Genco 1: Nợ vay ăn mòn lợi nhuận

Báo cáo tài chính mới nhất của Genco 1 cho thấy doanh nghiệp này vẫn đang phải oằn lưng gánh lãi vay tăng vọt trong nửa đầu năm 2017.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các công ty con hiện đang là “quán quân” về nợ vay so với các tập đoàn, tổng công ty khác. Hiệu quả kinh doanh và tình hình vay nợ của các công ty con của EVN, trong đó có Tổng công ty Phát điện 1 (Genco 1), luôn thu hút sự quan tâm của dư luận.

Cụ thể, trong quý II/2017, doanh thu của Genco 1 đạt 7.345 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ 2016. Biên lãi gộp cũng được cải hiện đáng kể từ 2,08% lên 20,8%, giúp lãi gộp quý II/2017 đạt 1.531 tỷ đồng (gấp 17,2 lần so với cùng kỳ 2016).

Trong khi doanh thu tài chính chỉ đạt 33 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ 2016 thì chi phí tài chính lại tăng mạnh từ 1.132 tỷ lên 1.745 tỷ đồng (tăng 54%). Đây là nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận sau thuế quý II của Genco 1 âm 313 tỷ đồng, cùng kỳ năm 2016 con số này là âm 994 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, Genco 1 lãi sau thuế 128 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2016 lỗ 910 tỷ đồng.

Tính riêng trong quý II/2017, chi phí lãi vay của Genco 1 lên tới hơn 1.411 tỷ đồng (chiếm 81% tổng chi phí tài chính), gấp 2,65 lần so với cùng kỳ 2016. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lãi vay phải trả là 1.963 tỷ đồng, tăng 93% so với cùng kỳ 2016. Như vậy bình quân mỗi ngày Genco 1 phải chi gần 11 tỷ đồng để trả lãi vay trong nửa đầu năm 2017.

Tình hình nợ vay Genco 1. (Đơn vị: tỷ đồng)

Tính đến thời điểm cuối quý II/2017, tổng dư nợ vay (bao gồm cả vay ngắn hạn và dài hạn) của Genco 1 là gần 73.923 tỷ đồng (giảm 1,6% so với thời điểm đầu năm) và bằng quy mô tổng tài sản của một ngân hàng cỡ nhỏ ở Việt Nam.

Trước đó, 6 tháng đầu năm 2016, tổng công ty này cũng bất ngờ báo lỗ trước thuế 911 tỷ đồng, chi phí lãi vay tăng từ 597 tỷ đồng lên 1.015 tỷ đồng. Trước đó, năm 2015, Genco1 đã đẩy mạnh sử dụng đòn bẩy tài chính khi số dư nợ vay (cả ngắn và dài hạn) tăng từ 53.693 tỷ đồng lên 66.940 tỷ đồng, trong đó phần lớn là vay ngoại tệ (khoảng 60.000 tỷ đồng) từ China Eximbank, Ngân hàng Societe Generale hay JBIC. Với việc đồng USD và Yên Nhật mạnh lên, lỗ chênh lệch tỷ giá của Genco1 tăng từ 1.171 tỷ đồng lên 2.771 tỷ đồng trong năm 2016.

mặc dù EVN đã lựa chọn và báo cáo Bộ Công thương 2 đơn vị tư vấn XĐGTDN và đơn vị tư vấn lập phương án CPH, đồng thời được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương xử lý tài chính. Tuy nhiên việc CPH tổng công ty phát điện này vẫn diễn ra rất khó khăn. Quá trình CPH Genco1 đã kéo dài hơn 14 tháng, vượt quá quy định 6 tháng kể từ thời điểm XĐGTDN. Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng chưa có kế hoạch làm việc tại Genco1.

Do vậy, EVN tháng 3/2017 đã có công văn đề nghị Bộ Công thương cho phép điều chỉnh thời điểm XĐGTDN để CPH Công ty mẹ Genco1 là 1/1/2017. Hiện Genco1 vẫn đang ở bước chuẩn bị hồ sơ tài liệu, hoàn thiện dự thảo phương án CPH. Còn ở Genco2, quá trình CPH ở đây chỉ mới dừng lại ở bước EVN thành lập được ban chỉ đạo CPH, phê duyệt dự toán chi phí CPH và tổ chức phát hành hồ sơ mời thầu để chọn đơn vị tư vấn XĐGTDN.

Với đặc thù cần rất nhiều vốn xây dựng cơ bản của ngành điện lực trong khi nguồn nội lực còn chưa mạnh, không khó hiểu khi Genco 1 phải phụ thuộc rất lớn vào đòn bẩy tài chính. Phần lớn các khoản nợ của Genco 1 là các khoản vay lại bằng ngoại tệ từ EVN (phần lớn được Chính phủ bảo lãnh). Nếu EVN và các đơn vị thành viên như Genco 1 kinh doanh kém hiệu quả và không có khả năng trả nợ, thì ngân sách nhà nước sẽ phải đứng ra thanh toán. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, tính hiệu quả từ các khoản vay hàng nghìn tỷ đồng không chỉ riêng của Genco 1 mà cả các đơn vị thành viên của EVN cần phải được xem xét và giám sát chặt chẽ.

Mai An (t/h)

Nguồn ANTT: http://antt.vn/genco-1-no-vay-an-mon-loi-nhuan-209909.htm