Gạt nước mắt hiệu trưởng, TPHCM vẫn cấm dạy thêm

Sở GD-ĐT TPHCM đã ra chỉ đạo các trường phải chấm dứt việc tổ chức dạy thêm, học thêm ở các trung tâm, cơ sở trên địa bàn.

Cụ thể, ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM đề nghị thủ trưởng các đơn vị thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố về quản lý dạy thêm, học thêm và theo công văn 22/7 của Sở GD-ĐT.

Theo đó, các trường phải chấm dứt việc tổ chức dạy thêm, học thêm của tất cả các trung tâm, cơ sở bồi dưỡng văn hóa, ngoại ngữ, tin học… đã được cấp phép giảng dạy trong nhà trường từ năm học này.

Tùy điều kiện nhà trường để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, nhất là với học sinh cuối cấp. Phòng GD-ĐT thực hiện tốt các công tác tham mưu với UBND quận huyện để tổ chức quản lý việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường theo địa bàn.

TPHCM chính thức cấm dạy thêm, học thêm

Như vậy, sau những giọt nước mắt của các Hiệu trưởng trên địa bàn, TPHCM vẫn kiên quyết cấm dạy thêm, học thêm.

Thậm chí, vấn đề cấm hay không cấm dạy thêm, đã từng gây ra nhiều tranh cãi. Tại buổi khảo sát của Ban Văn hóa xã hội - HĐND TPHCM về tình hình dạy thêm, học thêm trên địa bàn Quận 3, ngày 23/8, ông Nguyễn Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường TH Thực hành sư phạm Phan Đình Phùng, đã bật khóc khi nói về việc ngưng dạy thêm trong nhà trường.

Theo ông Lợi, tại sao bác sĩ được mở phòng khám ngoài giờ, ca sĩ chạy sô kiếm tiền được mà giáo viên lại không thể sống bằng chính nghề của mình thì còn nỗi buồn nào hơn.

Về phía quản lý, ngày 12/8, tại Hội nghị tổng kết năm học của ngành giáo dục thành phố, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM đã từng đưa ra đề xuất với lãnh đạo thành phố xem xét lại việc cấm dạy thêm, học thêm trong trường học vào thời điểm này.

Việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường thực tế đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của số đông học sinh và phụ huynh với các tiêu chí đảm bảo cơ sở vật chất, an toàn cho học sinh, dễ quản lý học sinh của phụ huynh, kiểm soát được nội dung, chất lượng giáo viên…

Mặt khác, dạy thêm, học thêm cũng là một giải pháp nhằm hỗ trợ ổn định đời sống của giáo viên, không chỉ cho giáo viên trực tiếp tham gia dạy thêm trong nhà trường mà cho cả giáo viên các bộ môn không tham gia dạy thêm nhưng tham gia quản lý lớp cũng như đội ngũ nhân viên gián tiếp của nhà trường.

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Lê Nguyên, giáo viên tại Nam Định, sau việc thầy Nguyễn Văn Lợi - Hiệu trưởng Trường tiểu học Thực hành sư phạm Phan Đình Phùng (TP HCM) khóc khi nói về dạy, học thêm, thì "Giáo viên đòi dạy thêm là đấu tranh cho thu nhập cá nhân".

Tiền học thêm bao giờ cũng lớn hơn gấp nhiều lần học phí. Nhiều người nói giáo viên dạy thêm vì không thể sống bằng đồng lương là rất nực cười, vì nhiều thầy cô không hề biết đến dạy thêm là gì, họ vẫn phải sống.

Rõ ràng, một bộ phận đang không đấu tranh cho thu nhập của giáo viên nói chung, mà lên tiếng cho thu nhập của mình.

Đồng tình quan điểm, bà Trần Thị Hải Yến, Giám đốc điều hành trường THCS Alpha, Hà Nội cho rằng, việc TP.HCM cấm giáo viên dạy thêm, học thêm là một hành động đúng, được sự ủng hộ của đa số cha mẹ học sinh nhưng đó chưa phải là cái gốc.

Việc giải quyết dạy thêm, học thêm cần làm triệt để hơn và cần bắt đầu đi từ việc tuyển chọn sinh viên của trường ĐH Sư phạm, từ việc xây dựng chính sách dành cho giáo viên.

Thế nhưng, việc TPHCM đưa ra lệnh cấm dạy thêm, học thêm là đúng với chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, năm nay nhất định xóa bỏ việc dạy thêm.

Cụ thể, tại cuộc họp với đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về phát triển giáo dục và đào tạo TP HCM.

Bởi vì theo Bí thư, hình thức trên không phù hợp với xu thế hội nhập và làm ảnh hưởng lớn đến ngành giáo dục thành phố.

Bí thư Thăng cũng nhấn mạnh, đã đến lúc phải chấp nhận giáo dục theo kinh tế thị trường. TP HCM không cấm dạy thêm, học thêm mà chỉ cấm hoạt động này tổ chức trong trường học. Ai có nhu cầu dạy và học cứ thoải mái ra các trung tâm bồi dưỡng văn hóa đăng ký.

Sơn Ca(Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/gat-nuoc-mat-hieu-truong-tphcm-van-cam-day-them-3317455/