GCHQ – Một phiên bản của Echelon

Các tài liệu do người tố giác Edward Snowden cung cấp tiếp tục tiết lộ bằng chứng cho thấy các mục tiêu của Cơ quan Tình báo tín hiệu khổng lồ của Anh GCHQ giám sát chặt chẽ các đường truyền giao tiếp vệ tinh liên quốc gia, ví dụ "Đức - Georgia" và "Đức - Thổ Nhĩ Kỳ", của một số nhà cung cấp dịch vụ viễn thông.

Phó Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh của EC Joaquin Almunia.

Trong danh sách theo dõi của GCHQ còn ghi rõ danh tính của Phó chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh của Hội đồng châu Âu (EC) Joaquin Almunia cũng như các địa chỉ email của Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Israel.

Những tiết lộ về hoạt động gián điệp của GCHQ khiến Chính phủ Anh đang phải đối mặt với cuộc tranh cãi về các hoạt động tình báo của nước này chống lại các quốc gia đối tác trong EU.

Sự tiếp nối của mạng lưới Echelon

Từ Bude cho đến các địa điểm khác của GCHQ cho thấy cơ quan tình báo này giám sát có hệ thống các cuộc gọi điện thoại quốc tế giữa các quốc gia với nhau thông qua các kết nối vệ tinh cũng như các giao tiếp email (gọi là "C2C" hay giữa các máy tính với nhau).

Ví dụ, trong danh sách dài của GCHQ có ghi chép về các kết nối liên lạc giữa những nơi như Bỉ và các quốc gia châu Phi. Đề mục "EU COMM JOAQUIN ALMUNIA" xuất hiện trong một tài liệu phân tích về những đường dẫn giao tiếp giữa Bỉ và châu Phi được chuẩn bị từ tháng 1/2009. Lúc đó, trong cao trào của cuộc khủng hoảng đồng euro, Almunia còn là ủy viên tài chính và kinh tế của EU, và tài liệu liên quan đến ông của GCHQ có tên mã là "Broadoak".

Mới đây, Almunia đã áp đặt các mức tiền phạt đối với Tập đoàn dược phẩm Johnson & Johnson cũng như các công ty tài chính như Citigroup và J.P. Morgan Chase. Tên của Almunia cũng xuất hiện trong tài liệu thứ hai của GCHQ từ năm 2008, trong đó mô tả đường dẫn giao tiếp giữa Pháp và châu Phi.

Theo tài liệu, Almunia - hay một con số gán cho ông trong cơ sở dữ liệu mục tiêu của GCHQ - gọi đến một số quốc gia ở Tây Phi như Bờ Biển Ngà vào ngày 30 hay 31/10/2008. Danh sách mục tiêu của GCHQ còn bao gồm các lãnh đạo châu Phi, các thành viên gia đình của họ cũng như các đại sứ và doanh nhân của lục địa này.

Thêm vào đó là, đại diện của các tổ chức quốc tế - như Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO), Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và Viện Nghiên cứu Giải trừ quân bị Liên Hiệp Quốc (UNIDIR). Một số đáng kể các sứ mạng ngoại giao Liên Hiệp Quốc ở Geneva, các tổ chức phi chính phủ như Tổ chức Các bác sĩ không biên giới (Doctors of the World), các công ty tư nhân (nhất là trong lĩnh vực viễn thông và ngân hàng), nhà thầu quốc phòng Pháp Thales và Tập đoàn năng lượng khổng lồ Total ở Paris cũng nằm trong danh sách mục tiêu của GCHQ.

Những chiếc đĩa vệ tinh khổng lồ của GCHQ ở Bude.

Các tài liệu mật cho thấy, mạng lưới vệ tinh gián điệp của GCHQ giống như sự tiếp nối của hệ thống gián điệp toàn cầu Echelon huyền thoại một thời, từng là đối tượng điều tra gắt gao của một ủy ban thuộc Nghị viện châu Âu vào năm 2000. Trong báo cáo kết luận năm 2001 của ủy ban này, giới chính khách EU đưa ra bằng chứng chắc chắn về mạng gián điệp công nghiệp sử dụng Echelon và cũng có sự dính líu của Mỹ.

Nhưng, chỉ vài tuần sau đó, sự kiện tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11/9/2001 đã nhanh chóng đẩy sự chỉ trích của EU vào làn sóng quên lãng. Các tài liệu của người tố giác Edward Snowden chứng minh được rằng hệ thống gián điệp kiểu Echelon của nhóm "Five Eyes" (hay Fornsat) - nhóm hợp tác chia sẻ thông tin tình báo giữa 5 quốc gia nói tiếng Anh; bao gồm: Mỹ, Canada, New Zealand, Anh và Australia - thực sự còn tồn tại.

GCHQ Bude được nêu lên bằng tên mã "Carboy" trong đề mục "Các hoạt động thu thập thông tin quan trọng của Fornsat". Một điểm thu thập thông tin khác trong liên minh Five Eyes cũng xuất hiện trong tài liệu của GCHQ là trạm nghe lén Suger Grove của NSA ở Bắc Virginia có tên mã là "Timberline".

Các mục tiêu Đức và Israel gây bối rối cho chính phủ Anh

Có ít nhất 4 mục tiêu Israel nằm trong danh sách gián điệp của GCHQ Bude, bao gồm một địa chỉ email ghi là "Thủ tướng Israel" trong tài liệu năm 2009, tức khoảng thời gian ông Ehud Omert làm Thủ tướng nước này. Một địa chỉ email khác cũng khá nhạy cảm - trong một thời gian, minister@mod.gov.il là trung tâm của chính sách an ninh và đối ngoại của Israel, nhất là chính sách về Iran.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak và Tham mưu trưởng lúc đó của ông là Yoni Koren được cho là sử dụng tài khoản email này. Thủ tướng và Ngoại trưởng Israel là hai nhân vật quan trọng nhất của Israel cho nên bất cứ ai giám sát được những cuộc giao tiếp của họ đều có thể nắm bắt các chính sách của nước này.

Tổng hành dinh GCHQ ở thành phố Cheltenham, miền tây nước Anh.

Một tài liệu đề ngày 27/11/2009 chứa danh sách dài các số điện thoại được cho là liên quan đến các viện và có thể là các cá nhân Đức. Một chiến dịch ghi trong tài liệu tập trung vào đất nước Congo chìm trong khủng hoảng, bao gồm các thành viên gia đình của tổng thống một quốc gia châu Phi cũng như một số quan chức cao cấp, một giáo sĩ và một cựu phó tổng thống của nước này. Hai con số liên quan đến Đức trong đề mục gọi là "danh sách của toàn bộ các điểm nóng ưu tiên hàng đầu".

Dòng chữ "Đại sứ quán Đức ở Rwanda" - Đại sứ quán Đức ở thủ đô Kigali - được ghi cạnh con số "250-252575141". Tiếp đó là con số điện thoại của Đại sứ quán Đức ở Kigali cho đến năm 2011.

Các điểm nóng khác là các con số dẫn đến thủ đô Berlin nước Đức: "Mạng chính quyền Đức 49-30-180". Những con số này bao gồm mã quốc gia cho nước Đức, mã vùng cho Berlin và số hiệu cho mạng thông tin chính quyền Đức kết nối các bộ ở Berlin

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/hosomat/2014/1/82385.cand