Gặp tác giả bài thơ nổi tiếng: Mùa hoa cải

Dễ đến hơn chục năm có lẻ, tôi mới gặp lại chị Nghiêm Thị Hằng - tác giả của nhiều bài thơ tình nổi tiếng, trong đó có bài 'Mùa hoa cải'. Ngày ấy, tôi làm ở Báo Giao thông Vận tải, chị làm ở Báo Nông nghiệp Việt Nam. Đôi ba lần chị đến tòa soạn gửi bài, sau những câu chào hỏi ân tình, chị đi rồi, chuyện về chị vẫn rôm rả…

Tình cờ, trong đợt tập huấn về nghiệp vụ báo chí mới đây do Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC) tổ chức, tôi gặp lại chị.

Người đàn bà thơ năm nào, giờ lại đang đau đáu với loạt phóng sự điều tra, đặc biệt là vụ án "Gò Công Đông" đang được chuyển thể thành tiểu thuyết dày 2 tập.

Hai đêm trò chuyện với chị, hai người đàn bà khó ngủ có quá nhiều chuyện để hàn huyên. Loanh quanh chuyện, lại quay về bài thơ nổi tiếng “Mùa hoa cải” đã được phổ nhạc thành bài hát được nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, yêu thích.

Có một mùa hoa cải
Nở vàng bên bến sông
Em đương thì con gái
Ðợi tôi chưa lấy chồng.

Tôi rụt rè không dám
Hái một bông cải ngồng
Sợ làm con bướm trắng
Giật mình bay sang sông.

Qua bao mùa hoa cải
Chỉ mình tôi biết thôi
Mình tôi không dám hái
Hoa cải bay về trời .

Bâng khuâng chiều làng bãi
Không còn hoa cải ngồng
Ai xui tôi trở lại
Ngày em đi lấy chồng.

Tôi lại gieo hạt cải
Lại âm thầm đợi mong
Có một người con gái
Ðợi tôi chưa lấy chồng.

Những vần thơ ấy, sau này đã được nhạc sĩ Lê Vinh phổ nhạc thành những câu hát:

“Có một mùa hoa cải, nở vàng trên bến sông. Em đang thì con gái, đợi anh chưa lấy chồng. Có một mùa hoa cải, nắng vàng trong mê mải, cầm tay em bối rối, anh nói lời yêu thương.
Anh nói rồi anh đi, chiến tranh không ước hẹn, sợ làm con bướm trắng, thẫn thờ chiều bên sông. Thế rồi thế rồi em, bao mùa vàng rực nắng, đợi anh mặc hoa trôi, đợi anh trong khắc khoải, thư đi không trả lời…

Thế rồi thế rồi thôi, buồn thương hoa héo hắt, ai cũng bảo phải quên, em đành bước sang ngang. Gửi mùa xuân ở lại, gửi con tim cháy mãi, cho người mình chờ mong… Có một mùa hoa cải, chia tay bởi chiến tranh, em đã chờ đợi anh, sao anh mãi không về…”.

Thật khó có thể tin, nhưng đó là sự thật, từ bài thơ “Mùa hoa cải” của nhà thơ Nghiêm Thị Hằng lại có thêm một bài hát ấn tượng. Khổ đầu của bài thơ là khúc mở của bài ca, 20 chữ đúng như nguyên bản. Rồi sau 5 chữ nữa cũng từ văn bản gốc, nhạc sĩ đã phát triển lời ca theo hướng suy nghĩ riêng, dẫn dắt người nghe khúc tự sự trong giai điệu sâu lắng. Câu chuyện tình dở dang, vừa đẹp, vừa buồn...

Nhạc sĩ Lê Vinh kể lại câu chuyện tình bằng giai điệu buồn man mác, xúc động. Còn nhà thơ Nghiêm Thị Hằng đã neo lại lòng người với câu kết: “Tôi lại gieo hạt cải
Lại âm thầm đợi mong/ Có một người con gái/ Ðợi tôi chưa lấy chồng”.

Cảm xúc hoa cải đã trở thành đề tài sáng tạo nghệ thuật. Khi là thơ, khi là chuyện, khi là nhạc… vẫn gieo vào lòng người cảm xúc khó quên, mặc dù dân gian đã có câu: "À ơi ..... hoa cải lên trời. Rau răm ở lại, chịu lời đắng cay"… Với bài thơ/ ca khúc ấy, dường như có một mùa hoa cải đã vàng rực trong lòng người yêu thơ, yêu nhạc.

Thơ thường được đọc, thông qua từ ngữ, hình ảnh, vần điệu để chiêm nghiệm. Song bằng âm thanh, ca từ, giai điệu, nhạc sẽ chấp cánh cho thơ, đến thẳng trái tim người cảm nhận. Bài thơ “Mùa hoa cải” của nhà báo, nhà thơ Nghiêm Thị Hằng là một trường hợp như thế.

Sau hơn chục năm gặp lại, tôi đã được nghe tác giả bài thơ “Mùa hoa cải” ngâm lại bài thơ của mình. Thế hệ chúng tôi, những người đàn bà U.50 có lẻ, bài thơ đã gợi nhớ bao kỷ niệm của một thời xa ngái, một thời hào hùng của tuổi hai mươi. “Em đã chờ đợi anh, sao anh mãi không về”. Đó là cái đẹp của thơ ca, của âm nhạc, cái đẹp của tình yêu, của sự đợi chờ không toan tính…

Lại một mùa xuân nữa đang về, hãy nghe, hãy đọc lại bài thơ “Mùa hoa cải”, để thêm thấu hiểu, chia sẻ và trân trọng về những gì mà chúng ta đang có…

Hồ Thu Thủy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/gap-tac-gia-bai-tho-noi-tieng-mua-hoa-cai-32733.html