Gemadept tiếp tục thoái mảng cao su, tìm đối tác cùng chí hướng bán 25% vốn Gemalink

Thoái vốn tại nhiều công ty để tập trung vào hoạt động kinh doanh chính là một trong những nội dung quan trọng mà HĐQT Công ty Cổ phần Gemadept (HOSE: GMD) dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông thông qua trong kỳ họp tổ chức ngày 26/5 tới đây.

Theo HĐQT, Gemadept đang sở hữu và khai thác hệ thống cảng và logistics trải dài từ Bắc đến Nam, với chiến lược phát triển hệ thống cảng tại khu vực phía Bắc là cụm cảng Nam Đình Vũ và khu vực phía Nam là hệ thống cảng nước sâu Gemalink để trở thành nhà khai thác cảng hàng đầu Việt Nam.

Do đó, Hội đồng quản trị Gemadept trình Cổ đông thông qua việc thoái vốn tại một số công ty thành viên. Đồng thời, GMD cũng sẽ chọn cổ đông chiến lược cho lĩnh vực hoạt động kinh doanh chính là Logistics và vận tải biển.

Tiếp tục đề xuất bán các công ty cao su

Theo đó, Gemadept dự kiến sẽ thoái vốn 51%-100% tại các công ty dự án cao su. Đây là nội dung đã từng được HĐQT Gemadept đưa ra tại các kỳ trước nhưng do thị trường cao su không thuận lợi khiến cho việc thoái vốn không như ý.

Cao su GMD trồng tại Campuchia năm 2014

Đến cuối năm 2015, GMD đã đầu tư xấp xỉ 1.351 tỷ vào dự án trồng rừng cao su tại Campuchia. Dự án bao gồm 30.000 ha đất trồng rừng cao su, trong đó 10.000 ha đã được gieo trồng. GMD kế hoạch trồng thêm khoảng 1.000 ha mỗi năm.

Năm 2016, thực hiện nghị quyết Đại hội đồng Cổ đông thường niên về việc tập trung các nguồn lực cho hoạt động kinh doanh chính và thực hiện việc thoái vốn ở lĩnh vực trồng cao su nên diện tích trồng mới năm 2016 đã được thu hẹp xuống còn 500 ha.

Báo cáo thường niên năm 2016 cho biết, năm 2017, các công ty cao su sẽ xin phép để giãn tiến độ và giảm diện tích trồng mới đăng ký với các bộ ngành Campuchia; tiếp tục chăm sóc các diện tích đã trồng.

Tìm đối tác cùng làm dự án Cảng Cái Mép Terminal Link (Gemalink)

Ngoài mảng cao su, Gemadept cũng dự kiến bán 15% vốn còn lại tại GMD Tower cho CJ Hàn Quốc và thoái toàn bộ 51% vốn tại Công ty CP Tiếp vận và Cảng Quốc tế Hoa Sen Gemadept.

Đáng chú ý, Gemadept sẽ giảm 25% vốn tại Công ty CP Cảng Cái Mép Terminal Link (Gemalink) từ tỷ lệ 75% vốn đang sở hữu. Mục đích là chuyển nhượng cho đối tác chiến lược nhằm tạo vốn đầu tư.

Gemalink chính là khoản đầu tư liên doanh lớn nhất của Gemadept với số vốn đầu tư tính đến nay gần 1. 500 tỷ đồng. Đây là dự án cảng có quy mô lớn nhất trong cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải với tổng diện tích lên tới 72 ha, chiều dài cầu bến chính là 1.150 m và bến tàu feeder là 370m. Giai đoạn 1 của dự án bao gồm cầu bến chính dài 800 m cho tàu mẹ và bến tàu feeder dài 260 m trên diện tích kho bãi 33 ha. Khả năng xếp dỡ của cảng trong giai đoạn 1 là 1,2 triệu teus/năm.

Dự án cảng Gemalink

Trước đó, do ảnh huởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, GMD đã chủ động giãn tiến độ thi công của dự án cảng nuớc sâu Gemalink Cái Mép từ tháng 1/2012 và chọn phương pháp gia tải tự nhiên để tiết kiệm chi phí.

Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức trong năm 2016 của GMD cho biết, nguồn vốn cần đầu tư mới vào dự án này là 200 triệu USD, việc chuyển nhượng bớt 25% vốn cho đối tác sẽ giúp Công ty thu được tiền và bơm ngược vào dự án mà không cần đi vay thêm (với điều kiện cổ đông chiến lược cũng đồng ý bơm vốn vào).

Gemadept cũng dự kiến chuyển nhượng tối đa 51% vốn tại Công ty TNHH Vận tải biển Gemadept Holding (GMD đang sở hữu 100% vốn) cho đối tác chiến lược. Công ty TNHH Logistics Gemadept Holding, công ty con 100% vốn khác cũng dự kiến sẽ được Gemadept chuyển nhượng tối đa 51% cổ phần cho đối tác chiến lược.

Cả 2 khoản thặng dư thu được từ chuyển nhượng 2 công ty trên đều sẽ được dùng để chi trả cổ tức cho cổ đông.

Tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược là các đối tác trong và ngoài nước phù hợp với chiến lược phát triển của Công ty. Đồng thời, đối tác phải đảm bảo các tiêu chí về năng lực tài chính; có kinh nghiệm và khả năng mở rộng thị phần, thị trường trong và ngoài nước; có khả năng mở rộng hệ thống nguồn hàng, nguồn khách hàng cho Công ty.

Đặt kế hoạch lợi nhuận tăng 10% dù doanh thu không tăng

Với định hướng tập trung nguồn lực phát triển hoạt động kinh doanh cốt lõi là khai thác cảng và logistics và tiếp tục thực hiện việc thoái vốn các lĩnh vực không phải là hoạt động kinh doanh cốt lõi khi có thể, đặc biệt là dự án trồng cây cao su, cây công nghiệp...

HĐQT trình Đại hội đồng cổ đông phê duyệt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2017 với doanh thu dự kiến đạt 3.800 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thực hiện trong năm 2016 và 530 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 10%.

HĐQT đề nghị Đại hội đồng cổ đông phê duyệt mức chi cổ tức bằng tiền mặt 15% (1.500 đồng/cổ phiếu) cho năm 2016 từ lợi nhuận chưa phân phối trên Báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán tại ngày 31/12/2016. Ngoài ra, HĐQT cũng đề xuất trích 8% lợi nhuận sau thuế cho quỹ Hội Đồng quản trị (mức trích 3%) và quỹ khen thưởng phúc lợi (mức trích 5%)

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2017 của Gemadept cho thấy, dù doanh thu tăng thấp, lãi gộp giảm 11,5% nhưng lợi nhuận trước thuế của GMD tăng 27,8% lên mức 118 tỷ đồng nhờ không còn ghi nhận khoản lỗ 53 tỷ đồng thanh lý tài sản như cùng kỳ năm trước.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/gemadept-tiep-tuc-thoai-mang-cao-su-tim-doi-tac-cung-chi-huong-ban-25-von-gemalink-20170515122340378p4c147.news