 hộ đúng tiến độ thì việc ngừng phát sóng analog tại 15 tỉnh trước 30/6/2017 sẽ thực hiện được.

Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước Bộ TT&TT ngày 3/5/2017 vừa qua, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, liên quan đến triển khai việc mua sắm đầu thu hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo tại 15 tỉnh sẽ tắt sóng truyền hình analog vào ngày 1/7/2017 tới đây, đang chờ kết quả đấu thầu do Ban quản lý Chương trình Viễn thông công ích thực hiện. Nếu đấu thầu đúng tiến độ thì việc ngừng phát sóng analog trước ngày 30/6/2017 chắc chắn sẽ thực hiện được.

Theo tính toán của Cục Tần số Vô tuyến điện, trong số 15 tỉnh sẽ tắt sóng truyền hình analog đợt 1/7/2017 có gần 590.000 hộ nghèo, cận nghèo, lớn hơn tổng số đầu thu đã hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo của giai đoạn 1 và đợt 1 của giai đoạn 2. Theo dự kiến được đưa ra trước đây, việc đấu thầu được hoàn tất vào ngày 15/5/2017 và các doanh nghiệp trúng thầu sẽ lắp đặt đầu thu tới từng hộ thụ hưởng sau đó.

Đối với các tỉnh sẽ triển khai số hóa truyền hình giai đoạn 3, mới đây Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã chủ trì làm việc với lãnh đạo 7 tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ gồm tỉnh Bạc Liêu, Bình Phước, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh, Trà Vinh. Lãnh đạo các tỉnh này đã thống nhất cao thực hiện đúng chỉ đạo của Trưởng ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình và quyết tâm sẽ ngừng phát sóng truyền hình analog tại 7 tỉnh Nam Bộ thuộc giai đoạn 3 trước ngày 31/12/2017 . Các tỉnh tham gia cuộc họp đã đề nghị Bộ TT&TT có giải pháp hỗ trợ đầu thu truyền hình số trước ngày 31/12/2017 .

“Nếu thực hiện được kế hoạch này thì 7 tỉnh giai đoạn 3 ở khu vực Nam Bộ sẽ đi trước lộ trình số hóa truyền hình sớm hơn 1 năm”, ông Hoan cho hay.

Tiến độ tắt sóng truyền hình analog phụ thuộc vào dự án hỗ trợ đầu thu cho hộ nghèo. Ảnh minh họa: Internet

Lý do để các tỉnh muốn sớm triển khai số hóa truyền hình chính là do tác dụng tích cực của số hóa truyền hình trong giai đoạn 1 và 2. Thành công của số hóa truyền hình đã chứng minh được tính tích cực khi chuyển từ truyền hình số sang truyền hình analog. Người dân chuyển sang xem truyền hình chất lượng cao mà không mất tiền, người dân được thụ hưởng nhiều kênh truyền hình hơn mà không mất tiền. Các công ty truyền dẫn phát sóng đã giúp các đài truyền hình phổ biến các kênh truyền hình với chất lượng cao, không phải chất lượng thấp như truyền dẫn trên cáp analog hoặc vệ tinh chất lượng thấp. Vùng phủ sóng các kênh truyền hình số cũng rộng hơn, không chỉ nằm trong phạm vi toàn tỉnh mà còn mở rộng ra trong khu vực. Nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi đều mong muốn thực hiện sớm số hóa truyền hình.

Cho đến thời điểm này, khi việc triển khai Đề án số hóa truyền hình đã đi được một nửa chặng được với 13 tỉnh đã hoàn thành số hóa truyền hình, với 50% dân số đã nằm trong vùng phủ sóng truyền hình số DVB-T2, vào ngày 1/7/2017 tới đây, 15 tỉnh, thành sẽ tiếp tục tắt sóng truyền hình analog.

Tuy nhiên, trong khi các tỉnh Nam Bộ sốt ruột muốn sớm được triển khai số hóa truyền hình và thống nhất quan điểm sẽ thuê công ty SDTV cung cấp dịch vụ phát sóng, thì tại khu vực Bắc Bộ rất nhiều địa phương còn băn khoăn với hiệu quả của việc truyền dẫn phát sóng số mặt đất, so với các phương thức truyền dẫn khác như vệ tinh hoặc truyền hình cáp. Có địa phương tại miền Bắc thuộc nhóm 2 lại muốn chuyển sang số hóa truyền hình giai đoạn 3, trong đó có Phú Thọ.

Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai số hóa truyền hình, ông Cao Anh Minh, Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM cho biết, thách thức lớn nhất mà các đài truyền hình số hóa giai đoạn 2 và 3 chắc chắn sẽ gặp phải đó là, tính đến thời điểm 2016 sóng truyền hình analog vẫn là sóng có tính phổ cập cao nhất trên địa bàn TP.HCM hay các tỉnh khác cũng vậy. Tuy dân cư ở TP.HCM ít xem truyền hình qua sóng analog nhưng với phạm vi phủ sóng rộng, dân các tỉnh xem kênh của TP.HCM rất nhiều. Bởi vậy nếu tắt sóng truyền hình analog kênh TP.HCM, vùng phủ sóng analog thu hẹp 50% thôi thì ở góc độ thị trường, giá trị thương hiệu, phạm vi phủ sóng được tính trong chỉ số đo lường kênh truyền hình sẽ bị điểm trừ. Khi đó nguy cơ doanh thu quảng cáo bị sụt giảm. TP.HCM đã phải biến khó khăn thách thức thành thời cơ, Đài Truyền hình TP.HCM đã nhanh chóng mở rộng phủ sóng số mặt đất.

Một kinh nghiệm nữa, TP.HCM đã phải kết hợp các chương trình quảng bá mạnh để người dân hiểu được truyền hình số mặt đất là gì. Phải giải thích rõ bằng các clip hài, tiểu phẩm, kết hợp với các doanh nghiệp thực hiện các chương trình đổi tivi thường sang tivi số, tặng tivi số cho người nghèo vùng ven để nâng cao nhận thức cho người dân về số hóa truyền hình.

Bên cạnh đó, Đài Truyền hình TP.HCM xây dựng nhiều phương án để bù đắp lại vùng phủ sóng trong thời điểm quá độ, khi sóng analog bị tắt. Đài Truyền hình TP.HCM đã đa dạng hóa phương thức truyền dẫn kênh của mình trên nhiều hạ tầng như số mặt đất, cáp, vệ tinh, các hệ thống Internet và OTT.

Khôi Nguyên

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/vien-thong/so-hoa-truyen-hinh/gap-rut-trien-khai-ho-tro-dau-thu-so-tai-15-tinh-truoc-ngay-30-6-2017-152525.ict