GĐ Bệnh viện Hòa Bình từ chức: Nhiều anh em trách...vội thế

“Cán bộ bệnh viện đều hiểu và rất tin tôi. Nhiều người còn trách tôi xin từ chức là vội vàng, quay lưng lại với bệnh viện”.

Xin từ chức vì danh dự của tỉnh, của ngành

Ngày 19/7, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đã tổ chức hội nghị tư vấn và trưng cầu ý kiến của cán bộ bệnh viện liên quan đến ông Trương Quý Dương, Giám đốc Bệnh viện tỉnh, với tư cách người đứng đầu để xảy ra sự cố y khoa khiến 8 người tử vong khi chạy thận ngày 29/5.

Cuộc họp bao gồm 84 người với thành phần là ban lãnh đạo, đại diện các chi bộ, các cán bộ chủ chốt, trưởng phó các khoa, và đại diện các tổ chức đoàn thể ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Các đại biểu đã bỏ phiếu kín đề nghị kỷ luật ông Trương Quý Dương. Kết quả cho thấy, 70% đồng tình với hình thức khiển trách, 18,2% cảnh cáo và 10% hình thức kỷ luật khác.

Bác sĩ Dương khẳng định xin từ chức vì danh dự của tỉnh, của ngành

Sáng 20/7, chia sẻ thêm với Đất Việt, ông Trương Quý Dương cho biết, đây không phải là buổi họp kiểm điểm. Thực chất là buổi gặp mặt để cán bộ bệnh viện chia sẻ ý kiến, quan điểm xung quanh sự cố y khoa xảy ra cách đây 2 tháng.

“Sự cố ngày 29/5, cá nhân tôi là Giám đốc Bệnh viện, tôi ký hợp đồng, tổ chức các mạng lưới và phải kiểm điểm lại xem việc này đã làm đúng quy định hay chưa? Về trách nhiệm cá nhân, tôi thấy rằng cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ đấy.

Còn việc danh dự, trách nhiệm người đứng đầu, tôi đã nói rõ là sau khi các cấp có kết luận thỏa đáng, làm rõ trách nhiệm trong ngày 29/5 thì tôi để bảo vệ danh dự, uy tín cho Bệnh viện, cho ngành, cho tỉnh tôi sẽ xin thôi nhiệm vụ Giám đốc Bệnh viện và chuyển sang công việc khác.

Thực tế khi xảy ra những việc như thế thì nhận một hình thức kỷ luật là điều nên làm và cần thiết. Nhưng trách nhiệm đến đâu thì xử lý đến đó. Việc từ chức hay thôi chức không phải là hình thức kỷ luật. Việc nào có lợi nhất cho ngành, cho bệnh viện, cho tỉnh thì tôi làm thôi”, ông Dương khẳng định.

Theo ông Dương, sau khi ông đưa ra ý kiến trên, Sở Y tế Hòa Bình đã ghi nhận để xem xét. Trong khi đó, nhiều cán bộ Bệnh viện tỉnh làm việc với ông bày tỏ tiếc nuối cũng như trách ông vội vàng khi có ý định ra đi.

“Cán bộ bệnh viện đều hiểu và rất tin tôi. Nhiều người còn trách tôi làm như vậy là quay lưng lại với bệnh viện. Nhưng tôi nói đầu tiên phải xác định danh dự. Danh dự cho ngành, cho tỉnh đã rồi mới nghĩ đến quyền lợi cá nhân.

Hiện nay tôi vẫn tiến hành các hoạt động của bệnh viện bình thường và phải quyết định rất nhiều vấn đề”, ông Dương chia sẻ.

Hợp đồng dưới 100 triệu là sửa chữa nhỏ

Trong cuộc trò chuyện với Đất Việt, bác sĩ Trương Quý Dương cũng thẳng thắn chia sẻ về những nghi vấn xung quanh việc các hợp đồng giữa Bệnh viện và Công ty Thiên Sơn có giá trị dưới 100.000 triệu đồng hay việc Công ty Thiên Sơn chuyển nhượng lại hợp đồng cho một đơn vị thứ ba là Công ty Trâm Anh, có trụ sở tại Bắc Ninh đảm nhận.

“Những thông tin đưa ra chưa đúng bản chất của vấn đề”, ông Dương nhấn mạnh.

Về việc các bản hợp đồng giữa Công ty Thiên Sơn ký với Công ty Trâm Anh, ông Dương khẳng định Bệnh viện đa khoa Hòa Bình hoàn toàn không biết.

“Đây là trách nhiệm của Công ty Thiên Sơn và họ có lý do riêng để làm như vậy. Các bản hợp đồng này, phía Thiên Sơn cũng đã làm rõ với các cơ quan pháp luật”, ông Dương nói.

Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình chia sẻ, Công ty Thiên Sơn đã làm việc với bệnh viện gần 10 năm nay và hoàn toàn đầy đủ về mặt pháp lý.

Các hợp đồng giữa 2 bên cũng đa dạng và có nhiều mức giá khác nhau phụ thuộc vào bản chất, tính chất công việc.

“Chúng tôi có trên dưới 10 dạng hợp đồng. Bao giờ sửa chữa, mua sắm lớn thì làm theo kế hoạch năm. Còn những vấn đề hỏng hóc hàng ngày, hàng tuần thì bắt buộc phải làm những cái sửa chữa nhỏ, có giá trị dưới 100 triệu. Việc này hoàn toàn công khai, chả có gì cả”, ông Dương nhấn mạnh.

Nguyễn Hoàn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/gd-benh-vien-hoa-binh-tu-chuc-nhieu-anh-em-trachvoi-the-3339523/