Ghét bỏ đứa con vừa chào đời, tại sao?

Sau 6 tháng háo hức mong có thai và 8 tháng hồi hộp chờ mong con chào đời, Minh không ngờ khi điều đó thành hiện thực, cô không hạnh phúc như vẫn tưởng. Cô ghét đứa bé, và nhiều lúc muốn nhảy lầu tự tử.

Bé sinh non nên vừa yếu vừa nhẹ cân. Mỗi lần bú, bé chỉ ngậm ti mẹ một lát rồi nhả ra ngay, khóc ngằn ngặt, rồi trở hết, và chỉ lát sau lại khóc đòi ăn, rồi lại trớ. Bé ngủ rất ít, thường xuyên quấy khóc. Cả ngày và đêm, không có giấc ngủ nào của Minh kéo dài được đến một giờ vì hễ cứ chợp mắt là đứa bé lại khóc. Đã thế, chỉ trong 2 tháng sau sinh mà bé phải đến bác sĩ 3 lần. Chồng Minh bận đi làm từ sáng đến tối, khuya còn ngồi viết đề án, lại nghĩ rằng có bà nội chăm nom nên không quan tâm nhiều đến vợ. Còn mẹ chồng Minh thì nghĩ chẳng có lý do gì mà cô không lo nổi cho đứa con, nên cũng chỉ giúp chuyện nấu nướng mà thôi.

“Tôi thấy như chính đứa bé cũng cố tình hành hạ tôi, nó không bao giờ đáng yêu như những đứa trẻ khác”, Minh nhớ lại cảm giác đó. Không nghỉ ngơi, không giải trí, không ai chia sẻ, ăn uống phải kiêng khem đủ thứ, cô kiệt sức, tủi thân và chán đời. Cô căm ghét và hận đứa con. Khi nó khóc, cô dỗ chỉ để được yên thân, chỉ muốn đánh nó thật đau khi không dỗ được. Nhiều lúc cô ước giá đứa bé bị ốm nặng phải nằm cách ly trong bệnh viện cho bác sĩ trông coi, để mình được ngủ một đêm đẫy giấc. Chồng Minh không để ý khi thấy vợ hay khóc lóc, cáu bẳn vô cớ, nhưng đến hôm cô nổi điên đòi bóp chết con rồi nhảy lầu tự tử thì anh mới nhận ra cô bị trầm cảm và đưa đến bác sĩ.

Chứng trầm cảm sau sinh là ngày càng gặp nhiều ở phụ nữ thời hiện đại. Theo giáo sư Lê Đức Hinh, áp lực cuộc sống quá nặng khiến không ít bà mẹ trẻ ngày nay không kịp chuẩn bị tâm lý và kinh nghiệm chăm sóc con, nên khi “vào cuộc” sẽ dễ lo lắng, tủi thân quá mức, dẫn đến trầm cảm. Nhiều phụ nữ bị trầm cảm vì phải chịu quá nhiều vất vả sau khi sinh con, không được người thân giúp đỡ, hoặc stress xung đột với mẹ chồng…

Để thoát khỏi tình trạng này, sản phụ cần có sự quan tâm, chia sẻ của những người thân trong gia đình, để có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, cảm thấy mình được yêu thương, giúp đỡ. Bản thân người mẹ cũng nên chủ động tâm sự, đề nghị sự hỗ trợ. Những trường hợp trầm cảm nặng và kéo dài cần có sự can thiệp của bác sĩ chuyên khoa.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/Home/doisong/Ghet-bo-dua-con-vua-chao-doi-tai-sao/20126/217057.datviet